Chạm một miền xuân (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) tập hợp 158 bài thơ của 50 tác giả lọt vào chung khảo cuộc thi "Lục bát Tết", do Saigon Books tổ chức lần đầu tiên nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua. ....
Chạm một miền xuân (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) tập hợp 158 bài thơ của 50 tác giả lọt vào chung khảo cuộc thi “Lục bát Tết”, do Saigon Books tổ chức lần đầu tiên nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 vừa qua. Chỉ với một chữ “Tết” được chọn làm chủ đề, cuộc thi đã gợi nên biết bao cảm xúc chấp cánh cho thơ bay lên.
Nói như nhà thơ Cao Xuân Sơn - một trong ba thành viên của ban giám khảo, cuộc thi là “sự khơi mở nhẹ nhàng để rồi như hiệu ứng dây chuyền làm bùng nổ vô số ngóc ngách mạch nguồn xúc cảm với Tết, với xuân, với quê hương trong lòng người Việt ở khắp nơi”.
Bìa sách Chạm một miền xuân |
Với Chạm một miền xuân, người yêu thơ có dịp thưởng thức lại những vần thơ lục bát nhẹ nhàng, tinh tế của người Việt. Tập thơ giống như một khu vườn mùa xuân ngập tràn hương sắc của cỏ cây hoa lá, ngập tràn những thanh âm rộn rã của lòng người, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ở đó, có tâm trạng bồi hồi nhớ quê của những người con lưu lạc, là tấm lòng trĩu nặng nhớ thương mẹ già quê xa của anh lính biên thùy. Hoàng Anh Tuấn - chiến sĩ công an ở Lào Cai đã vẽ nên cả một bức tranh tháng Chạp đầy thân thương nơi miền quê yên bình: Đò ngang chở bấc qua sông/Bờ đê nắng trốn cải ngồng làm hoa/Mẹ từ phiên chợ làng xa/Gánh đầy hai thúng chiều tà trĩu vai (Tháng Chạp).
Như một lẽ tự nhiên, Tết là thời khắc mà bao người quay quắt nhớ thương về chốn cũ, càng xác tín cho sự bền chặt của sợi dây cội nguồn. Mà những hồi tưởng của Nguyễn Hải Lý là một ví dụ sinh động: Lá dong giờ chắc đã xanh/Bến sông giờ chắc đã thành bến vui/Tiếng gà vẫn tiếng gà thôi/Mà xao xác cả một trời thương mong (Cuối năm).
Mỗi khi Tết về, nhà thơ Quốc Sinh (bút danh Lê Hòn Khói) của xứ Trầm Hương, lại ngậm ngùi nhớ người chị gái lấy chồng xa: Lấy chồng từ độ tóc xuân/Quê người từ độ rượu mừng vu quy/Những mùi hương cũ nhiều khi/Sống trong những thứ li ti quê nhà/…./Chị ơi dâu bể đá vàng/Phận mình giọt nước đất làng nằm sâu (Lá thơ gửi chị).
Tết là thời điểm đoàn viên, sum vầy. Tuy nhiên, có bao người vì mưu sinh đã phải rời xa quê nhà, để rồi mắt lại ngấn lệ đăm đăm nhớ về quê nhà khi xuân về gõ cửa. Tác giả Trần Văn Nhân dường như đang nói hộ tấm lòng của người con ly hương qua bài thơ Tết trọ: Tha phương cúng Tết giữa trời/Khói nhang lạc lõng biết trôi hướng nào/Khấn nhanh kẻo nước mắt trào/Lạy đâu khỏi lệch hướng sao quê nghèo. Kém may mắn hơn, có những người sống đời viễn xứ, lòng nhớ Tết nhớ quê không biết tỏ cùng ai như tác giả Gia An ở nước Ý rực rỡ nắng vàng bên bờ Địa Trung Hải: Sầu trên những đóa hoa cười/Lạnh trên vương vãi vàng tươi nắng trời/Mùa rơi, con đếm mùa rơi/Thèm ngơ ngẩn chút sắc trời quê hương (Tết tha hương).
Lục bát không chỉ hấp dẫn người lớn tuổi, mà còn thu hút sự tham gia của các cây bút trẻ. Nhiều tác giả trẻ đã biết cách làm mới lục bát, tạo nên cảm giác khác lạ mà bài thơ Chợ Tết của Linh Văn là một điển hình: “Ba Mươi/chợ bán những gì?/tôi mua giữa biển người đi ngược dòng/cụ già đánh bóng lư đồng/khóe mắt mòn gỉ/hư không cuối chiều/hoa khoe áo mới yêu kiều/người ăn mày cũ ngồi thiu thỉu buồn/…/Thị thành họp chợ cuối năm/bán hái hối hả/tôi chầm chậm mua…” (Chợ Tết).
Không còn cái chợ Tết đầy sắc màu của Đoàn Văn Cừ năm xưa, chợ Tết của Linh Văn lại đầy chất suy tư. Nói vậy, có nghĩa thế hệ trẻ còn nhiều cây viết đầy trách nhiệm với thời cuộc, với truyền thống của dân tộc.
Cũng như Tết, thơ lục bát đã trở thành quốc hồn của người Việt! Thưởng thức Chạm một miền xuân là một trải nghiệm thú vị như một kiểu hành hương về cội nguồn. Chạm một miền xuân đã chạm vào lòng người!
THÀNH NGUYỄN