11:03, 03/03/2017

Áo dài phụ nữ Việt Nam xưa và nay

Bà Nguyễn Minh Nguyệt là hội viên lão thành của Câu lạc bộ Tem Hoàn Cầu - Nha Trang. Bà là nhà sưu tập tem có bộ sưu tập chuyên đề "Trang phục phụ nữ Việt Nam" được giải Đồng tại Triển lãm tem quốc gia tại Hà Nội - năm 2010.

Bà Nguyễn Minh Nguyệt là hội viên lão thành của Câu lạc bộ Tem Hoàn Cầu - Nha Trang. Bà là nhà sưu tập tem có bộ sưu tập chuyên đề “Trang phục phụ nữ Việt Nam” được giải Đồng tại Triển lãm tem quốc gia tại Hà Nội - năm 2010.

 

 


Bà Nguyệt năm nay đã sang tuổi bát tuần. Bà yêu thích tem từ khi còn là học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ngày ấy, bà sưu tầm những bộ tem, con tem đẹp của Việt Nam và thế giới bán ở các hiệu sách và bưu điện… Sau khi nghỉ hưu từ ngành Tài chính tỉnh Khánh Hòa (năm 1992), bà mới chú tâm học hỏi xây dựng các bộ sưu tập tem chuyên đề, từ 2 khung về thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa, 3 khung về phụ nữ Việt Nam anh hùng - đảm đang… Riêng về bộ sưu tập “Trang phục phụ nữ Việt Nam”, bà xây dựng trong 3 năm được 5 khung với 80 trang tem và các ấn phẩm bưu chính đã diễn giải, minh họa trong các tiểu chương mục như: áo dài phụ nữ Việt Nam thời xưa; áo dài cách tân hiện đại; trang phục của phụ nữ các dân tộc; trang phục của phụ nữ ngành Y tế; trang phục của phụ nữ quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong.

 

 


Phần đầu của bộ sưu tập tác giả đã dành nhiều nghiên cứu về lịch sử phát triển và cách tân áo dài phụ nữ Việt Nam được diễn giải trong 2 khung với 32 trang tem. Tác giả dẫn người xem theo dòng lịch sử trang phục áo dài phụ nữ Việt Nam thời xưa là áo dài có 2 vạt trước giao nhau, trong áo dài là yếm lót và váy sồi tơ đen. Đến thế kỷ XVIII, phụ nữ Đàng Trong mặc áo dài với quần 2 ống theo sắc dụ của chúa Nguyễn Phúc Khoát… Thời Pháp thuộc, áo dài phụ nữ Việt Nam bắt đầu được cách tân từ họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1911 - 1946, bút danh Cát Tường, Lemur). Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1928 - 1933. Tháng 7-1937, ông mở hiệu may y phục phụ nữ ở phố Lê Lợi - nay là phố Quang Trung - Hà Nội với phương châm: “Quần áo tuy dùng để che thân, song nó là tấm gương phản chiếu trình độ, trí thức của một đất nước”… Từ đó, việc cách tân chiếc áo dài nổi danh “áo dài Cát Tường”, khi thì được thiết kế gợi cảm, cầu kỳ, có lúc lại thay đổi kiểu tay giác-lăng, cổ thuyền; thân áo có lúc để buông thẳng, khi lại chiết eo nhằm tôn vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ…

 

 


Ngày nay, chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam hiện đại đã được đưa lên nhiều mẫu tem. Từ năm 1961 đến 2012, Bưu điện Việt Nam đã phát hành 7 bộ với 22 mẫu tem và 1 blốc, trong đó có 12 mẫu tem áo dài cổ điển như: áo dài tứ thân, áo dài mớ ba mớ bảy, áo dài nón thúng quai thao… của họa sĩ Vũ Kim Liên và 10 mẫu tem áo dài cách tân như: áo dài nữ sinh, áo dài cô dâu, áo dài thời trang… của các họa sĩ: Võ Lương Nhi, Trần Thế Vinh, Trần Ngọc Uyển..


Với 7 bộ 22 mẫu tem về áo dài từ xưa đến nay mà các họa sĩ thiết kế giàu tâm huyết tìm tòi, chắt lọc đã tổng hợp được một dòng lịch sử cách tân của áo dài phụ nữ Việt Nam - niềm kiêu hãnh của người Việt và là di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận năm 2002.


PHẠM KHÁNH HỒNG