Vậy là tôi được nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng trong đầu xuân 2017 này. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi đã trải qua 3 cột mốc 30… 40 và 45 trong chặng đời của một đảng viên, với những kỷ niệm không bao giờ phai.
Vậy là tôi được nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng trong đầu xuân 2017 này. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi đã trải qua 3 cột mốc 30… 40 và 45 trong chặng đời của một đảng viên, với những kỷ niệm không bao giờ phai.
Kỷ niệm thứ nhất liên quan đến… tuổi Đảng. Không phải là việc tôi nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng khi tuổi Đảng thực là 46 năm có lẻ, mà là chuyện tôi bị lùi thời gian kết nạp Đảng khi “được” phát hiện chưa đủ tuổi đời xảy ra vào năm 1970. Lần đó, khi đang chiến đấu trên mặt trận đường 9, tôi được hướng dẫn viết hồ sơ xin được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam. Nhưng rồi một ngày trong khi chờ đợi, tôi được anh Nguyễn Đình Trụ (quê Thanh Hóa) thay mặt chi ủy gọi lên lán chỉ huy đại đội thông báo: do quá trình về địa phương thẩm tra lý lịch đối tượng kết nạp, người thẩm tra (đích thân Phó Bí thư Chi bộ Nguyễn Đình Trụ) phát hiện tôi sửa lý lịch, tìm cách trốn nhà đi bộ đội khi mới tròn 15 tuổi, vậy nên tính đến thời điểm giữa năm 1970, tôi vẫn còn thiếu hơn một năm mới đủ 18 tuổi, chưa đủ tuổi theo Điều lệ Đảng. Vậy là tôi chưa được kết nạp trong đợt kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh tổ chức vào dịp 19-5-1970.
Bài báo trên Báo Tiền Phong cuối năm 1970 mô tả trận chốt trên cao điểm 322, nơi đảng viên Nguyễn Ngọc Lệ hy sinh và trối lại di nguyện về tháng đảng phí cuối cùng |
Đêm đó, sau khi thông báo hoãn kết nạp cho tôi, anh Trụ ôm tôi rồi nghèn nghẹn: “Dương ơi, em đừng buồn. Nguyên tắc là nguyên tắc, không thể làm khác được. Em hãy tiếp tục vững lòng, yên tâm công tác và chiến đấu, đợi năm sau đủ tuổi em sẽ được kết nạp để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên, vì nước vì dân…”.
Kỷ niệm thứ hai là khoảng hai tháng sau, trong trận chiến đấu tại cao điểm 322, Tây Bắc Cam Lộ, Quảng Trị vào ngày 18-5-1970… tổ chốt của tiểu đội chúng tôi lần lượt đánh bật hàng chục lần tấn công của đối phương. Biết không thể chiếm được chốt, địch đã huy động phi pháo dội thẳng vào trận địa chốt, khiến mọi người lần lượt bị thương. Thấy tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Lệ (quê Diễn Châu) bị mảnh pháo vạt hết một phần ngực… tôi lấy miếng bìa hộp đặt che vết thương hở và lấy băng quấn cho anh. Biết mình khó qua khỏi, anh thều thào: “Dương ơi, đường nào tôi cũng chết, Dương giữ lấy băng mà băng cho mình…”. Nghe tôi chối mình không bị thương, mà do máu của bạn phun qua, anh cố nhướng mắt nhìn tôi rồi nói đứt quãng: “Tôi… không sống được… Dương tìm… trong túi áo… của tôi, còn mấy hào… nhờ Dương nộp cho tôi tháng đảng phí cuối cùng…”. Đoạn anh thở hắt những hơi cuối cùng rồi nhắm mắt.
Sau chiến dịch, về lại hậu cứ đơn vị, tôi đã khởi đầu một ngoại lệ, dù chưa phải là đảng viên, nhưng đã thực hiện đóng đảng phí thay một đảng viên. Để rồi từ đó, dù chưa được kết nạp vào Đảng, nhưng tôi cũng đã tự mình sống, chiến đấu với tư chất của một đảng viên… cho đến ngày 9-1-1971, tôi chính thức đứng trước lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa cánh tay lên tuyên thệ tiếp nối lời thề của người đảng viên suốt đời trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, nguyện chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc, nhân dân.
Lê Bá Dương