11:02, 21/02/2017

Nguyễn Hàng Tình - bơ vơ miền hoang vu

Trong làng báo ở vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Nguyễn Hàng Tình thuộc dạng "lập dị", trong khi bạn bè cùng lứa ai cũng nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề thì anh vẫn lẻ bóng trong căn nhà trọ ở Đà Lạt sương mù.

Trong làng báo ở vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Nguyễn Hàng Tình thuộc dạng “lập dị”, trong khi bạn bè cùng lứa ai cũng nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề thì anh vẫn lẻ bóng trong căn nhà trọ ở Đà Lạt sương mù. Đang làm phóng viên thường trú của một tờ báo lớn, đùng một cái anh làm đơn xin nghỉ để được tự do viết. Sau khi nghỉ việc, anh liên tiếp ra 2 tập sách Giã biệt hoang vu (ký sự), Sương gió bơ vơ (bút ký) với nhiều bài viết ám ảnh người đọc. Và đến đây, bạn bè mới hiểu, anh nghỉ việc nhưng không xa rời ngòi bút mà là muốn được tự do đi, viết như cánh chim sải cánh trên đại ngàn hoang vu!

 

2 cuốn sách của nhà báo Nguyễn Hàng Tình
2 cuốn sách của nhà báo Nguyễn Hàng Tình


Đến bây giờ, tôi mới chỉ gặp Nguyễn Hàng Tình đúng một lần, nhưng ấn tượng về anh vẫn còn y nguyên. Bạn bè ở Đà Lạt bảo rằng tuy làm báo nhưng Nguyễn Hàng Tình ít khi xuất hiện ở chỗ đông người, anh lặng lẽ đi về, lang thang như cơn gió. Với Giã biệt hoang vu và Sương gió bơ vơ, người đọc sẽ thấy được phần nào sức đi của anh. Từ Tây Nguyên hùng vĩ cho đến Ninh Thuận nắng gió, Khánh Hòa, Đồng Nai… đều có dấu chân anh. Anh cứ đi, gặp và kể lại những câu chuyện, những thân phận người khuất lấp giữa đời thường. Đó là chuyện về cụ bà người Châu Mạ sống ở buôn Rui Dang heo hút trong rừng nằm cách TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) gần 50km làm mẫu cho biết bao tay máy săn những tấm ảnh “vô cảm” để tìm kiếm giải thưởng; về người hát rong ở chợ Đức Trọng (Lâm Đồng); những người chăn bò thuê ở thảo nguyên Ma’Đrăk (Đắk Lắk)… Anh luôn có vẻ dửng dưng khi kể chuyện nhưng đằng sau đó là một con người đầy lòng trắc ẩn. Không phải vô cớ mà anh đề tặng cuốn Giã biệt hoang vu cho “người phụ nữ đổ xăng ở Ngã ba Huế (Đà Nẵng), người đàn bà hái dâu bên sông Thu và chị bán gà ở cầu thang chợ Đà Lạt”.


Không phải dân cao nguyên nhưng Nguyễn Hàng Tình (quê Quảng Ngãi) yêu cao nguyên đến cực đoan. Anh yêu từng gốc thông, từng khoảnh rừng, mặt hồ, từng tiếng chiêng, điệu múa trên miền đất này. Anh bày tỏ sự lo âu trước tình trạng cả làng thành “nghệ sĩ” phục vụ du lịch ở Lạc Dương, việc chặt phá rừng thông để làm du lịch ở Đà Lạt, về sự lụi tàn của thổ cẩm… Đi kèm với đó là những trang viết đầy tiếc nuối về sự mất mát của những thắng cảnh thiên nhiên, di sản văn hóa trên vùng đất này. Nào chỉ yêu rừng núi, tình yêu thiên nhiên cuộc sống của anh còn tràn ra tận biển. Trong Sương gió bơ vơ, anh đã đến Bình Định để gặp gỡ những ngư dân lưng rám nắng can trường bám biển; đến làng biển Xuân Tự (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) để viết về “cơn vật vã giác ngộ” của những người dân nơi đây khi xây dựng khu bảo tồn biển Rạn Trào. Với anh, biển không là biển, bởi rằng có cửa biển nào dưới kia mà không liên hệ, nợ nần với con sông thượng nguồn…


Nguyễn Hàng Tình đặc biệt dễ thấu cảm với những nhân vật khác lạ kiểu “cùng một lứa bên trời lận đận”. Những bài viết của anh về nhạc sĩ Yphôn Ksor, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương (người thiết kế nhà trăm mái ở Đà Lạt), Daniel Carsol (người từ bỏ cuộc sống an nhàn ở Pháp để sang Việt Nam tìm vùng đất mới trồng nho) hay về Điểu K’Giang (người lặn lội trong vườn quốc gia Cát Tiên để tìm tê giác)... chính là những sẻ chia đầy xúc cảm, khiến người đọc phải nghĩ suy.


 Đọc sách của Nguyễn Hàng Tình có cảm giác như anh không viết mà câu chữ tự khắc trào ra từ tâm hồn đa cảm và dễ tổn thương của anh trước thiên nhiên đang ngày một đổi thay và trước con người ngày càng toan tính. Và ta cũng thấu cảm vì sao anh luôn có cái vẻ ngơ ngác, lạc thời đến vậy khi: “Đồng loại tôi quay lại tiếp tục lao vào rừng rú. Đào bới là thuộc tính con người. Có mặt trên mặt đất, họ quyết liệt để tồn tại. Tôi chạy theo năn nỉ họ nương tay. Vì đó là quê quán ban sơ thiêng liêng và tương lai của con người” - lời bạt của Giã biệt hoang vu.


THÀNH NGUYỄN