Sáng sớm đến quán cà phê, nhìn thấy bức tranh gà mẹ đẻ trứng trong ổ rơm vàng rực, tưởng như còn thơm mùi lúa chín, lòng tôi lại xao xuyến nỗi nhớ quê nhà xa ngái. Nhắc lại chuyện quê, gà quê, bỗng dưng nhớ đến bài dân ca "Mười quả trứng" nổi tiếng của vùng Bình Trị Thiên quê tôi, từng được đưa vào sách giáo khoa lớp 10.
Sáng sớm đến quán cà phê, nhìn thấy bức tranh gà mẹ đẻ trứng trong ổ rơm vàng rực, tưởng như còn thơm mùi lúa chín, lòng tôi lại xao xuyến nỗi nhớ quê nhà xa ngái. Nhắc lại chuyện quê, gà quê, bỗng dưng nhớ đến bài dân ca “Mười quả trứng” nổi tiếng của vùng Bình Trị Thiên quê tôi, từng được đưa vào sách giáo khoa lớp 10.
Ảnh minh họa |
Bắt đầu từ tháng Giêng - tháng ăn chơi - nhưng hầu hết các câu đầu đều diễn tả sự đói nghèo, túng quẫn của người nông dân trên vùng đất miền Trung đầy nắng gió: “Tháng giêng, tháng hai/Tháng ba, tháng bốn/Tháng khốn, tháng nạn”. Xưa nay, người nông dân sống bằng thời vụ, đời sống no đói cũng theo thời vụ. Từ tháng Giêng đến tháng Tư nhà nông chưa có thóc, mùa gặt phải chờ đến tháng Năm, thế nên tháng Ba, tháng Tư là thời điểm giáp hạt, đói kém. Giữa sự cơ cực bủa vây, người nông dân nghèo đã nghĩ đến chuyện làm thêm với việc vay mượn mua con gà mái về để nuôi: Đi vay đi dạm/Được một quan tiền/Ra chợ Kẻ Diên/Mua con gà mái/Về nuôi hắn đẻ ra mười trứng.
Trong suy nghĩ của người dân miền Trung (Kẻ Diên nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), con gà mái là cả một cơ may để gầy dựng cơ nghiệp. Và tưởng như sự may mắn đã đến, khi con gà mái “đẻ ra mười trứng”, nhưng ông trời không chiều lòng người, sự khốn khó tiếp tục đeo đuổi người dân quê khi 7/10 quả trứng đều bị ung: Một trứng: ung/Hai trứng: ung/Ba trứng: ung/Bốn trứng: ung/Năm trứng: ung/Sáu trứng: ung/Bảy trứng: ung.
Cách đếm nhát một, sau mỗi tiếng đếm là mỗi quả trứng bị hỏng làm mờ dần tương lai của người nông dân đang mong chờ. Và hy vọng của họ lại lóe lên khi: Còn ba cái trứng nở ra ba con. Thế nhưng, niềm hy vọng nhỏ nhoi ấy nhanh chóng tiêu tan bởi: Con: diều tha/Con: quạ bắt/Con: mặt cắt lôi.
Tưởng như bài dân ca sẽ kết thúc trong nỗi tuyệt vọng cùng cực. Thế nhưng, ở cái nút thắt ấy, niềm hy vọng của người dân nghèo lại bừng lên: Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.
Bài dân ca toàn số đếm đã kết thúc bằng một câu lục bát vần điệu. Khác với lẽ thường, câu thơ ở đây không phải là tiếng kêu ai oán, than trách số phận hẩm hiu, rủi ro của mình, mà là tiếng hát tự động viên mình. Ngoài lời kết này, bài dân ca “Mười quả trứng” còn có lời kết dị bản khác: Lấy chi đâm dánh (nhánh) nảy chồi/Khổ như ri chừ đà quá khổ/Lần hồi cũng qua. Dù cho lời kết nào, bài ca vẫn để lại một niềm tin vào cuộc sống ngày mai sẽ tốt hơn.
Mới đọc qua bài dân ca này, nếu không suy tính kỹ nhiều người đã cho rằng người nông dân trong bài này lạc quan tếu, bởi cả 10 quả trứng đều không còn kết quả thì còn gì mà hy vọng. Ngẫm kỹ lại họ vẫn còn hy vọng, cơ hội để làm nên cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi họ vẫn còn con gà mái mua từ chợ Kẻ Diên, lứa trứng này hư, con gà còn có thể đẻ lứa trứng khác! Chính vì thế, nhà thơ Chế Lan Viên (một người con Quảng Trị) từng ví con gà Kẻ Diên như con phượng hoàng lửa trong truyền thuyết phương Tây, dù bị thiêu rụi vẫn tái sinh.
Riêng tôi thấm thía rằng, bài ca “Mười quả trứng” ấy đâu chỉ là chuyện về nuôi gà, mà đó còn là một niềm tin, triết lý cuộc sống. Từ ngàn xưa, người Việt đã giàu tính lạc quan; và chính tinh thần lạc quan đó đã giúp người Việt mềm dẻo, rắn rỏi như cây tre vượt qua biết bao trận giặc giã, thiên tai. Trên nước Việt này, không một vùng đất nào chịu nhiều tang thương như khúc ruột miền Trung. Chẳng nói đâu xa, ngay trong những tháng cuối năm 2016, đồng bào miền Trung đã liên tiếp chịu 3 đợt lũ lớn với hậu quả rất nặng nề. Khắc nghiệt là vậy, nhưng người dân miền Trung vẫn bền gan vượt qua gian khó. Họ vẫn bám đất, bám biển suốt ngày đêm. Sau mỗi đợt thiên tai, địch họa, người miền Trung lại chung tay “dựng lại người, dựng lại nhà” hướng đến tương lai. Có lẽ chính tinh thần lạc quan “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” đã góp phần giúp người dân miền Trung quê tôi vượt qua gian khó.
THÀNH NGUYỄN