10:02, 24/02/2017

Hoa sim biên giới

"Hoa sim biên giới" - bài hát của nhạc sĩ quân đội Minh Quang sâu lắng trong trái tim chiến sĩ và mọi người trong giai đoạn biên giới phía bắc đang ngập tràn khói lửa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Một bài hát thiết tha cháy bỏng lòng yêu Tổ quốc nhưng không kém phần lãng mạn của thế hệ người lính mới.

“Hoa sim biên giới” - bài hát của nhạc sĩ quân đội Minh Quang sâu lắng trong trái tim chiến sĩ và mọi người trong giai đoạn biên giới phía bắc đang ngập tràn khói lửa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Một bài hát thiết tha cháy bỏng lòng yêu Tổ quốc nhưng không kém phần lãng mạn của thế hệ người lính mới.


Mùa xuân năm 1979, “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” (Phạm Tuyên), một hình ảnh vừa xúc động vừa bàng hoàng nhưng cũng không kém phần hào hùng bởi dân tộc ta vừa trải qua cuộc chiến tranh 30 năm mới được hưởng nền hòa bình hơn 3 năm, thực tế là chỉ mới hơn 2 năm vì biên giới Tây Nam đã bùng nổ trước đó. Vì thế, những người nhạc sĩ là những người đầu tiên sát cánh cùng các chiến sĩ biên phòng, dân quân tự vệ miền biên cương xung trận bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Thời điểm này và sau đó, có hàng trăm bài hát về chủ đề bảo vệ Tổ quốc mang màu sắc biên giới. Ngoài những bài hát mang đầy ý chí, hào hùng có tính hiệu triệu ra đời ngay lập tức, tiêu biểu như của nhạc sĩ Phạm Tuyên, An Thuyên, Hồ Bắc, Thuận Yến, Huy Du… thì thời gian sau xuất hiện thêm dòng nhạc trữ tình, đằm thằm hơn, thể hiện đúng tâm hồn yêu hòa bình của con người Việt: Chiều biên giới (Trần Chung), Hoa hồng trên điểm tựa (Hồ Bắc), Giai điệu Tổ quốc, Những đôi mắt mang hình viên đạn (Trần Tiến), Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện (Hoàng Tạo), Nụ hoa và cây súng (Nguyễn Văn Hiên), Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến)… Và trong số đó có bài hát rất lạ Hoa sim biên giới của một ca sĩ đoàn ca nhạc quân đội đang là sinh viên khoa sáng tác Nhạc viện Hà Nội: Minh Quang.

 

Nhạc sĩ Minh Quang với chiến sĩ
Nhạc sĩ Minh Quang với chiến sĩ


Minh Quang được người yêu nhạc thập niên 1970 - 1980 biết tới như một giọng ca trẻ nhiệt huyết của đoàn ca múa nhạc quân đội với những ca khúc về người lính. Nhạc sĩ kể lại rằng, trong thời điểm lịch sử của giai đoạn đó, trên đài Tiếng nói Việt Nam phát rất nhiều bài hát về biên giới đã thực sự làm ông thấy phấn chấn. Tình cờ ông đọc được bài thơ “Hoa sim biên giới” của nhà thơ Đặng Ái diễn trả như đúng với những gì mình đã thấy nơi dải đất biên cương trong nhiều lần đi biểu diễn cho các chiến sĩ: “Nếu em lên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa sim. Giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong…”. Tuy nhiên, để có bài hát hoàn chỉnh thì ông rất vất vả, mất cả thời gian tương đối dài. Khi ca khúc được vang lên bằng giọng nữ cao Bích Việt - cũng ở đoàn ca múa ngành quân đội thì người nghe, đặc biệt là người lính sững sờ, xúc động vì bài hát đánh đúng vào tình cảm, trái tim người trẻ. Vì trong số hàng vạn chiến sĩ đang cắm chốt bảo vệ từng mỏm núi, từng cao điểm hay trong hang sâu cả một dải biên cương xanh thẳm có rất nhiều người con trai ở tận miền Nam hay miền Trung, và họ đều có những người con gái yêu đang chờ đợi mình ở quê hương!


Có một sự tình cờ rất đặc biệt, Minh Quang quê ở Thanh Hóa cũng là đồng hương với thi sĩ Hữu Loan nổi tiếng với bài Màu tím hoa sim của thời chống Pháp, do vậy sự đồng cảm về màu tím của loài hoa núi đồi có phần giống nhau. Ngoài ca sĩ Bích Việt, tiếp nối nhiều thế hệ ca sĩ như: Trung Đức, Trọng Tấn, Việt Hoàn biểu diễn Hoa sim biên giới rất thành công. Và đó chính là một trang âm nhạc lịch sử một thời đầy hào hùng của biên cương Tổ quốc.


Cùng với Hoa sim biên giới, Đại tá - nhạc sĩ Minh Quang còn là tác giả của những ca khúc nổi tiếng: Người lính tình nguyện và điệu múa Apsara, Cây đàn ghi ta một dây, Sông Lô chiều cuối năm…


Dương Trang Hương