Nhiều người bất ngờ khi mấy năm gần đây bác sĩ Trương Tấn Minh - nguyên Giám đốc Sở Y tế chuyển sang sáng tác âm nhạc. Chỉ vài năm, ông đã có 32 ca khúc được hòa âm, phối khí.
Nhiều người bất ngờ khi mấy năm gần đây bác sĩ (BS) Trương Tấn Minh - nguyên Giám đốc Sở Y tế chuyển sang sáng tác âm nhạc. Chỉ vài năm, ông đã có 32 ca khúc được hòa âm, phối khí. Và mới đây, ông là nhân vật chính của đêm nhạc với chủ đề “Tình ca áo trắng” do Hội Y tế công cộng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam.
Đêm nhạc được tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giới thiệu gần 20 ca khúc của BS Trương Tấn Minh và 1 ca khúc của BS Đinh Nhật Ron (ca khúc Màu áo trắng tôi yêu). Đây là lần đầu tiên BS Trương Tấn Minh thực hiện một chương trình riêng, quy mô để phục vụ bệnh nhân, nhân viên y tế, những người yêu âm nhạc. Sân khấu được đầu tư bài bản, lời ca, tiếng hát được cất lên từ những giọng hát quen thuộc với người dân phố biển như: NSƯT Ngọc Liên, các ca sĩ: Thái Hòa, Khánh Phương, Đình Hội, Thế Quang, Công Thành, Khánh My, Lý Thu Thảo… và từ chính những BS đang ngày đêm chăm lo, cứu chữa bệnh nhân.
Bác sĩ Trương Tấn Minh (thứ 6 từ phải sang) cùng những người tham gia thực hiện chương trình |
Gần 20 ca khúc được giới thiệu trong đêm nhạc tương ứng với 3 mảng chính trong các sáng tác của ông viết về ngành y, về quê hương và những khúc tình ca với ca từ giản dị, trong sáng, đôi khi mang tính triết lý và giai điệu trữ tình, nhẹ nhàng, trong trẻo. Trong số đó, có một số ca khúc do ông phổ nhạc trên lời thơ của những người bạn thân thiết trong nghề. Mảng sáng tác về ngành y, BS Trương Tấn Minh giới thiệu 3 ca khúc: Tình ca áo trắng, Tâm tình người áo trắng và Tâm tình người thầy thuốc, ca ngợi những vất vả, hy sinh thầm lặng và hạnh phúc của những người thầy thuốc đêm ngày chăm sóc, lắng nghe từng hơi thở của bệnh nhân; là những hình ảnh và tâm sự khi “chúng tôi nói về chúng tôi”. Nếu Tâm tình người áo trắng mang khát vọng hoài bão tuổi trẻ hừng hực rời giảng đường đi mọi miền đất nước để cống hiến: “Mang theo trong tim tâm tình người áo trắng/ta vì cuộc đời vì hạnh phúc bệnh nhân/bụi thời gian không phai màu áo trắng/chỉ có tình người ngàn đời sâu lắng mãi trong tim/ ngày mai đây trên nẻo đường đất nước/áo trắng tình người hương ngát tình ta” thì Tâm tình người thầy thuốc sáng lên hình ảnh người thầy thuốc chống phong. Ẩn trong bài hát là câu chuyện cảm động khi BS Trương Tấn Minh còn làm công tác phòng, chống bệnh phong cuối những năm 1980. Ông kể, ngày đó, những thầy thuốc làm công tác phòng, chống bệnh phong rất vất vả, ban ngày khám và điều trị, tối còn phải đến tận khu dân cư, từng nhà dân để tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh phong. Một lần, ông khám cho 1 cô gái trẻ, xinh xắn. Khi phát hiện mắc bệnh phong, cô gái khóc lóc tuyệt vọng đến cùng cực. Bệnh còn ở thể nhẹ, ông đã hướng dẫn, giải thích để bệnh nhân điều trị. 2 năm sau trở lại, tình cờ gặp lại cô gái ấy đã khỏi bệnh. Cảm xúc vui mừng của người thầy thuốc khi ấy đã được ghi trọn trong bài thơ với hình ảnh “Người thầy thuốc chống phong/vẫn đi về làng nhỏ/trên đường quê trăng tỏ/soi bóng người lương y/không phép lạ diệu kỳ/chỉ với lòng nhân ái/vì người bệnh tương lai/người lương y không ngại/những nẻo đường chông gai…” để “Tình đời thêm mặn nồng/Tuổi hồng lên tiếng hát…”. Bài thơ được sáng tác năm 1987, nằm yên ngót 30 năm giờ được biết đến nhiều hơn khi thêm những nốt nhạc.
BS Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: BS Trương Tấn Minh là một thầy thuốc đáng quý, tận tâm và có trách nhiệm trong công việc, có nhiều đóng góp xây dựng ngành. Ông có tâm hồn bay bổng, tài thơ và sáng tác âm nhạc. Ông là người đồng hành và cổ vũ cho việc đưa âm nhạc vào bệnh viện. |
Ít ai biết tình yêu âm nhạc ấy đã được nhen lên từ thời tuổi trẻ, vẫn âm ỉ suốt mấy chục năm và bùng cháy khi ông đã ở tuổi ngả về chiều. Một vài ca khúc hiện nay được viết lại từ chính những bài thơ, bài hát ông đã viết từ khi còn là chàng sinh viên y khoa năm nào. Để rồi khi nghỉ công tác quản lý ông mới có thời gian tiếp tục theo đuổi đam mê. Bởi thế, sáng tác của ông ngoài sự nồng nhiệt của tuổi trẻ còn có sự từng trải của đời người như: “Sông đi từ nguồn/qua bao thác ghềnh/như ta một thời/lênh đênh cuộc đời/biển tình chơi vơi… “Ai không một thời/qua sông một lần/nghe ru tình gần” (Dòng sông quê hương). Đi nhiều, hiểu nhiều nên trong các sáng tác của ông mang hơi thở của biển, có màu xanh của núi, nét dịu dàng, duyên dáng của những dòng sông, dấu xưa kỷ niệm trên từng góc phố, con đường và cả những vấn vương tình đời… như: Tình xuân lên khơi, Chiều trên dòng sông, Về trên phố xưa, Hạ buồn, Nỗi nhớ mùa đông, Nha Trang biển nhớ, Đi qua miền thời gian, Khúc ru, Biển vắng, Chiều lãng du, Thu tình yêu, Phiên khúc sầu...
Khi còn công tác, BS Trương Tấn Minh có nhiều đóng góp cho ngành y. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Y tế công cộng, Trưởng ban Trái tim nhân ái Khánh Hòa. Ông đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội - từ thiện như: vận động quyên góp xây nhà cho người nghèo, hỗ trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tốt…
N.D