11:02, 10/02/2017

Địa danh ven biển Khánh Hòa qua ca dao, tín ngưỡng dân gian…

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Ngô Văn Ban vừa trình làng một công trình mới của mình với tựa đề "Địa danh dọc đường ven biển Khánh Hòa qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương" (Nhà xuất bản Đà Nẵng 2016).

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Ngô Văn Ban vừa trình làng một công trình mới của mình với tựa đề “Địa danh dọc đường ven biển Khánh Hòa qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương” (Nhà xuất bản Đà Nẵng 2016). Sự ra đời của cuốn sách là yếu tố góp phần tạo nên sự đa dạng trong công tác quảng bá, giới thiệu về Khánh Hòa đến với bạn bè gần xa.


Từ trước tới nay, việc nghiên cứu, giới thiệu các tác phẩm liên quan đến văn hóa, văn học dân gian về vùng đất Khánh Hòa (trong đó có truyền thuyết, ca dao, tín ngưỡng dân gian) đã được một số tác giả trong tỉnh chú ý, và không ít công trình đã được xuất bản thành sách và phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, phân loại các loại hình trên để giới thiệu các địa danh nằm dọc theo bờ biển của tỉnh từ phía bắc vào phía nam Khánh Hòa như cách làm của nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban thì đây là công trình đầu tiên.

 


Với gần 400 trang khổ 14,5 x 20,5, cuốn sách là một công trình biên khảo, được biên soạn khá công phu. Ngoài phần nêu khái quát quá trình hình thành vùng đất Khánh Hòa, tác giả đã lần lượt đi sâu giới thiệu những địa danh dọc theo đường đi ven biển ở các địa bàn từ Vạn Ninh đến Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh. Nét nổi bật của cuốn sách là ở mỗi địa danh, cùng với việc cung cấp thông tin về vị trí địa lý, tác giả đã trình bày những truyền thuyết, ca dao, tín ngưỡng dân gian liên quan đến địa danh này. Chẳng hạn khi nói về đèo Cả, tác giả không chỉ cho ta biết nơi đây còn có tên là đèo Cục Kịch gắn liền với các  truyền thuyết về các trận đánh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh cũng như truyền thuyết về Mả Cao Biền…, mà còn nêu hàng loạt câu ca dao thuộc nhiều khía cạnh được lưu truyền trong dân gian gắn liền với địa danh này như: Con ngựa tía ăn quanh đèo Cả/Bóng trăng rằm sắp ngả về đông/Chẳng thà giục mã về không/Chứ không thèm cướp vợ tranh chồng người ta.


Muốn ăn to thì lên Dốc mõ/Muốn ăn nhỏ thì xuống Hòn Hèo/Muốn ăn heo thì ra đèo Cả/Muốn ăn chả lên Nà tre/Muốn ăn chè lên Tứ Chánh/Muốn ăn bánh lên Hóc Chim.


Trèo lên đèo Cả/Ngó xuống Vạn Giã, Tu Bông/Biết rằng cha mẹ đành không/Chàng chờ, thiếp đợi uổng công hai đàng.


Hay khi nói về địa danh Hòn Chồng ở Nha Trang, ngoài việc đề cập đến truyền thuyết người khổng lồ đi câu cá để lại những dấu tay trên đá, tác giả đã giới thiệu khá nhiều câu ca dao như: Hòn chữ chưa chìm/Hòn Chồng chưa ngả/Ngoài còn Vạn Giã, trong có Cam Lâm/Vẫn còn trăng ngọc, gió trầm/Nghìn thu nghĩa trọng tình thâm mãi còn.


Cát lăn còn cuốn gió đông/Anh đi Hòn Chồng sao chẳng rủ em!


Đọc công trình nói về địa danh của Ngô Văn Ban, ta có cảm giác như mình được đi du lịch dọc theo con đường ven biển Khánh Hòa thông qua kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ mà nhiều thế hệ cha ông ta đã để lại. Núi non, đèo dốc, sông suối, đầm vịnh, biển đảo… trải dài từ Vạn Ninh đến Cam Ranh với hàng trăm địa danh đã được tác giả đề cập đến trong cuốn sách và địa danh nào cũng lấp lánh màu sắc văn hóa, lịch sử. Có địa danh chỉ gắn liền với một loại hình truyền thuyết (như núi Ổ Gà ở Ninh Hòa, cây Dầu đôi ở Diên Khánh…), nhưng cũng có những địa danh gắn liền với nhiều loại hình văn học dân gian khác nhau (như núi Tiên Du ở Ninh Hòa, Suối Tiên ở Diên Khánh…).


Để giới thiệu địa danh ven biển Khánh Hòa theo cách riêng của mình, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đã sử dụng lối văn tường thuật là chính. Đây cũng là yếu tố tạo thuận lợi để tác giả dễ dàng chuyển tải được nhiều nội dung khi nói về một địa danh. Đặc biệt, có khá nhiều tín ngưỡng dân gian như: tục thờ bà Thiên Y A Na, tục thờ cọp, thờ ông Nam Hải (cá voi), thờ bà Lỗ Lường trên các đảo… được tác giả lồng ghép, giới thiệu một cách hợp lý, giúp người đọc có cái nhìn khá toàn diện về vùng đất có địa danh mà mình đề cập tới.


Trò chuyện với nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban, chúng tôi được biết, ngoài việc tìm hiểu, chọn lọc tư liệu từ những công trình nghiên cứu, những bài báo của nhiều tác giả trong tỉnh, trong nước đã được công bố, để hoàn thành công trình trên, ông đã mất nhiều thời gian đi về các địa phương, xác minh, tìm hiểu và sưu tầm thêm những nội dung cần thiết. Theo ông, kho tàng văn hóa dân gian gắn liền với địa danh ở Khánh Hòa rất đồ sộ và cuốn sách do ông biên soạn chỉ nói được một phần. Một khó khăn nữa đã đặt ra, đó là trong cùng một câu ca dao, một truyền thuyết, một tín ngưỡng nhưng lại chứa nội dung liên quan đến nhiều địa danh. Điều này làm cho công tác biên soạn dễ trùng lắp, làm hạn chế sự hấp dẫn đối với người đọc. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đọc “Địa danh dọc đường ven biển Khánh Hòa qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương”, người đọc sẽ được tiếp cận nhiều nội dung lý thú về nhiều vùng đất ven biển của tỉnh.


HOÀNG NHẬT