11:02, 28/02/2017

"Đi nhiều thành đường" - những nét chấm phá ấn tượng

Có thể coi "Đi nhiều thành đường" (Nhà xuất bản Đà Nẵng) của nhà văn Cao Duy Thảo là cuốn sách mở đầu cho những tác phẩm của văn nghệ sĩ Khánh Hòa được xuất bản trong năm 2017, và đây cũng là cuốn sách đầu tiên về thể loại tùy bút của nhà văn chuyên viết truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký này.

Có thể coi “Đi nhiều thành đường” (Nhà xuất bản Đà Nẵng) của nhà văn Cao Duy Thảo là cuốn sách mở đầu cho những tác phẩm của văn nghệ sĩ Khánh Hòa được xuất bản trong năm 2017, và đây cũng là cuốn sách đầu tiên về thể loại tùy bút của nhà văn chuyên viết truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký này.

 


Với 25 tác phẩm ngắn, tập tùy bút của Cao Duy Thảo đã tạo được khá nhiều điều lý thú. Vốn là một người làm báo văn nghệ ở chiến trường khu V đầy sôi động trong những năm chống Mỹ nên những câu chuyện, những hồi ức liên quan đến cuộc sống mà mình đã trải qua là mảng đề tài được ông thể hiện sinh động nhất. Thông qua câu chuyện liên quan đến một tấm ảnh đen trắng được chụp chung với viên phi công Mỹ vào tháng 4-1973 khi ông được phân công đi trên chiếc trực thăng HU1A chở phái đoàn quân sự 4 bên, bay đi thị sát địa điểm chuẩn bị trao trả tù binh tại An Lão, ông đã mang đến cho người đọc tùy bút “Từ một tấm ảnh chụp ở chiến trường” với những nội dung rất đặc biệt, rất riêng.  Tùy bút “Kỷ niệm một chuyến đi” kể về một cán bộ ở cơ sở tên Nhơn, hiền lành, chân chất nhưng rất gan dạ, đã từng núp trong hầm bí mật với tác giả và tâm sự bao nhiêu chuyện. Rất tiếc người cán bộ ấy đã hy sinh với quả lựu đạn loại đặc biệt của mình khi bị địch bao vây trong một lần sau đó. Trong tùy bút “Hà Xuân Phong, họa sĩ vẽ ký họa”, Cao Duy Thảo đề cập đến sự ra đi của một đồng đội khác giữa cơn lũ quét bất ngờ tại một con suối giữa chiến khu ngay trước mắt mình mà không có cách nào cứu được. Thông qua cái chết của đồng đội là họa sĩ, tác giả không chỉ gởi gắm, bày tỏ lòng thương tiếc về tài năng của bạn, mà cho người đọc thấy được một khía cạnh khác về sự thảm khốc của cuộc chiến tranh chống Mỹ.  Các tùy bút: “Ăn Tết sớm ở hậu cứ”, “Hội An - Mậu Thân 1968”, “Chuyện nhỏ với bạn văn Nay Nô”, “Họ sẽ tìm lại nhau nơi ấy”, “Làm báo văn nghệ ở chiến trường”… đều là những tác phẩm nằm trong một dòng chảy chung, gắn liền những nội dung liên quan đến chiến tranh.


Không khó khi nhận ra rằng, “Đi nhiều thành đường” được viết về 2 đề tài rõ rệt. Ngoài nội dung nêu trên, trong cuốn sách còn có gần chục tùy bút viết về những cảm nghĩ, suy nghĩ của tác giả trước những vấn đề đặt ra trong cuộc sống chung quanh khi đất nước đã hòa bình. Đó là những suy nghĩ, nhận định về sáng tác của những cây bút trẻ như trong tùy bút “Lựa chọn khắc nghiệt”; là những trăn trở của người cầm bút trước bức tranh hiện thực không ngừng phát triển của cuộc sống (Một lần vượt ngưỡng); là sự phê phán cách nhìn thiển cận của một số người khi đánh giá một tác phẩm văn học (Tiếp cận tác phẩm văn học)…


Tạp bút là thể loại in đậm cái tôi của tác giả trước một sự việc, một vấn đề. Khi viết về thể loại này, Cao Duy Thảo cũng tuân theo quy luật chung ấy, nhưng anh không thiên về hướng trữ tình mà hầu hết dựa vào sự kiện và cảm nhận của mình rồi “luận”, rồi bày tỏ cảm xúc trước vấn đề đặt ra. Tuy vẫn còn vài tạp bút được thể hiện hơi đơn giản, quá cô đọng, nhưng nhìn chung,“Đi nhiều thành đường” là một cuốn sách mang lại cho người xem nhiều nội dung lý thú, với nhiều nét chấm phá ấn tượng, nhất là ở mảng đề tài liên quan về những chuyện diễn ra khi tác giả còn là người lính lăn lộn ở chiến trường.


HOÀNG ANH