Ở Trường Sa, cây phong ba, bàng vuông, mù u… được trồng khá nhiều. Các loài cây này không chỉ có tác dụng tạo bóng mát, mảng xanh cho đảo, mà còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ở Trường Sa, cây phong ba, bàng vuông, mù u… được trồng khá nhiều. Các loài cây này không chỉ có tác dụng tạo bóng mát, mảng xanh cho đảo, mà còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Đến Trường Sa mà không mang về đất liền một nhánh bàng vuông, phong ba thì coi như uổng phí cả chuyến đi”, đó là câu nói chúng tôi thường nghe mỗi lần được đặt chân đến vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi lẽ, chỉ có ở Trường Sa, cây phong ba, bàng vuông mới phát triển tươi tốt, đâm hoa, kết trái như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của đảo, đồng thời lại như lá chắn sóng, che gió, giữ đất, bảo vệ cuộc sống của những người lính đảo. Đó cũng là lý do để những loài cây này trở thành biểu tượng của Trường Sa. Hiện nay, 4 trong số các cây bàng vuông, phong ba, mù u ở vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) công nhận là cây di sản.
Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây được công nhận cây di sản |
Đặc điểm chung của các cây di sản này là tuổi đời đều trên 30 năm, có khả năng chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu biển, đảo. Theo các cán bộ, chiến sĩ nhiều năm công tác ở Trường Sa, ngày trước ở Trường Sa không có nhiều cây xanh, chỉ có cát biển, đá sỏi, san hô… Qua thời gian, chim chóc cũng kéo nhau về sinh sống, cây cỏ từ đó sinh sôi nảy nở. Trong đó có 2 loài cây sinh trưởng khá tốt là phong ba và bàng vuông. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên ở Trường Sa, phong ba và bàng vuông lại được coi như loài cây đặc hữu dành riêng cho vùng biển đảo của Tổ quốc.
Tháng 8-2016, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã công nhận 4 cây ở huyện đảo Trường Sa là cây di sản gồm: 1 cây phong ba ở Song Tử Tây, 1 cây bàng vuông 8 nhánh ở Nam Yết, 2 cây mù u ở Sinh Tồn và Sơn Ca. Theo Giáo sư Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, những cây này có đều có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, nguồn gen và cảnh quan môi trường. |
Trên đảo Song Tử Tây, đảo lớn nhất phía bắc quần đảo Trường Sa hiện có hàng trăm cây phong ba được cán bộ, chiến sĩ trồng thành từng hàng ngay ngắn trên các tuyến đường quanh đảo. Đặc biệt, ở phía sau dãy nhà trung tâm đảo có 1 cây phong ba có thân khá to, chừng 2 người ôm, chia làm 5 nhánh, tán rộng che phủ bóng mát cả một khu đất rộng. Theo Thượng tá Trương Sỹ Nam - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, năm 2014, cây phong ba này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tặng danh hiệu cây di sản.
Ở đảo Nam Yết cũng có 1 cây di sản vừa mang tính đặc hữu của Trường Sa vừa có giá trị lịch sử to lớn, đó chính là cây bàng vuông 8 nhánh nằm trong khuôn viên khu vui chơi, thể thao của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Tương truyền, trước đây thân cây bàng vuông này cũng chỉ có 1 nhánh giống như những cây được trồng xung quanh đảo, nhưng trải qua nhiều năm với khí hậu khắc nghiệt, thân cây bị mục, gãy. Không ngờ sau một thời gian, từ thân cây mục ấy mọc lên 8 nhánh lớn dần và tươi tốt. Chính điều này đã khiến cho cây trở thành một trong những biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của đất và người Trường Sa.
Ở Trường Sa còn có 2 cây mù u cũng được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phong danh hiệu cây di sản: 1 cây nằm trong khu công viên trên đảo Sơn Ca, 1 cây nằm cạnh Sở Chỉ huy đảo Sinh Tồn. Theo Đại tá Bùi Đình Dương - Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, tuy không ai biết rõ các cây phong ba, bàng vuông 8 nhánh hay mù u trên đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn có từ khi nào nhưng qua đường kính thân cây, tán cây, có thể thấy các cây này có tuổi đời khá lâu. Và sự hiện diện của các cây di sản này trên quần đảo Trường Sa không chỉ góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp của đảo, mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa, khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.
AN NHIÊN