Vài chục năm trở lại đây, công tác nghiên cứu về văn hóa Raglai ở Khánh Hòa đã được chú trọng, song chưa có một công trình nào giới thiệu chuyên sâu về bộ môn múa của dân tộc thiểu số này. Thật đáng mừng, cuối năm 2016, vấn đề trên đã không còn là khoảng trống nữa…
Vài chục năm trở lại đây, công tác nghiên cứu về văn hóa Raglai ở Khánh Hòa đã được chú trọng, song chưa có một công trình nào giới thiệu chuyên sâu về bộ môn múa của dân tộc thiểu số này. Thật đáng mừng, cuối năm 2016, vấn đề trên đã không còn là khoảng trống nữa…
Cách đây 3 năm, gặp nhau ở trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, biên đạo múa Văn Học nói với tôi: “Mình muốn tìm hiểu và giới thiệu về múa dân gian Raglai ở Khánh Hòa quá, nhưng già rồi không biết có làm được không?”. Cứ tưởng đó mãi chỉ là ước muốn của một biên đạo múa đã qua tuổi bảy mươi, bởi nghiên cứu về múa Raglai ở Khánh Hòa không phải là chuyện đơn giản, phải có thực tế, phải trực tiếp đến các buôn, làng xa xôi ở các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Không ngờ, cách đây hơn tháng, ông đã đến gặp tôi, tặng cuốn sách còn thơm mùi mực: “Nghệ thuật múa dân gian Raglai ở Khánh Hòa” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2016).
Có thể nói, đây là cuốn sách khá đầy đặn, được biên soạn khá công phu. Ngoài các chương đề cập đến lịch sử, địa lý cư trú, đời sống văn hóa nói chung, các lễ hội nói riêng, cuốn sách đã đi sâu giới thiệu, phân tích nhiều điệu múa khác nhau gắn liền với những hoạt động văn hóa khác nhau của người Raglai cư trú trên địa bàn tỉnh. Theo tác giả, cho đến nay, người Raglai ở Khánh Hòa vẫn bảo tồn được 14 cách diễn mã la cổ của dân tộc mình nhằm đáp ứng nội dung, tính chất, nghi thức của từng lễ hội truyền thống, và tương ứng với mỗi cách diễn ấy là một điệu múa riêng. Trên cơ sở đó, tác giả đã đi sâu phân tích từng điệu múa, từng động tác khá tỉ mỉ, đồng thời nêu lên tính chất, ý nghĩa của từng điệu múa, từng động tác múa.
Theo biên đạo múa Văn Học, để hoàn thành công trình trên, ông đã mất khá nhiều thời gian. Ngoài việc nghiên cứu các nguồn tư liệu, tác giả đã có nhiều ngày lăn lộn, điền dã tại các buôn làng, nghe các nghệ nhân kể về các hình thức nghệ thuật diễn xướng cũng như nhờ họ biểu diễn các điệu múa rồi ghi chép, vẽ và chụp hình để lưu giữ, từ đó biên soạn, hệ thống thành cuốn sách.
Tuy là công trình nghiên cứu, nhưng cách thể hiện của Văn Học được viết theo lối văn tường thuật làm cho người đọc dễ tiếp nhận. Ví dụ khi trình bày điệu mã la “Cacu” và “Catrowu ca cu”, tác giả viết: “Các điệu mã la này mô phỏng và bắt chước y hệt tiếng chim cu gáy trên rừng. Cacu là loài chim nhỏ giống con cu gáy và nó có thể kêu suốt đêm, tiếng kêu vang xa như tiếng chiêng gõ… Vì chim ở trên cây nên để diễn đạt, người múa phải dùng hai tay cầm gậy (hoặc không dùng gậy) và theo nhịp mã la chọc gậy chếch lên trên. Nếu không cầm gậy thì mỗi khi vung tay lên cao, người múa phải dùng sức bật tại cổ tay hất mạnh theo, như đang xua đuổi con chim vậy. Động tác múa này luôn được thực hiện theo hai bên cho cân đối”… Ở một số nội dung, ông đưa nguyên lời kể của các nghệ nhân về các điệu múa và điều này cũng là yếu tố góp phần làm cho cuốn sách tránh được sự khô cứng khi nói về các động tác múa. Chẳng hạn như trước khi đi vào phần giới thiệu các động tác “múa chào mời”, tác giả đã dùng lời kể của nghệ nhân Cao Thị Quăng ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn): “Múa dân gian của tộc người Raglai chúng tôi luôn gắn liền với dàn mã la, với tiếng đàn Chapi hay với tiếng khèn bầu (Salakhen). Khi có các nhạc cụ ấy thì chúng tôi mới múa được. Khi có tiếng nhạc cụ ấy vang lên, thì cái tay, cái chân bứt rứt, đứng ngồi không yên được đâu, cho nên phải đứng lên, phải nhảy thôi và phải múa mới được…”.
Còn một nội dung đáng chú ý nữa được đề cập trong cuốn sách đó là mối quan hệ, sự giao thoa, tiếp biến giữa nghệ thuật múa dân gian Raglai ở Khánh Hòa với múa dân gian của các dân tộc khác của Tây Nguyên. Không chỉ nêu lên sự khác biệt, sự giống nhau do tác động của lịch sử, mà ở phần này, tác giả đã khá công phu khi đi sâu phân tích, so sánh những nét tương đồng hay khu biệt ở một số điệu múa, một số động tác múa giữa người Raglai và các dân tộc khác làm cho giá trị của công trình nghiên cứu tăng thêm chiều sâu. Bên cạnh đó, cùng với việc giới thiệu một số nghệ sĩ múa dân gian là người Raglai, tác giả cũng đã trình bày một số đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của bộ môn nghệ thuật này.
Đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, lại tự mình “cơm đùm cơm nắm” đi lên các xã miền núi để cho ra đời cuốn sách “Nghệ thuật múa dân gian Raglai ở Khánh Hòa” quả là việc làm đáng trân trọng của Văn Học. Cuốn sách của ông rất cần cho những ai muốn tìm hiểu, bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu về văn hóa Raglai.
HOÀNG NHẬT TUYÊN