Một thầy giáo già bao năm cất giữ một đầu máy nghe nhạc và khoảng 30 đĩa than. Đến một ngày, ông nghĩ đến việc đem số đĩa ấy tặng cho người có thú sưu tầm nhạc xưa để nối dài đời sống của những chiếc đĩa than một thời ấy…
Một thầy giáo già bao năm cất giữ một đầu máy nghe nhạc và khoảng 30 đĩa than. Đến một ngày, ông nghĩ đến việc đem số đĩa ấy tặng cho người có thú sưu tầm nhạc xưa để nối dài đời sống của những chiếc đĩa than một thời ấy…
Một ngày đầu tháng 12, Báo Khánh Hòa nhận được bức thư của ông Đào Hoành Sơn (82 tuổi, nhà ở hẻm 316 đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang). Trong thư, ông Sơn ngỏ ý muốn tìm người để tặng một máy nghe đĩa than cũ cùng khoảng 30 đĩa nhạc do ông cất giữ từ năm 1992. “Tôi yêu vốn văn hóa cổ và nghĩ rằng ở địa phương cũng có những người yêu thích nhạc Nga, cải lương. Và biết đâu số đĩa nhạc tôi đang cất giữ sẽ giúp ích cho họ phần nào”, ông Sơn bày tỏ.
Ông Đào Hoành Sơn bên chiếc máy nghe nhạc hiệu Ziphona |
Qua tìm hiểu mới biết, ông Đào Hoành Sơn (quê ở Khánh Hòa nhưng theo gia đình ra Bắc từ trước năm 1945, sau 1975 mới về lại Nha Trang) từng nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục. Chiếc máy nghe nhạc ông được một nữ văn công từng có thời đi học ở Nga về tặng lại trước khi chuyển công tác ra Hà Nội. Một số bạn bè ông thời ấy, biết ông có máy nghe đĩa than cũng tặng thêm ít đĩa. “Thời đó, tôi thường xuyên nghe đĩa lắm. Nhưng rồi theo thời gian, các băng cassete, rồi đĩa nhạc CD phổ biến khiến tôi cũng “quên” luôn số đĩa này”, ông Sơn nói. Khoảng cuối năm 2014, khi đọc Báo Khánh Hòa thấy có bài viết về người sưu tầm máy hát và đĩa than, ông đã cất giữ bài báo với ý định sẽ liên hệ để tặng lại số đĩa nhạc và đầu máy cho người chơi. Khi chưa kịp thực hiện ý định, nhà có chuyện buồn nên ông cũng vô tình quên đi ý nguyện tốt đẹp ấy. Qua thời gian, tờ báo mà ông cất giữ cũng thất lạc. Vì thế, ông đã viết thư nhờ tòa soạn liên hệ để có thể tặng lại số đĩa nhạc cho những tổ chức, cá nhân sưu tầm văn hóa hoặc đài phát thanh để có thể phổ biến rộng rãi hơn.
Khi tôi đến, ông Sơn đã để sẵn 2 thùng đồ được đóng gói rất cẩn thận; một thùng là chiếc máy nghe nhạc hiệu Ziphona của Đức (đã hỏng) cùng chiếc loa đi kèm, thùng còn lại đựng mấy chục cái đĩa than lớn, nhỏ. Trong số đĩa nhạc ông Sơn cất giữ có các đĩa nhạc “Lãnh tụ ca - Di chúc Bác Hồ”, “Tiếng hát nữ nghệ sĩ Thanh Nga” (trích đoạn cải lương: Tiếng trống Mê Linh, Sen đồng Bưng Nam bộ, Thái hậu Dương Vân Nga), “Bài ca hữu nghị Việt - Xô”. Nhiều nhất là các đĩa nhạc do hãng Melodia (Nga) sản xuất. Hầu hết các đĩa nhạc không còn được tốt, chỉ có số ít có bao bì.
Trò chuyện cùng ông, tôi hiểu thêm về sự quý giá của chiếc máy nghe nhạc bằng đĩa than trong những năm thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Thời ấy, chỉ những gia đình khá giả mới có máy để thưởng thức thứ âm thanh thô mộc từ những chiếc đĩa nhựa đen bóng. Cho đến giờ, ông Sơn vẫn nhớ những chiều cuối tuần vẫn thường đạp xe đến nhà bạn chơi để được nghe nhờ những đĩa nhạc của Nga. “Tôi tìm người để tặng lại số “quà cũ” này là muốn những đĩa nhạc này tiếp tục đời sống của nó”, ông Sơn nói.
Thay mặt tòa soạn nhận món quà của ông, tôi thật sự rất xúc động bởi tấm lòng của người thầy giáo già, dù rằng những chiếc đĩa ông tặng chưa chắc còn dùng được!
THÀNH NGUYỄN