Thế hệ tuổi trẻ, đặc biệt giới sinh viên Hà Nội thập niên 70 gần như ai cũng biết đến câu thơ "Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước" trong bài thơ Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm.
Thế hệ tuổi trẻ, đặc biệt giới sinh viên Hà Nội thập niên 70 gần như ai cũng biết đến câu thơ “Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước” trong bài thơ Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm.
Cái tên Hoàng Nhuận Cầm là do ông nội đặt cho ông, có nghĩa là “Cây đàn vàng”, với mong ước ông sẽ trở thành nhạc sĩ giống cha - nhạc sĩ Hoàng Giác. Tuy vậy, Hoàng Nhuận Cầm lại không theo đường nhạc, bao nhiêu sự lãng mạn, mơ mộng của chàng trai Hà Nội đều dành cho thơ. Ngay từ thời sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã làm thơ tặng bạn bè. Chính giờ ra mặt trận Quảng Trị mùa hè 1971, chàng sinh viên Hoàng Nhuận Cầm đã có câu thơ dang dở: “Em thấy không - tất cả đã qua rồi/Trong hơi thở, và thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm say mê/Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo thức/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. Hàng trăm nữ sinh khi chép đoạn thơ này đã khóc khi tiễn bạn lên đường ra trận, còn những sinh viên mặc áo lính như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Trọng Văn đều ghi sổ tay. Cùng với Hoàng Nhuận Cầm, câu thơ đó ra trận. Thật may mắn là người lính lãng mạn đó lại trở về sau chiến tranh để làm tiếp bài thơ Chiếc lá đầu tiên khi mà người bạn thân của mình là Nguyễn Văn Thạc “mãi mãi tuổi 20” nơi miền “Cỏ cháy” của mặt trận Quảng Trị.
Hoàng Nhuận Cầm mê thơ đến cuồng, khi ông đọc thơ, diễn thơ như lên đồng. Hình như với thơ, ông luôn coi mình là đứa trẻ mặc dù thời gian đã trôi qua. Nhưng không ai phủ nhận sự tài hoa về thơ của Hoàng Nhuận Cầm. Ngoài bài thơ nổi tiếng Chiếc lá đầu tiên, ông còn đạt giải nhất thơ báo Văn nghệ năm 1972 - 1973, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu.
Cứ ngỡ như nhân vật “nhà thơ dở ương” mà Hoàng Nhuận Cầm đóng vai trong phim Số đỏ, chàng thi sĩ cuồng thơ sẽ chẳng làm lên trò trống gì. Vì ngoài đời ai gặp Hoàng Nhuận Cầm đều thấy một người đàn ông mặt héo hon, gầy guộc trong bộ quần áo luôn rộng, hút thuốc lào sòng sọc. Chính vì hình hài như thế mà Hoàng Nhuận Cầm đã vào vai anh chàng chăn lợn lai giống nát rượu trong phim Mảnh đời của Huệ nổi tiếng trên tivi đầu những năm 1990. Tuy trông rất bình dân, rất thi sĩ nhưng ông lại là một người sáng tác rất chuyên nghiệp: Biên kịch điện ảnh! Không ai nghĩ tác giả của những bộ phim nổi tiếng cho tới tận hôm nay chính là của Hoàng Nhuận Cầm: Đêm hội Long Trì, Hà Nội mùa đông năm 46, Mùi cỏ cháy và mới đây là Nhà tiên tri. Trước đây, khi làm biên kịch ở Hãng phim Truyện Việt Nam và Hãng phim truyền hình Việt Nam, Hoàng Nhuận Cầm là “bà đỡ” rất mát tay cho hàng trăm bộ phim.
Không chỉ có thơ, phim ảnh, người ta vẫn nhớ tới một Hoàng Nhuận Cầm với nhân vật bác sĩ Hoa Súng hóm hỉnh trên VTV3 nổi tiếng một thời, đến độ ngoài đời ai cũng gọi ông là bác sĩ Hoa Súng. Hiện tại, “chàng thi sĩ 65 tuổi” đang giữ mục “Khách đến chơi nhà” trên kênh VOV2 với nội dung kiểu mạn đàm về mọi vấn đề của cuộc sống. Chính chuyên mục này đã làm cho Liên hoan Đài Phát thanh toàn quốc 2016 tổ chức ở Nha Trang vừa qua trở nên sôi động hơn. Điều này cho thấy Hoàng Nhuận Cầm được công chúng rất mến mộ.
Dương Trang Hương