Không hẹn mà gặp, trong một thời gian ngắn, hai nhạc sĩ tài danh của Hà Nội là Trần Tiến và Phú Quang đều ra sách viết về những kỷ niệm với bạn bè, người thân và âm nhạc. Trần Tiến bụi bặm, phong trần. Phú Quang lịch lãm, sang trọng.
Không hẹn mà gặp, trong một thời gian ngắn, hai nhạc sĩ tài danh của Hà Nội là Trần Tiến và Phú Quang đều ra sách viết về những kỷ niệm với bạn bè, người thân và âm nhạc. Trần Tiến bụi bặm, phong trần. Phú Quang lịch lãm, sang trọng. Con người hay âm nhạc của hai ông đều vậy. Và chuyện ra sách lần này cũng không ngoại lệ!
Từ Ngẫu hứng đến Chuyện bình thường…
Nhạc sĩ Trần Tiến là người “ngẫu hứng”, chuyện viết văn cũng vậy. Nhạc sĩ cho biết ông viết văn là do bạn bè… xúi giục, còn việc xuất bản sách Ngẫu hứng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, First New - Trí Việt) là do đơn vị làm sách cử một cô biên tập viên xinh đẹp đến để thương thảo khiến ông mềm lòng. Ngẫu hứng chia làm các phần: 27 khúc “ngẫu hứng văn xuôi”, Du ca, Lưu ảnh ký, Đối thoại và các bài bè bạn, người thân viết về Trần Tiến.
Trong cuốn sách đầu tay của mình, nhạc sĩ Trần Tiến nhẩn nha kể về chuyện đời, chuyện nhạc rất “ngẫu hứng”. Qua đó, người đọc biết Trần Tiến chưa bao giờ xuất bản một tập nhạc nào, phần lớn sáng tác của ông đều được “xuất bản miệng” rồi được người thân, bạn bè lưu giữ. Chẳng hạn, Chuyện tình trên thảo nguyên nhờ Trần Thu Hà lưu giữ; nhờ Lê Minh Sơn mà mọi người biết đến bài hát Quê nhà qua giọng hát Tùng Dương; Chị tôi do ca sĩ Đình Văn thu trộm bằng chiếc máy cassette cà tàng. Cũng trong tập sách này, Trần Tiến đã có những trang viết rất xúc động về mẹ, về người anh - NSND Trần Hiếu, về chị Yến - người đã chăm chút uốn nắn chữ nghĩa cho ông thuở thiếu thời. Nhạc sĩ cũng hé lộ cho bạn đọc biết nguyên mẫu trong bài hát Chị tôi chính là chị Loan - một nhà giáo rời Hà Nội đi dạy học tận Đông Triều, chẳng thiết lấy chồng. Còn người chị gái ruột của ông (chị Yến) phảng phất trong bài Quê nhà.
Sau Trần Tiến ít lâu, nhạc sĩ Phú Quang cũng giới thiệu cuốn sách Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Alpha book). Khác với Trần Tiến, việc ra sách của Phú Quang dường như là nhu cầu tự thân. “Đã đến lúc tôi viết để giải đáp những câu hỏi vì sao thế này, vì sao thế kia mà người ta vẫn hay đặt ra cho mình”, nhạc sĩ giải thích. Theo Phú Quang, ngày xưa ông thích viết văn và làm thơ hơn cả viết nhạc, nhưng do đã học nhạc từ năm 7 tuổi và kéo dài trong suốt 21 năm nên thành cái nghiệp. Phần 1 - Chuyện bình thường gồm 81 bản nhạc nổi tiếng của ông; phần 2 - Những mảnh hồi ức chợt hiện là những câu chuyện về tuổi thơ, về con đường nghệ thuật, việc ông đã Nam tiến trong 20 năm, chân dung một vài người bạn vô cùng thân thiết và các con; phần 3 là những bài báo viết về nhạc sĩ và các sáng tác của ông. Với gần 200 trang viết Những mảnh hồi ức chợt hiện, người đọc nhận ra chân dung người nhạc sĩ tài hoa, lịch lãm, nặng lòng với Hà Nội… và cả những long đong lận đận trong cuộc đời của ông.
Và sự đối lập
Trong giới nhạc sĩ, Trần Tiến và Phú Quang là hai gương mặt đối lập rất thú vị. Hình ảnh của Phú Quang bao giờ cũng veston hoặc sơ-mi lịch lãm, trong khi Trần Tiến lại bụi bặm phong trần với quần jeans cũ sờn, mũ bê-rê rất nghệ sĩ. Khi chơi nhạc, nhạc sĩ của những tình khúc Hà Nội bao giờ cũng xuất hiện với dương cầm sang trọng, còn Trần Tiến du ca với chiếc guitar thùng mộc mạc. Âm nhạc của hai nghệ sĩ gốc Hà Nội ấy cũng khác nhau một trời một vực. Trần Tiến là con người của thế sự, âm nhạc của ông mỗi bài đều có một câu chuyện nên nghe rất đời. Trong khi đó, Phú Quang là con người của nghệ thuật trữ tình. Âm nhạc của ông thiên về cảm xúc hơn là gắn với một câu chuyện, con người cụ thể. Thế nên Trần Tiến luôn phải đi mới viết được, còn Phú Quang có thể chỉ cần ngồi ở ban công ngắm lá vàng rơi, đón chút gió ngày giao mùa là viết nên những tình khúc Hà Nội làm say lòng người nghe.
Cũng như âm nhạc, sách của Trần Tiến và Phú Quang cũng chính là tấm gương phản chiếu của 2 nghệ sĩ. Nếu như sách của Trần Tiến rất giản dị, thì sách của Phú Quang được in ấn đẹp mắt kèm theo 1 đĩa DVD và 5 CD nhạc được đặt trong hộp gỗ sang trọng. Mặc dù đều là những dòng hồi ức, nhưng cách viết của 2 nhạc sĩ khác biệt nhau khá nhiều. Phú Quang trau chuốt về mặt ngôn ngữ, cách viết tự tình rất nhẹ nhàng, đôi chỗ cũng lãng đãng như sương giăng chiều đông Hà Nội. Đơn cử như khi nói về việc viết ca khúc, ông chia sẻ: “Khởi điểm của tôi trong việc viết ca khúc chỉ nhằm một mục đích tự giải thoát khỏi những ám ảnh của một đời sống đầy bức xúc về thân phận, về tình yêu. Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên, đã đến, đã đi qua cuộc đời mình với hi vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca được vang lên…”. Trong khi đó, Trần Tiến lại có cách viết rất ngẫu hứng, giàu cảm xúc, đôi chỗ rất tinh nghịch. Nhận xét về những trang viết của Trần Tiến, Nguyễn Quang Lập nói: “Văn Trần Tiến thật như con người của anh, không màu mè, không suy diễn, không tạo dáng khoe mẽ. Vì thế mà hay. Cái hay quý hiếm, cực bền”.
Trần Tiến - Phú Quang, hai người hai tạng khác nhau nên thật khó so sánh. Họ đều là những nghệ sĩ tài năng bậc nhất trong thế hệ của mình, đã có nhiều cống hiến cho âm nhạc nước nhà. Và người yêu nhạc phải cảm ơn vì sự khác nhau của họ!
THÀNH NGUYỄN