11:10, 28/10/2016

Quốc Sinh - nửa đời đắm đuối vì thơ

Hơn 40 tuổi, Quốc Sinh vẫn một mình đi về với thơ. Với anh, thơ không chỉ là nơi để gửi gắm biết bao suy tư mà còn giống như người tình.

Hơn 40 tuổi, Quốc Sinh vẫn một mình đi về với thơ. Với anh, thơ không chỉ là nơi để gửi gắm biết bao suy tư mà còn giống như người tình.


Tôi gặp Quốc Sinh (sinh năm 1974 ở Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa) lần đầu tiên ở hội nghị Văn trẻ Khánh Hòa lần 2 năm 2006. Cảm nhận đầu tiên của tôi về anh là người yêu thơ đến kỳ lạ. Giữa các bậc tiền bối trong làng văn nghệ, anh đăng đàn nói về thơ trẻ một cách say sưa, đòi hỏi thơ trẻ phải “đổi giọng”, phải luôn “khao khát đổi mùa”.

 


Quốc Sinh làm thơ khá sớm. Ngay khi còn học phổ thông ở Ninh Hòa, anh đã được giải thưởng thơ viết cho thiếu nhi của Tạp chí Nha Trang, giải tác phẩm Tuổi xanh của Báo Tiền Phong. Năm 1995, khi vừa chân ướt chân ráo vào giảng đường Khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, chàng trai trẻ đất Khánh Hòa đã giành giải ba cuộc thi thơ Bút mới của Báo Tuổi Trẻ. Những năm 90, anh là một trong những gương mặt thơ trẻ có tên tuổi ở làng văn nghệ phương Nam, cùng lứa với Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly, Tiến Đạt...  


Ngay từ khi mới xuất hiện, người đọc đã nhận ra ở Quốc Sinh một giọng thơ khác lạ, có nhiều tìm tòi trong câu chữ. Trong khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang tập tành làm những vần thơ yêu đương, anh đã có những bài thơ khá già dặn bày tỏ lòng thương cảm với những người phụ nữ nhà quê: Người đàn bà chân trần tiền kiếp/Hai mươi ngón xương bám bùn đất nhọc nhằn (Lầu hoang). Ở tuổi ngoài 20, nhớ về quê hương, anh lồng vào thơ khát vọng vươn mình của người dân miền Trung: Miền Trung đất gầy cùng muôn thuở/Nên núi không thênh thang nên biển rộng mãi bờ/Người lớn lên như núi cao lên nữa/Bay ra như con thuyền trong nắng tinh mơ (Miền Trung).


Năm 2004, Quốc Sinh xuất bản tập thơ Sống đầu (Nhà xuất bản Trẻ) với phần lớn những vần thơ anh viết từ thời còn là sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh. Trong tập thơ đầu tay ấy, những vần thơ anh viết về Sài Gòn hoa lệ luôn bàng bạc nỗi buồn. Anh luôn quay quắt một nỗi niềm quê hương với những cánh đồng làng, bầy trẻ chăn bò, lầu hoang, bãi triều. Trong mơ, trong thơ anh sống lại tuổi thơ của mình: Những khoảng đồng quanh năm ngập gió trời và tràn đầy cỏ/Những đứa trẻ chăn bò suốt bốn mùa lang thang trên đó/Chúng mải mê chơi như những con nghé mải mê quên cả buổi chiều về (Bầy trẻ chăn bò).  


Về lại quê nhà Ninh Hòa, trở thành thầy giáo trường huyện, Quốc Sinh vẫn tiếp tục theo đuổi con đường sáng tác. Vẫn là tình quê hương, nhưng những va đập trên đường đời đã làm giọng thơ Quốc Sinh già dặn hơn trước rất nhiều. Anh đã biết đặt cuộc đời mình vào trong vận mệnh chung của đất nước: Tôi ở đây/Ở trong đời Tổ quốc/Một giọt cuộc đời tôi/ Đời Tổ quốc nguồn dòng/Sâu chặt một điều trải trăm điều đã mất/Thân phận con người chung vận mệnh núi sông… (Tổ quốc). Anh bày tỏ nỗi khát khao được hòa mình vào đất mẹ bằng giọng thơ khẩn thiết, đầy xúc cảm: Hãy gieo tôi vào mùa/Hãy trồng tôi vào đất/Hạt tôi bón chăn bằng phù sa chân sử trong xanh/Thế hệ tôi lớn lên/Thành cánh đồng Tổ quốc/Hái đi/Những mùa màng chân thành.


Có đôi lần tôi hỏi Quốc Sinh quan niệm thế nào về thơ, anh chỉ cười không nói. Cũng phải, bởi những điều đó anh đã nói ở trong thơ. Với anh, thơ phải là sự tìm kiếm mới lạ, phải chung nhịp đập của đời sống thường ngày. Anh kêu gọi sự mới lạ, từ bỏ thói luật nhưng rồi chính anh nhận ra, dù cách tân hiện đại đến đâu đi nữa cũng cần phải bám chặt vào đời sống như cây bám chặt vào đất mà như anh suy tưởng: Thơ tôi chưa kịp cây/Quê hương đã rừng rộng/Thơ tôi chưa kịp dòng/Quê hương đã sông lớn/Thơ tôi chưa kịp mây/Quê hương đã trời lồng lộng... Trong chừng mực nào đó, cái ý thức chối từ lối mòn, khát khao sự mới lạ ấy thật sự đáng quý và đã giúp Quốc Sinh vượt qua mặt bằng của những gương mặt thơ trẻ ở xứ Trầm Hương.


Sau tập thơ đầu tay, anh không xuất bản thêm tập thơ nào nữa dù vẫn viết khá đều tay. Bỏ qua sự “chậm chạp” đó, thơ của anh ngày càng có “chất” hơn, vượt qua sự màu mè của những trào lưu đòi làm mới thơ. Khi tình hình Biển Đông căng thẳng, anh đã có những câu thơ nóng hổi thời sự, ngập tràn niềm tự hào với lịch sử bất khuất, sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt:  Nước Biển Đông vẫn chảy một lòng/Sóng Biển Đông thanh xuân vẫn vỗ/Như máu thắm lưu thông từ đảo tới đất liền (Non sông trên cánh sóng); hay Những con tàu mang trên mình tên nước Việt hừng hực ra khơi/Có nghe trong gió lớn Biển Đông vọng vang lời non nước/Lãnh hải biên cương vẽ bằng máu cha ông/Không thể nào khác được/Đã tận thấm đáy xanh thăm thẳm đời đời (Biển vẫn xanh vô tận dưới trời). Càng ngày thơ anh càng thêm “mặn” như hạt muối Ninh Diêm kết tinh dưới mặt trời.


THÀNH NGUYỄN