Thời gian gần đây, trong nỗ lực đưa văn học Nga trở lại, các nhà xuất bản (NXB) đã tái bản nhiều tác phẩm văn học kinh điển của xứ sở Bạch Dương.
Thời gian gần đây, trong nỗ lực đưa văn học Nga trở lại, các nhà xuất bản (NXB) đã tái bản nhiều tác phẩm văn học kinh điển của xứ sở Bạch Dương. Tuy nhiên, để văn học Nga thực sự trở thành dòng chủ đạo, được bạn đọc trẻ đón nhận, cần nhiều việc phải làm chứ không đơn thuần là công tác xuất bản…
NXB Kim Đồng vừa tái bản bộ sách “Văn học Nga - Tác phẩm chọn lọc”. Trong đợt đầu tiên, đơn vị chọn 8 tác phẩm quen thuộc từng gắn liền với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam như: Chiếc nhẫn bằng thép (K.Paustovky), Dagestan của tôi (Rasul Gamzatov), Thép đã tôi thế đấy (Nikolai A.Ostrovsky), Maximka (K.M.Stanyukovich), Người cá, Bột mì vĩnh cửu (Alexander R.Belyaev), Timur và đồng đội, Số phận chú bé đánh trống (Arkady Gaidar). Tất cả các bản sách đều được trình bày đẹp mắt, chất lượng in ấn cao. Người đọc được gặp lại những truyện ngắn giàu chất thơ, từng làm lay động lòng người; hay những cuốn truyện thiếu nhi đã in dấu vào ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ bạn đọc Việt.
Loạt sách văn học Nga vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản |
Trước đó, trong tháng 7, Quỹ “Hỗ trợ quảng bá văn học Nga - văn học Việt Nam” đã cho ra mắt 3 tác phẩm kinh điển: Con bạc (F.M. Dostoevsky), Truyện biển (K. Stanhyukovich) và Khu rừng (A.N. Ostrovsky). Đây là lần đầu tiên, 3 đầu sách này được dịch sang tiếng Việt; trong đó, Con bạc tập thứ 9 nằm trong bộ tuyển 10 tập tác phẩm của văn hào F.Dostoevsky. Ngoài 2 đơn vị nói trên, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Công ty Truyền thông - Văn hóa Nhã Nam… đã in lại nhiều tác phẩm văn học Nga, trong đó đáng chú ý là bộ truyện Cá sấu Ghena và các bạn của nhà văn thiếu nhi Eduard Uspenski.
Nỗ lực đưa văn học Nga trở lại là một điều rất đáng mừng với những ai yêu thích văn học nói chung, văn học Nga nói riêng. Đánh giá về sự trở lại của những tác phẩm này, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho rằng: “Văn học Nga giàu chất thơ, thấm đẫm tinh thần nhân văn. Một thời, văn học Nga được dịch, in ấn phổ biến ở Việt Nam và được nhiều người yêu thích. Đáng tiếc, những biến động về chính trị đã làm đứt gãy dòng chảy văn học Nga. Theo tôi, dù nước Nga - Xô Viết có thay đổi về thể chế chính trị, nhưng những tác phẩm văn học vốn là những giá trị nhân bản của con người thì vẫn luôn tồn tại”.
Thật vậy, nhắc đến văn học Nga là bao ký ức lại dội về với các thế hệ độc giả người Việt. Không ai có thể phủ nhận, sức sống những tác phẩm văn học đến từ xứ sở Bạch Dương đến nay vẫn còn mang nhiều giá trị và có ý nghĩa với văn hóa đọc của Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà nhiều người đặt câu hỏi: liệu các tác phẩm văn học Nga chọn lọc từng đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ Việt Nam trước đây có còn thu hút độc giả hiện nay? Thực tế cho thấy, sách văn học Nga được in ấn gần đây vẫn chủ yếu là những tác phẩm thuộc hàng kinh điển, rất ít các tác phẩm mới. Trên các phương tiện truyền thông, thông tin về văn học Nga chìm khuất so với văn học Âu - Mỹ, Trung Quốc.
Qua khảo sát của người viết tại các nhà sách ở Nha Trang, lượng tác phẩm văn học Nga vẫn thấp hơn rất nhiều so với tác phẩm văn học Âu - Mỹ, Trung Quốc hay truyện tranh Nhật Bản. Đáng chú ý, lớp đọc giả tuổi mới lớn gần như không để ý đến văn học Nga. Thậm chí, vì thiếu thông tin nên nhiều bạn trẻ cho rằng văn học Nga là “lỗi thời”, là sách của lớp người già. Chính vì vậy, để văn học Nga nói chung, văn học thiếu nhi Nga nói riêng được đón nhận, ngoài nỗ lực của các NXB, cần có sự ủng hộ của truyền thông, sự định hướng của phụ huynh với con trẻ.
Giữa một thế giới sách bùng nổ phương tiện giải trí như hiện nay, nhà trường và gia đình nên khuyến khích các em đọc sách, hướng đến các sách văn học thiếu nhi Nga giàu giá trị nhân văn. “Bây giờ không còn là thời “hữu xạ tự nhiên hương”, để văn học Nga được đọc giả đón nhận, cần phải có thêm nhiều hơn nữa những buổi nói chuyện, giới thiệu về giá trị văn học Nga với lớp trẻ”, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên nói.
THÀNH NGUYỄN