10:09, 30/09/2016

Sẽ còn kéo dài?

Dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt từ năm 2009, tuy nhiên vì nhiều khó khăn, vướng mắc nên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt từ năm 2009, tuy nhiên vì nhiều khó khăn, vướng mắc nên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Ngành văn hóa đã đề xuất gắn việc thực hiện giai đoạn 2 của dự án với việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh.


Chậm vì thiếu kinh phí


Năm 2009, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh với tổng vốn đầu tư khoảng 35,9 tỷ đồng (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ 50% kinh phí, ngân sách tỉnh 50%). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gặp nhiều khó khăn nên dự án không thể tiến hành thi công theo kế hoạch được duyệt. Đầu năm 2012, khi tính toán lại chi phí, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng cao hơn so với thời điểm phê duyệt khá nhiều. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh Dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2012 - 2013) sẽ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, triển khai thi công toàn bộ các hạng mục công trình và khối lượng công việc đối với bên ngoài thành; giai đoạn 2 (2014 - 2015) sẽ thực hiện phần trong thành: giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong phạm vi 200m tính từ mỗi bên cổng thành và triển khai các hạng mục còn lại.

 

Thành cổ Diên Khánh là di tích có nhiều giá trị văn hóa - lịch sử
Thành cổ Diên Khánh là di tích có nhiều giá trị văn hóa - lịch sử


Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao, đến nay, dự án mới thực hiện xong giai đoạn 1 (trồng cây xanh, hệ thống đường bê tông, tuyến nước tưới, đèn chiếu sáng). Giai đoạn 2 dự án đã tiến hành kiểm kê nhà cửa, đất đai của các hộ để đền bù, giải tỏa nhưng do tỉnh chưa bố trí được kinh phí nên đang tạm dừng.


Gắn trùng tu, tôn tạo với việc lập quy hoạch bảo tồn?

 

Thành cổ Diên Khánh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia năm 1988. Đây là quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban (mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ XVII, XVIII ở Tây Âu), được xây dựng vào đầu triều Nguyễn. Tổng diện tích thành rộng 36.000m2, tường thành hình lục giác không đều nhau với tổng chiều dài 2.694m, tường thành cao nhất là 3,5m. Ban đầu thành có sáu cổng, hiện nay chỉ còn bốn cổng Ðông, Tây, Tiền, Hậu. Năm 2003,  Sở Văn hóa - Thông tin đã tiến hành trùng tu 2 cổng Đông và Tây của Thành cổ Diên Khánh.

Tháng 6,  Sở Văn hóa - Thể thao có văn bản đề xuất UBND tỉnh cho phép sở phối hợp với UBND huyện Diên Khánh xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh theo đề nghị của huyện. Ngày 5-7, UBND tỉnh có công văn giao Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với UBND huyện Diên Khánh và các ngành liên quan khảo sát thực tế, báo cáo và tham mưu, đề xuất việc triển khai giai đoạn 2 dự án cũng như việc lập Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh theo đề nghị của huyện. Trong đó, nghiên cứu kết nối giai đoạn 2 của dự án với nội dung đề án để việc trùng tu, tôn tạo và bảo tồn, phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND huyện Diên Khánh kiểm tra thực tế. Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã thống nhất đánh giá, việc bảo tồn, phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh để phát triển du lịch, gắn với du lịch Nha Trang là rất khả thi. Tuy nhiên, việc xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh theo Luật Đầu tư công rất khó thực hiện. Các đơn vị đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh cho phép lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Việc thực hiện giai đoạn 2 của Dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh sẽ được lồng ghép thực hiện trong quy hoạch này. Đầu tháng 9, Sở Văn hóa - Thể thao có tờ trình xin phép lập Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Tại cuộc họp mới đây về việc bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, các đơn vị tiếp tục chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của Dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh; giao huyện Diên Khánh tiến hành khảo sát, kiểm tra giấy tờ nhà cửa, đất đai của các hộ bị ảnh hưởng báo cáo UBND tỉnh. Đối với đề xuất lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh, Sở Văn hóa - Thể thao tiến hành tổ chức các hội thảo nghiên cứu khoa học để xác định phạm vi, nội dung bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh, trên cơ sở đó mới tính đến việc đề xuất lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích…


Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết:  “Việc thực hiện giai đoạn 2 của Dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh cần thực hiện sớm. Bởi nếu để kéo dài, kinh phí dành cho việc đền bù, giải tỏa, tái định cư sẽ tăng cao. Mặc dù lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ việc thực hiện giai đoạn 2 của dự án, nhưng chắc chắn sẽ còn phải chờ đợi bởi trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua không có dự án này”.


XUÂN THÀNH