Gắn bó với âm nhạc từ lâu, nhưng nhạc sĩ Lê Minh Đạo ít được công chúng biết đến bởi anh chọn cho mình một con đường lặng lẽ - hòa âm, phối khí. Với anh, chỉ cần những người trong giới âm nhạc ghi nhận là đủ bởi mỗi người có cái nghiệp riêng của mình!
Gắn bó với âm nhạc từ lâu, nhưng nhạc sĩ Lê Minh Đạo ít được công chúng biết đến bởi anh chọn cho mình một con đường lặng lẽ - hòa âm, phối khí. Với anh, chỉ cần những người trong giới âm nhạc ghi nhận là đủ bởi mỗi người có cái nghiệp riêng của mình!
Gọi điện cho nhạc sĩ Lê Minh Đạo, anh bảo đang bận thu âm cho khách, nếu muốn thì cứ đến, anh em vừa làm việc vừa trò chuyện. Và thế là trong căn nhà nằm ở con hẻm nhỏ cuối đường 19-5 (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), nhạc sĩ Lê Minh Đạo cứ nhẩn nha kể về chuyện đời, chuyện nghề của mình một cách mộc mạc như bản tính của anh. Lớn lên ở Huế, Minh Đạo đam mê âm nhạc từ nhỏ. Thời gian dành cho việc tập đàn còn nhiều hơn cả việc học hành nên dù không qua trường lớp chính quy, anh vẫn có thể chơi được khá nhiều nhạc cụ. Dòng đời đưa đẩy, sau năm 1975, Minh Đạo được tuyển vào Đoàn Ca múa Khánh Hòa với vị trí là nhạc công chuyên guitar, organ và sáo.
Anh là đội trưởng đội nhạc của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng trong những năm tháng vàng son của đoàn. Chính trong những ngày này, Minh Đạo đã được nhạc sĩ Thanh Tùng hướng dẫn thêm về kỹ thuật hòa âm, phối khí. “Khi nhạc sĩ Thanh Tùng về dàn dựng chương trình cho Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, tôi đã được ông chỉ dạy rất nhiều về kỹ thuật hòa âm, phối khí. Sau những thử nghiệm thành công, được ông khích lệ, tôi đã tự nghiên cứu thêm tài liệu để hoàn thiện, nâng cao khả năng của mình”, nhạc sĩ Minh Đạo nhớ lại. Anh từng tham gia dàn dựng chương trình Tiếng hát Ngọc Thúy (Giải bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1988), đảm nhiệm việc hòa âm, phối khí cho các chương trình Liên hoan tiếng hát truyền hình Khánh Hòa trong những năm cuối thập niên 90… Càng về sau, anh được các nhạc sĩ, ca sĩ tin tưởng gửi gắm tác phẩm của mình. “Nhạc sĩ Minh Đạo có kiến thức âm nhạc rất vững, có thể chơi được nhiều nhạc cụ. Vì thế khi làm hòa âm, phối khí, anh biết cách để phát huy thế mạnh của các loại nhạc cụ trong dàn nhạc, làm cho bài hát có nhiều sắc màu hơn”, nhạc sĩ Hình Phước Liên, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhận xét.
Chọn cho mình một lối đi riêng, nhạc sĩ Minh Đạo đã chấp nhận làm nền cho những thành công của đồng nghiệp. “Trong âm nhạc, công chúng thường nhớ đến ca sĩ, tác giả ca khúc, chứ không mấy ai để ý đến người phối khí. Chỉ có dân trong nghề mới hiểu vai trò quan trọng của người làm hòa âm, phối khí…”, nhạc sĩ bày tỏ. Để phối một ca khúc hay, điều kiện đầu tiên cần thiết cho nhạc sĩ hòa âm, phối khí là ngoài năng khiếu, lòng say mê, còn phải thành thạo ít nhất một nhạc cụ, tự tìm tòi học hỏi hoặc được đào tạo bài bản môn hòa âm, biết rõ tính năng, âm vực, kỹ năng sử dụng từng nhạc cụ để viết tổng phổ. Nghe một đoạn dạo chưa đến 10 giây của các ca khúc quen thuộc, người yêu âm nhạc đã nhận biết ngay ca khúc mình đang nghe là bài gì, đó là nhờ công lao của người làm hòa âm, phối khí, nhưng mấy ai để ý đến điều này. Anh cho biết, để viết ca khúc hay phải có cảm hứng, còn người làm nghề hòa âm và phối khí thì vẫn cần cảm xúc nhưng thiên về kỹ thuật hơn.
Hiện nay, nhạc sĩ Lê Minh Đạo mở phòng thu tại nhà để tiện cho công việc. Phòng thu của anh là một trong những phòng thu lâu năm nhất ở Nha Trang, được nhiều người tìm đến thu âm. Không chỉ những giọng hát ở Nha Trang, nhiều người ở Phú Yên, Ninh Thuận… và cả TP. Hồ Chí Minh cũng đến để ghi âm, thu lại tiếng hát của mình làm kỷ niệm. “Để đầu tư được một phòng thu hiện đại cần rất nhiều tiền. Tuy có cố gắng đầu tư nhưng phòng thu của tôi cũng không thể sánh được với các phòng thu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Cũng may nhờ bạn bè giới thiệu nên phòng thu cũng có khách hàng. Tuy nhiên, việc làm thu âm chỉ là ưu tiên thứ hai sau hòa âm phối khí”, nhạc sĩ chia sẻ.
XUÂN THÀNH