Với hơn chục đầu sách về sưu tầm, nghiên cứu, đoạt nhiều giải thưởng chuyên ngành địa phương và Trung ương, nhưng ở cái tuổi 73, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban vẫn còn nhiều ấp ủ, thai nghén nhiều cuốn sách…
Với hơn chục đầu sách về sưu tầm, nghiên cứu, đoạt nhiều giải thưởng chuyên ngành địa phương và Trung ương, nhưng ở cái tuổi 73, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban vẫn còn nhiều ấp ủ, thai nghén nhiều cuốn sách…
Từ nhà giáo ưu tú đến nhà nghiên cứu
Nhà ông ở vùng ngoại ô ven TP. Nha Trang. Trong căn phòng riêng khá rộng của ông, sách báo nhiều vô kể, đủ thể loại. Ông bảo: “Từ nhỏ, tôi đã nghiện đọc sách báo, thể loại nào cũng đọc. Vợ tôi làm nghề giáo viên, cũng là người thích đọc sách. Chính vì vậy, mỗi lần đi đâu có quyển sách hay, bà ấy đều mua về, dần dần mấy chục năm qua mới có được tủ sách gia đình như hôm nay…”.
Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, khóa 1966 - 1970. Ông từng dạy các trường trung học ở Ninh Hòa, Diên Khánh, Nha Trang. Năm 1998, ông được phong Nhà giáo Ưu tú. Ông tâm sự rằng, ngay từ thời sinh viên, ông đã đam mê viết lách. Ban đầu ông tập tành sáng tác thơ, truyện, sau chuyển sang nghiên cứu. Song, vừa dạy học vừa làm công tác quản lý nên ông không có thời gian sưu tầm, nghiên cứu để thỏa niềm đam mê của mình.
Năm 2004, ông nghỉ hưu, từ đó ông mới chính thức tập trung vào công việc nghiên cứu. 4 năm sau, ông ra cuốn sách đầu tiên cho riêng mình với tựa đề: “Địa danh Khánh Hòa xưa và nay”. Cuốn sách này đã đoạt giải nhì chuyên ngành Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam. Năm 2010, Hội VNDG Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa thông tin - Hà Nội xuất bản cuốn sách này. Như được đà, ông đắm chìm trong đam mê nghiên cứu từ đây...
... và những giải thưởng chuyên ngành
Ở cái tuổi hơn thất thập nhưng ông vẫn luôn làm việc cật lực, lặn lội về các huyện, tìm những làng nghề truyền thống phỏng vấn, ghi chép, viết bài. Chính vì lao động miệt mài như vậy, năm 2011, ông cho ra đời 2 cuốn sách nghiên cứu, sưu tầm: “Một số nghề, làng truyền thống và văn hóa ẩm thực Khánh Hòa” do Hội VNDG Việt Nam liên kết với NXB Thanh Niên ấn hành và “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam” (tập 1) do Hội VNDG Việt Nam liên kết với NXB Dân Trí xuất bản. Đến năm 2013, ông ra tiếp tập 2, tập 3 cuốn sách “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam”. Riêng về cuốn sách này, ông đã tìm tòi, chọn lọc hơn 80 tài liệu tham khảo, trong đó có 23 cuốn từ điển các loại. Ngoài ra, ông còn gặp gỡ các bậc cao niên có vốn hiểu biết rộng về ca dao, tục ngữ để ghi lại những câu từ chỉ về diện mạo con người. Cuốn sách này, tập nào cũng đều được giải thưởng chuyên ngành ở Hội VNDG Việt Nam.
Ngoài những đầu sách cho riêng mình, ông còn tham gia nhiều đề tài khoa học trong tỉnh và làm chung nhiều công trình với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Triều Dương. Trong 2 năm 2013 và 2014, ông và nhà nghiên cứu Võ Triều Dương đã cho ra đời 2 cuốn sách: “Hái lượm và săn bắt của người dân vùng đất Khánh Hòa xưa”, “Chợ, quán vùng đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) xưa và nay”. 2 cuốn sách này đều đoạt giải nhì chuyên ngành Hội VNDG Việt Nam. Ông cho biết: “Chúng tôi phải đi nhiều nơi trong tỉnh để tìm hiểu, phỏng vấn, chụp hình… Khổ nhất là việc đi tìm các dụng cụ săn bắt heo rừng xưa mà nay ít ai còn lưu giữ. Viết về các chợ ở các xã, phường ở Ninh Hòa, có chợ nay không còn dấu tích, phải tìm trong thư tịch, phỏng vấn người già... Nhưng vì tâm đắc đề tài này nên chúng tôi vượt qua tất cả. Vui nhất là mình có thêm kiến thức về văn hóa vùng đất đó…”.
Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban quê ở Khánh Hòa, ông là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Chi Hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông đã có hơn 10 đầu sách về sưu tầm, nghiên cứu; đoạt 22 giải thưởng chuyên ngành địa phương và Trung ương. |
Năm 2015, ông lại tiếp tục đoạt giải nhì chuyên ngành Hội VNDG Việt Nam với bản thảo cuốn sách: “Tìm hiểu địa danh Việt Nam: Địa danh dọc đường ven biển Khánh Hòa qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian địa phương - Quảng Nam, những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng”. Ông kể: “Về địa danh Khánh Hòa, tôi đã thực hiện từ lâu, nên khi viết tác phẩm trên, tôi chỉ bổ sung phần nào cho phù hợp với nội dung đề tài. Nhưng ở Quảng Nam, tôi không có điều kiện ra nhiều lần. Thật may, tôi cũng là hội viên Hội VNDG Đà Nẵng. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành bản thảo, tôi có gửi ra Đà Nẵng nhờ anh em đọc, góp ý, sửa chữa, bổ sung để tôi hoàn thành tác phẩm này”.
Đầu tháng 9, ông lại đoạt giải nhì, giải thưởng 5 năm văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015. Ở tuổi 73, ông vẫn còn nhiều ấp ủ, thai nghén nhiều cuốn sách. Ông dự định sẽ ra các tập sách: “Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam, tập 4” và “Những mảnh ghép biển đảo văn hóa Khánh Hòa”. “Bây giờ tôi chỉ mong sao có sức khỏe tốt, mong thời gian chậm lại để tiếp tục làm việc, cống hiến...”, ông trải lòng.
LÊ ĐỨC QUANG