09:09, 30/09/2016

Nguyễn Đức Linh và "Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn"

Nếu có ai hỏi, thời gian gần đây, văn học viết cho thiếu nhi ở Khánh Hòa có tác phẩm nào đáng chú ý, không cần phải đắn đo, tôi có thể trả lời ngay đó là truyện dài "Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn" của nhà văn Nguyễn Đức Linh (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2016).

Nếu có ai hỏi, thời gian gần đây, văn học viết cho thiếu nhi ở Khánh Hòa có tác phẩm nào đáng chú ý, không cần phải đắn đo, tôi có thể trả lời ngay đó là truyện dài “Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn” của nhà văn Nguyễn Đức Linh (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2016).


Thông qua câu chuyện kể của một cậu bé tên Luân, vừa học xong lớp 7, trong kỳ nghỉ hè được cha là một kỹ sư thiết kế cầu đường cho đi theo tổ thị sát để tìm một con đường mới xuyên rừng già… trong hơn 10 ngày, từ Buôn Ma Thuột đến thung lũng Blao Xiên, rồi qua các buôn: Trắp, Đắc-rô, Phoóc, K’Plang, tới Lạc Thiện..., tác giả đã mang đến cho người đọc bao điều kỳ thú về phong cảnh, về cá, chim, về người, phong tục, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc… ở các khu rừng già kỳ vĩ nhưng hoang sơ của miền đất Tây Nguyên. Thú thì có voi, gấu, bò tót, hươu, nai, mang, tê tê, nhím, sóc, khỉ, vượn…; chim có vô số loài, nào bồ chao, cò bợ, cò ma, chim ri, chim sẻ đá…; cây cối thì khó kể hết, nào những đám rừng già toàn cây cổ, nào những cánh rừng thưa lúp xanh thắm nở đầy những loài hoa đủ sắc màu…


Nguyễn Đức Linh là một kỹ sư cầu đường nhiều năm sống ở Tây Nguyên, từng cơm nắm, cơm đùm, cùng bạn bè lặn lội để mở những con đường xuyên qua vùng đất này nên tác phẩm của ông, càng đọc ta càng bị lôi cuốn bởi những điều mới lạ. Ông đã thể hiện vốn sống của mình lên mỗi trang sách với tất cả sự sống động vốn có của nó. Cả đến đời sống của một loài thú, hay quá trình ra đời và phát triển của một loài cây đều được ông khai thác với những hiểu biết tường tận.


Quả thật, nếu không từng trải, không từng sống, từng gắn bó với Tây Nguyên thì khó có được một tác phẩm như “Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn”. Đây là một đoạn trích khi tác giả nói về thung lũng Ea Krông Ana: “Ea Krông Ana hiện ra mênh mông trước mắt tôi. Trời trưa, nắng vàng như mật ong lếnh láng làm cho dòng sông Ea Krông Ana rực lên như một con rồng vàng đang uốn lượn, tung tăng giữa những hồ, những vịnh, những triền đồi. Và gần đó suối Krông Diệt, Krông Me, thấp thoáng trong lau lách, óng ánh như hai cái râu đang ngoe nguẩy…”. Còn đây là cảnh một cái bàu nước giữa rừng khi chiều xuống: “Bên một cái bàu to lớn, bọn chim ri, sẻ đá, dồng dộc ríu rít trên các tán cây; lũ bồ chao ì xèo, cãi vã râm ran trong các lùm bụi ven bờ bàu. Trời chiều. Hoàng hôn tắt dần sau núi K’Plang. Xa xa, tiếng con chim kêu téc… téc… bớ thằng chăn vịt… nghe buồn tênh”. Và đây là một đoạn miêu tả cảnh cây cối ở Buôn Trắp: “Hoa trinh nữ viền hai dải tím bên lề đường. Hoa quỳ e thẹn lắc lư khoe những cánh vàng tươi xào xạc trong gió mai. Đó đây những cây kơ nia khoe tán lá non màu tím Huế. Những cây cầy cành khẳng kheo, khoe búp đỏ au, rực rỡ bên sườn đồi…”.


Không chỉ có phong cảnh núi rừng, cây cỏ, thú vật, chim muông, một khía cạnh tạo nên sự hấp dẫn trong tác phẩm là tác giả đã dành khá nhiều trang viết về những tình huống gay cấn khi cậu bé Luân và tổ khảo sát gặp phải và đối phó trong chuyến đi như gặp gấu, cá sấu hay rắn rết… Đặc biệt, khá nhiều nội dung về đời sống của những con người đang sống ở vùng đất này cũng như những phong tục, tập quán cổ xưa và bao hiện tượng thiên nhiên lạ mắt, lạ tai chỉ có ở rừng sâu mới có đã được tác giả chuyển tải, làm cho từng trang của cuốn sách luôn có sức nặng để lôi cuốn người đọc.


Nguyễn Đức Linh là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa. Đến nay, ông đã có 8 cuốn sách viết về đề tài thiếu nhi, trong số đó có một số tác phẩm đã được nhận giải thưởng của tỉnh cũng như các cơ quan văn học - nghệ thuật của Trung ương. Nhưng có lẽ, “Chuyến phiêu lưu kỳ thú trong rừng đại ngàn” là một trong những cuốn sách hay nhất của ông. Có lần trò chuyện với tôi về tác phẩm này, nhà văn Cao Duy Thảo nói: “Cuốn sách của Nguyễn Đức Linh có thể sánh ngang những nghiên cứu chuyên biệt về Tây Nguyên, trong đó có cả những gợi ý về tiềm năng giàu có của vùng đất chưa được con người khai phá, đồng thời cũng cảnh báo các nguy cơ xâm hại, làm cạn kiệt tài nguyên rừng có thể xảy đến trong tương lai…”. Khi tôi gọi điện thoại chúc mừng thành công của cuốn sách trên, ông chỉ cảm ơn rồi cười. Đã ở tuổi 74 nhưng tiếng cười của ông vẫn trong veo. Cười xong ông khoe: “Mình đang viết một cuốn khác, cũng về đề tài thiếu nhi”.


HOÀNG NHẬT TUYÊN