Thật khó có câu trả lời thỏa đáng với câu hỏi này, bởi nó phụ thuộc vào thói quen, sở thích, tâm lý, vùng miền hay dạng phim. Mỗi hình thức đều có thế mạnh và hạn chế riêng, nhưng dù gì đi nữa thì phải có tính chuyên nghiệp để tạo cảm xúc cho người xem.
Thật khó có câu trả lời thỏa đáng với câu hỏi này, bởi nó phụ thuộc vào thói quen, sở thích, tâm lý, vùng miền hay dạng phim. Mỗi hình thức đều có thế mạnh và hạn chế riêng, nhưng dù gì đi nữa thì phải có tính chuyên nghiệp để tạo cảm xúc cho người xem.
Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn nhớ những giọng thuyết minh phim chiếu trên truyền hình thuộc hạng kinh điển như: NSƯT Kim Tiến, NSƯT Minh Trí ở phim Tây Du Ký, nhà báo Trần Bình Minh ở phim Bạch tuộc, Ngọc Trâm phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên… Đặc biệt, có 2 giọng thuyết minh chỉ cần nghe cũng biết phim đang chiếu là của nước nào: Thu Thế thuyết minh phim Pháp: Những người lính ngự lâm pháo thủ, Viên cảnh sát lấy vợ, Người hành tinh khác; Nguyễn Ngọc Thạch (em trai Thu Thế) thuyết minh phim Bao Thanh Thiên, Tam quốc diễn nghĩa, Tể tướng lưng gù… Sau đó, có thể kể tới các giọng thuyết minh chuyên nghiệp là NSƯT Thu Hiền với bộ phim Hồng Lâu Mộng, Tam quốc, Thủy hử…; Minh Khuê với phim Hàn Quốc; Kim Oanh sắc sảo với những phim lẻ của Mỹ.
NSƯT Kim Tiến - phát thanh viên, giọng thuyết minh phim nổi tiếng của VTV |
Ở miền Nam, người nghe vì mê giọng thuyết minh của Khải Hoàn ở đài HTV để theo dõi hết phim Con đường đau khổ; rồi Kiều Oanh với giọng Nam Bộ nhuần nhuyễn. Và còn nhiều giọng đọc rất hay nhưng chúng ta không biết được vì họ không xuất hiện trên truyền thông.
Nói không quá thì chính nhờ giọng đọc có cá tính đầy âm sắc của Trần Bình Minh mà phim Bạch tuộc trở nên gai người trong từng giọng nói của Tano, Espinoza. Khi xem Tây Du Ký, các em nhỏ cười khanh khách khi nghe giọng hài hài của nghệ sĩ Minh Trí. Chúng ta yêu Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên nhờ có giọng mượt mà, dịu dàng của Ngọc Trâm. Hay cho tới hôm nay, người Hà Nội vẫn mê giọng thuyết minh vừa ấm vừa sắc pha chút hùng hồn của Ngọc Thạch, vì nhờ có ông mà người ta mới xem hết 300 tập phim Bao Thanh Thiên. Giọng mượt mà gọn gàng của nghệ sĩ Thu Hiền đã thực sự làm cho Hồng Lâu Mộng bay bổng. Minh Khuê đã làm cho các phim: Trái tim mùa thu, Giày thủy tinh, Mối tình đầu lãng mạn hơn. Chính vì có những giọng thuyết minh tài hoa như thế nên cho tới bây giờ, trên VTV các phim nước ngoài vẫn chỉ có thuyết minh. Điều đó mang tính chuẩn mực về ngôn ngữ của đài quốc gia. Do đó, nơi đây luôn có những giọng đọc mới rất chuyên nghiệp như: Phương Dung, Kim Oanh…
Tất nhiên, VTV cũng có một vài sự ngoại lệ được thử nghiệm lồng tiếng, ví dụ phim Ô sin của Nhật Bản với dàn diễn viên chuyên nghiệp như: Công Lý, Minh Hằng, Phú Đôn… lồng tiếng. Sau đó thêm một phim nữa cũng của Nhật Bản rồi thôi.
Việc lồng tiếng cho phim nước ngoài, chủ yếu là Hồng Kông, Đài Loan có từ rất lâu, đi cùng với băng hình video của thập niên 80. Ngoài những nhóm người lồng tiếng ở 2 nơi trên, rồi ở Sài Gòn, tuy nhiên chất lượng rất kém do là giọng người Hoa nói tiếng Việt nên rất nhão, kỹ thuật thu âm thô sơ, nhân vật phim thì nhiều mà người lồng tiếng ít nên họ chuyển vai liên tục lẫn lộn. Nhưng do nguồn phim độc quyền không được đài truyền hình phát nên người xem vẫn chấp nhận. Chính vì thế phát sinh ra phong cách phim lồng tiếng sau này. Hơn 10 năm nay, với sự bùng nổ của các kênh truyền hình, khối lượng phát chiếu phim rất lớn, nguồn nhập phim kiểu video ngày trước được lên truyền hình. Chỉ có điều khác là do chính các nhóm lồng tiếng chuyên nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Dần dần, tỷ lệ phim lồng tiếng trên ti vi áp đảo so với thuyết minh.
Không phủ nhận ưu thế của việc lồng tiếng cho phim nước ngoài, nhưng với nhiều người xem thì thuyết minh vẫn vượt trội, bởi lẽ thuyết minh hay lồng tiếng cho phim nước ngoài không phải là diễn dạng kịch hóa mà chỉ chuyển tải ngôn ngữ nhân vật với sự trong sáng nhất, truyền cảm nhất. Ngoài hai hình thức trên thì người xem trên mạng hiện nay còn có thể xem phụ đề tiếng Việt đi kèm ngôn ngữ âm thanh gốc. Đây cũng là một điều thú vị.
Tựu chung, thuyết minh hay lồng tiếng đem lại cho khán giả sự đa dạng trong thưởng thức. Tuy nhiên, dù là hình thức nào cũng cần có sự chuyên nghiệp của các giọng, ngôn ngữ trong sáng, có sự biểu cảm nhưng không kịch hóa, vì kênh phim là một môi trường để cho tiếng Việt được phát triển chuẩn mực.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG