Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng vừa ra mắt chương trình nghệ thuật năm 2016 với chủ đề "Quê ta biển yến non trầm". Vẫn là những lời ca, điệu múa ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước, nhưng dấu ấn âm nhạc dân tộc được tô đậm hơn qua việc khai thác chất liệu âm nhạc, nhạc cụ truyền thống…
Đoàn Ca múa nhạc (CMN) Hải Đăng vừa ra mắt chương trình nghệ thuật năm 2016 với chủ đề “Quê ta biển yến non trầm”. Vẫn là những lời ca, điệu múa ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước, nhưng dấu ấn âm nhạc dân tộc được tô đậm hơn qua việc khai thác chất liệu âm nhạc, nhạc cụ truyền thống…
Chương trình nghệ thuật năm 2016 của Đoàn CMN Hải Đăng có 11 ca khúc được chia làm 2 phần: Giai điệu quê hương và Biển sáng. Phần 1 của chương trình tập trung ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Khánh Hòa; phần 2 là niềm tự hào về Tổ quốc, niềm tin, khát vọng vươn lên của những người dân đang ngày đêm bám biển. Cả 2 phần tuy có tính độc lập, nhưng vẫn có sự kết nối để làm nên một chương trình nghệ thuật đa dạng về màu sắc, trong đó nổi bật lên dấu ấn của âm nhạc dân tộc. “Chúng tôi xác định, ngoài nhiệm vụ chính trị, chương trình mới còn phục vụ du lịch. Chính vì vậy, khi dàn dựng chúng tôi đã nhấn mạnh đến tính dân tộc, các tiết mục mang âm hưởng dân gian nhưng mang hơi thở đời sống đương đại, trong đó chú trọng đến việc kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây”, ông Trần Anh Dũng - Phó Trưởng Đoàn CMN Hải Đăng nói.
Tiết mục múa Thuyền thúng |
Mở đầu với màn hát múa Quê ta biển yến non trầm (Hình Phước Liên), các ca sĩ, diễn viên của đoàn đã thể hiện nét đẹp của miền thùy dương cát trắng qua những lời ca trữ tình, điệu múa bay bổng đầy màu sắc. Hình ảnh một vùng đất giàu nét đẹp thiên nhiên, bản sắc văn hóa được tô đậm hơn qua ca khúc Trăng sáng xứ Trầm Hương (Vĩnh An), qua sự thể hiện của tốp nữ, màn hòa tấu nhạc cụ Câu hò quê hương (âm nhạc Hình Phước Liên, hòa tấu Quang Huy). Những lời ca, điệu nhạc trữ tình đã gợi nên hình ảnh Tháp Bà linh thiêng soi bóng xuống dòng sông Cái, những làn điệu dân ca mênh mang sóng nước. Ấn tượng nhất chính là tiết mục múa Lên tháp cầu an (âm nhạc Hình Phước Liên, biên đạo: Đức Hà) do tốp múa Hải Đăng biểu diễn… Tiếng nhạc rộn ràng, cùng những điệu múa giàu tính gợi hình đã gợi nhớ đến tục cầu an tại đền tháp của người dân Khánh Hòa vào những ngày lễ, Tết, sóc vọng. Các tiết mục múa thường biểu diễn với nhạc nền thu sẵn, lần này các diễn viên múa diễn cùng nhóm nhạc dân tộc và ca sĩ, tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ, để lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao: Chương trình của Đoàn CMN Hải Đăng có chất lượng chuyên môn khá tốt, nhất là các tiết mục hòa tấu nhạc cụ, múa… Điểm mới đáng khích lệ, năm nay đoàn đã khai thác dàn nhạc dân tộc rất hiệu quả, tạo được dấu ấn riêng, làm nổi bật lên bản sắc văn hóa của Khánh Hòa. |
Bên cạnh dấu ấn âm nhạc dân tộc, chương trình nghệ thuật năm 2016 của Đoàn CMN Hải Đăng còn in đậm dấu ấn biển đảo. Ở đó có điệu múa Thuyền thúng vẽ nên bức tranh sinh động về đời sống ngư dân vùng biển; có những bài hát mang khát vọng vươn khơi, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc như: Bám biển quê hương (Phạm Tuyên), Truyền thuyết Hoàng Sa, Trường Sa (Công Quế)… Cảm hứng tự hào được đẩy cao hơn với ca khúc Nắng ấm về trên Tổ quốc (Trần Khánh) qua giọng hát trữ tình của ca sĩ Trọng Khải. Chương trình khép lại với màn hát múa Tổ quốc ta cờ bay (Nguyễn Cường) hào hùng nhưng không kém phần trữ tình lãng mạn. “Kìa những con đường, những con đường xuyên rừng xuyên biển. Kìa những gương mặt, những thế hệ mang bao mơ ước. Cho tôi ôm vào lòng, ngọn cờ hồng trên tay. Cho tôi căng ngực hát Tổ quốc ta cờ bay…”, những ca từ ấy đã làm trào dâng tình yêu Tổ quốc thiêng liêng...
X.T