11:09, 14/09/2016

Chuyện nghề của những người làm báo hình trong quân đội

Trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quân tổ chức tại TP. Nha Trang, tối 13-9, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức giao lưu những người làm báo hình trong quân đội.

Trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quân tổ chức tại TP. Nha Trang, tối 13-9, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức giao lưu những người làm báo hình trong quân đội. Tại buổi giao lưu, các nhà báo đã chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là những kỷ niệm khó quên trong đời làm báo.


Đây là lần thứ 3 Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Dũng - Truyền hình Quân khu 4 tham gia truyền hình toàn quân. Anh chia sẻ: “Những ngày mới vào nghề với tôi là kỷ niệm không thể nào quên. Những ngày đầu tập quay, các cảnh, khung hình phải biên tập nhiều lần. Không chỉ thế, do đơn vị hạn chế về biên chế nên tôi kiêm luôn viết, là tay ngang chuyển qua nên khá vất vả. Khi được phát sóng chương trình đầu tiên, tôi vui vô cùng vì những nỗ lực không biết mệt mỏi đã được ghi nhận. Thế rồi dần dần, tôi được đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghiệp vụ, tham gia nhiều chương trình hội thảo, tay nghề dần khá lên”.

 

Những người làm báo hình giao lưu chuyện nghề
Những người làm báo hình giao lưu chuyện nghề


Tham gia Liên hoan truyền hình toàn quân lần này, Quân khu 9 có 1 chương trình quốc phòng toàn dân, 1 phim tài liệu và 2 phóng sự. Thượng tá Phan Thị Thanh Thủy, Tổng Biên tập báo Quân khu 9 chia sẻ: “Mỗi thể loại, chúng tôi đều xác định rõ tiêu chí để thực hiện, làm sao để có thể giới thiệu đến các đơn vị trong toàn quân đặc thù hoạt động của lực lượng vũ trang vùng sông nước Cửu Long; khắc họa rõ nét sự kiên cường, dũng cảm của thế hệ cha anh trong chiến đấu, tình cảm đồng chí, đồng đội trong kháng chiến, thời bình, những lúc khó khăn gian khổ luôn kề vai, sát cánh bên nhau”.


Trong khi đó, Đại úy Vũ Ngọc Duy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Dương bày tỏ: “Lần đầu tiên tham gia Liên hoan truyền hình toàn quân, tôi thấy đây là cơ hội rất lớn để giao lưu, tìm hiểu về kỹ thuật làm truyền hình, đồng thời thông qua các tác phẩm của đơn vị bạn để rút kinh nghiệm cho mình. Hy vọng sau liên hoan, chúng tôi sẽ có những đổi mới về phương pháp cũng như cách thức tiến hành, tránh đi theo một lối mòn, gây nhàm chán cho người xem”.


Tham gia Liên hoan truyền hình toàn quân lần này, hầu hết những người làm báo hình là các nhà báo không chuyên. Họ thường làm ở nhà văn hóa, ban tuyên huấn, chính trị bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành, các quân khu, quân đoàn, học viện, nhà trường… Tuy không chuyên nhưng nhờ có lòng yêu nghề, tình yêu quê hương mà không ít phóng viên, biên tập viên đã vượt qua những khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy để có được những tác phẩm hay mang hơi thở cuộc sống. Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Văn Điệp - nhân viên tuyên huấn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa bộc bạch: “Với tôi, những lần tham gia quay phòng, chống lụt bão, giúp nhân dân khắc phục thiên tai là những kỷ niệm khó quên. Có lần do mong muốn có được những khung hình nóng, thời sự phản ánh hoạt động bộ đội cứu dân vùng lũ, tôi không may bị trượt chân rơi xuống dòng nước lũ. May mắn là tôi đã kịp bỏ máy lên ca nô và chỉ bị ướt người, những thước phim đó sau này đã giúp tôi đoạt giải vàng trong Liên hoan truyền hình toàn quân năm 2011”.


Trong khuôn khổ đêm giao lưu, những người làm báo hình còn được nghe những chia sẻ về nghề của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng - Phó Giám đốc hãng phim truyền hình, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Theo đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, những người làm báo hình trong quân đội đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Tuy không được học tập bài bản, lại thường kiêm nhiệm nhưng những năm qua, chất lượng các tác phẩm của những người làm báo hình trong quân đội rất tốt. Xu hướng hiện nay của phóng viên truyền hình trên thế giới là đa dạng, đa năng, có thể tự quay, viết và dựng, tức là ba trong một. Hiện nay, những người làm báo hình trong quân đội của chúng ta đang làm được điều đó. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng.


MẠNH HÙNG