10:09, 06/09/2016

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội Cầu Ngư

Sở Văn hóa - Thể thao đang thực hiện Dự án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu Ngư giai đoạn 2016 - 2017" theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết:

Sở Văn hóa - Thể thao đang thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu Ngư giai đoạn 2016 - 2017” theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết:


- Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của lễ hội còn nhiều khó khăn, một số di sản văn hóa vật thể, phi vật thể liên quan đến tín ngưỡng Cầu Ngư chưa được quan tâm đầu tư tương xứng. Vì vậy, ngành Văn hóa đã đề nghị và được UBND tỉnh cho phép thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu Ngư giai đoạn 2016 - 2017” nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa cư dân vùng biển, đảo ở Khánh Hòa. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện ở các địa phương có thiết chế thờ tự Thần Nam Hải (cá voi): Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Lâm, Cam Ranh.


Mục tiêu của dự án là bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của lễ hội Cầu Ngư trên cả hai phương diện văn hóa vật chất (thiết chế thờ tự, sắc phong, đạo cụ, trang phục…) và văn hóa tinh thần (truyền thuyết, nghi thức hành lễ, hò Bá Trạo, các hoạt cảnh ca múa dân gian...). Dự án sẽ góp phần tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa của lễ hội Cầu Ngư là một trong những lễ hội đặc sắc mang đậm giá trị văn hóa biển, đảo; qua đó khơi dậy ý thức tự hào và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc tự nguyện gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ mai sau về giá trị di sản văn hóa độc đáo này; nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp (nhất là cán bộ làm công tác văn hóa), cộng đồng và xã hội về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa. Đồng thời, dự án cũng đặt mục tiêu quảng bá và giới thiệu giá trị tiêu biểu của lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng biển, đảo Khánh Hòa đến du khách trong và ngoài nước; góp phần vào việc khẳng định lịch sử - văn hóa - chủ quyền biển, đảo Việt Nam.


- Ông có thể cho biết những việc phải làm khi tiến hành dự án?


- Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện từng phần công việc theo tiến độ thời gian. Theo đó, trong năm 2016, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương thống kê thiết chế thờ tự có liên quan đến lễ hội Cầu Ngư; tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá toàn bộ về hiện trạng lễ hội Cầu Ngư trên địa bàn tỉnh. Kết quả của việc điền dã thực tế sẽ là cơ sở để xác định giá trị, sức sống của lễ hội trong cộng đồng dân cư ở các địa phương; đồng thời đánh giá được mức độ bảo tồn các thiết chế thờ tự thần Nam Hải, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, thích hợp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Sau khi có kết quả cụ thể, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh hỗ trợ kinh phí cho việc tu bổ các di tích đã được xếp hạng nhưng chưa được trùng tu; đồng thời, dự án cũng sẽ thực hiện việc tư liệu hóa, số hóa di sản văn hóa lễ hội Cầu Ngư thông qua việc quay phim, chụp hình tư liệu, ghi chép, phỏng vấn ghi âm…

 

 Hò Bá trạo trong lễ hội Cầu Ngư
Hò Bá trạo trong lễ hội Cầu Ngư


Trong năm 2017, chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa để tiến hành thực hiện lễ hội Cầu Ngư (làm điểm), trên cơ sở đó sẽ xuất bản 1 cuốn sách và 1 DVD về lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa.  Dự án cũng sẽ hướng dẫn cho các cộng đồng dân cư có thiết chế thờ tự thần Nam Hải xây dựng đội hò Bá Trạo riêng…; xây dựng, duy trì chuyên mục lễ hội Cầu Ngư trên website của Sở Văn hóa - Thể thao; từng bước đưa du khách tham quan trực tiếp các lễ hội Cầu Ngư được tổ chức ở các địa phương…


- Xin cảm ơn ông!


X.T (Thực hiện)