10:08, 19/08/2016

Nhớ những vần thơ về mùa thu cách mạng

71 năm đã qua kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, cứ mỗi độ thu về trong lòng người Việt lại trào dâng niềm tự hào về một trang sử hào hùng của dân tộc. Hình ảnh "toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày…" khởi nghĩa giành chính quyền...

71 năm đã qua kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, cứ mỗi độ thu về trong lòng người Việt lại trào dâng niềm tự hào về một trang sử hào hùng của dân tộc. Hình ảnh “toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày…” khởi nghĩa giành chính quyền đem lại độc lập tự do cho nước nhà vẫn còn vang vọng trong những vần thơ hào hùng.


Nhớ về mùa thu cách mạng năm 1945, người yêu thơ chắc hẳn sẽ nhớ ngay những vần thơ như dòng thác cách mạng trào dâng của nhà thơ Tố Hữu: Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời (Huế tháng Tám). Bao nhiêu hờn căm, bao nhiêu uất ức của kiếp lầm than nô lệ nay đã biến thành sức mạnh làm nên một cuộc đổi thay vô tiền khoáng hậu, đem lại độc lập tự do cho nước nhà sau hơn 80 năm chịu cảnh nô lệ. Trong niềm vui bất tận, nhà thơ cất cao tiếng hát đầy tự hào và kiêu hãnh: Gió ơi gió! Hãy làm giông làm tố/Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi/Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác/Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc/Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm/Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm! Niềm vui như vỡ òa qua từng câu thơ. 15 năm sau, khi viết Ba mươi năm đời ta có Đảng, nhà thơ vẫn còn lâng lâng trong men say của mùa thu cách mạng: Bắc Trung Nam khắp ba miền/Toàn dân khởi nghĩa! Chính quyền về tay/Lời Đảng gọi, một ngày sấm nổ/ Biển người dâng ngập phố ngập đồng/Mùa thu Cách mạng thành công/Mùa thu đây, hỡi cờ hồng vàng sao.

 

Khởi nghĩa tháng Tám
Khởi nghĩa tháng Tám


Không riêng gì Tố Hữu - ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, tinh thần Cách mạng tháng Tám đã truyền cảm hứng cho nhiều thi sĩ làm nên những vần thơ hứng khởi đến diệu kỳ. Nhớ lại giờ phút thiêng liêng cả dân tộc đứng lên giành chính quyền, nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết những câu thơ đầy tính sử thi: Súng nổ rung người giận dữ/Người lên như nước vỡ bờ/Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước). Cũng trong nguồn mạch hứng khởi ấy, nhà thơ Trần Huyền Trân nhìn Cách mạng tháng Tám như một cơn mưa rào mát lành làm trôi đi bao nhiêu đau khổ của dân tộc Việt Nam: Một sáng tung cờ đỏ/Bố về với súng gươm/Mừng lau hàng lệ rỏ/Mắt mẹ tan mù sương/Tám mươi năm bụi phủ/Mưa rào phút sạch trơn (Bố về). Từ chiến khu D, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ cũng đã thể hiện khí thế cách mạng của quân dân miền Nam trong những ngày tháng Tám lịch sử: Những tròng mắt bừng bừng ánh lửa/Gót chân chai giậm vỡ nhựa đường/Biển cờ đỏ sao vàng/Dâng ngập trời Nam Bộ” (Du kích Đồng Nai)… Không thật hoa mỹ, nhưng nhà thơ Xuân Thủy cũng ghi lại được cảnh tổng khởi nghĩa của toàn dân Việt Nam mùa thu năm ấy: Từ Hà Nội, đến Huế, Sài Gòn/Từ bản muôn xa đến xã thôn/Sóng cuộn biểu tình lên lớp lớp/Đỏ rừng cờ nghĩa, trắng rừng gươm (Tổng khởi nghĩa). Ở thời điểm phim ảnh chưa phát triển, những vần thơ hào hùng ấy đã thực sự góp phần không nhỏ trong việc khắc họa, truyền tải khí thế cách mạng của quân dân Việt Nam.


Cách mạng tháng Tám đã mở ra một chân trời mới cho đất nước. Đất nước được giải phóng, người người hồ hởi đón nhận luồng gió mới. Trước chiến công kỳ vĩ của dân tộc, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từ bỏ những vần thơ buồn để viết trường ca Ngọn quốc kỳ khắc họa lá cờ Tổ quốc. Gió reo! Gió reo, gió Việt Nam reo/... Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!/Những ngực nén hít thở ngày độc lập/Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp. Nhà thơ say sưa cảm nhận cuộc sống mới với một nguồn thơ mới yêu đời, tươi sáng: Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo/Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt/Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết/Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay...”.


Tổng khởi nghĩa liên tiếp giành thắng lợi trên cả nước giúp cho cuộc Cách mạng tháng Tám thành công nhanh chóng. Ngày 2-9-1945, giữa Quảng trường Ba Đình vàng tươi sắc nắng, tràn ngập cờ đỏ sao vàng và hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt đồng bào cả nước, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhớ lại khoảnh khắc diệu kỳ đó, nhà thơ Xuân Thủy xúc động đến trào nước mắt: Chao ôi nước mất nhà tan/Hôm nay lại thấy giang san bốn bề (Ngày độc lập)...

 
Một mùa thu nữa lại về, đất nước hân hoan trong niềm vui mới. Đọc lại những vần thơ về Cách mạng tháng Tám, lòng lại trào dâng niềm tự hào về trang sử vẻ vang của dân tộc.


THÀNH NGUYỄN