Dự kiến, ngày 20-9, Nhà hát Nghệ thuật Dân gian Á Châu sẽ chính thức có buổi biểu diễn ra mắt tại Nhà Thiếu nhi tỉnh (62 Thái Nguyên, TP. Nha Trang).
Dự kiến, ngày 20-9, Nhà hát Nghệ thuật Dân gian Á Châu sẽ chính thức có buổi biểu diễn ra mắt tại Nhà Thiếu nhi tỉnh (62 Thái Nguyên, TP. Nha Trang).
7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại phòng tập của Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu (tầng 12 khách sạn Galina). Tại đây, các nghệ sĩ, diễn viên, biên đạo múa của nhà hát đang say sưa tập luyện cho buổi biểu diễn đầu tiên.
Tập luyện tiết mục múa “Hoa sen” |
Nhà hát này chính là ý tưởng của ông Lê Xuân Thơm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng. Ông Thơm chia sẻ, làm du lịch, đi nhiều nơi, ông thường được đưa đi xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống của nước bạn. Ông thật sự ngạc nhiên khi không ít các đoàn nghệ thuật ở Thái Lan, Campuchia, Singapore… thường biểu diễn một vài điệu múa phục vụ khách Việt Nam như: múa nón, hoa sen, biểu diễn áo dài… Từ đó ông nghĩ tới việc xây dựng đoàn nghệ thuật để phục vụ du khách và góp phần giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của dân tộc đến bạn bè thế giới; qua đó đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống ấy.
Đầu năm 2016, được sự đồng ý của UBND tỉnh, công ty thuê lại hội trường của Nhà Thiếu nhi tỉnh để đầu tư sân khấu và các thiết bị biểu diễn với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Việc biểu diễn của công ty sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn của Nhà Thiếu nhi tỉnh. Hiện nay, đơn vị thi công đang khẩn trương thực hiện để hoàn thành nhà hát vào đầu tháng 9.
Tập luyện tiết mục “Thiên thủ quan âm” |
Trong 1 tháng đầu, nhà hát sẽ biểu diễn mỗi ngày một suất vào 19 giờ. Thời gian sau đó, dự kiến mỗi ngày sẽ có từ 2 - 3 suất diễn (sáng - chiều - tối) tùy theo số lượng khách mà nhà hát đã ký kết với các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước. Thời lượng mỗi suất diễn từ 90 - 120 phút với những tiết mục nghệ thuật của các dân tộc, vùng miền trên khắp cả nước mà nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát đã dàn dựng, tập luyện. Tùy vào đối tượng khách đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào mà nhà hát sẽ có thêm những tiết mục để phục vụ du khách của quốc gia và vùng lãnh thổ đó. Nhà hát cũng áp dụng mức giảm giá 50% cho người dân Nha Trang. |
Song song đó, công ty còn mời NSƯT Hoàng Minh Tâm - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang về làm Giám đốc Nhà hát. Từ đầu năm 2016, ông Tâm đã về các địa phương, các trường, đoàn nghệ thuật trong cả nước để tuyển chọn nghệ sĩ, diễn viên. Sau thời gian tập luyện và chọn lọc, hiện nhà hát đã tuyển được 34 diễn viên múa, 12 diễn viên, người mẫu và hàng chục nhạc công. Để có được những tiết mục đặc sắc, nhà hát đã mời các nghệ sĩ, biên đạo múa nổi tiếng trong nước và quốc tế về dàn dựng, tập luyện cho các diễn viên cũng như trực tiếp biểu diễn và truyền nghề cho các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát.
Theo NSƯT, đạo diễn Hoàng Minh Tâm, những tiết mục do nhà hát dàn dựng và biểu diễn trong chương trình đầu tiên sẽ mang đậm nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, các vùng miền như: biểu diễn đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn đá, sáo trúc, đàn T’rưng…; các điệu múa vùng đồng bào Tây Bắc, Bắc Bộ, Cung đình Huế, múa Chăm…
Để chuẩn bị cho sự ra đời, hoạt động ổn định, lâu dài của nhà hát, ông Thơm đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều đối tác để ký kết, thống nhất việc đưa nhà hát vào một trong những điểm dừng chân trong tour du lịch, khám phá vùng đất Nha Trang, Khánh Hòa. “Hiện nay, du khách trên khắp thế giới đang chọn Việt Nam là điểm đến, vì vậy, việc đưa nghệ thuật dân tộc trở thành một nguồn lực để phát triển du lịch là điều tất yếu. Về lâu dài, nhà hát sẽ chú trọng xây dựng những tiết mục mang đậm nét văn hóa của đồng bào nơi đại ngàn Trường Sơn, Tây Nguyên, người dân vùng biển đảo để quảng bá và khẳng định chủ quyền của dân tộc…”, ông Thơm chia sẻ.
NAM PHONG