11:08, 23/08/2016

Chỉ cần một bài hát...

Trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, có người vất vả một đời với số lượng tác phẩm rất lớn nhưng không kiếm  được một vài tác phẩm để đời. Ấy vậy mà có nghệ sĩ chỉ sáng tác một vài tác phẩm nhưng lại nổi danh.

Trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật, có người vất vả một đời với số lượng tác phẩm rất lớn nhưng không kiếm  được một vài tác phẩm để đời. Ấy vậy mà có nghệ sĩ chỉ sáng tác một vài tác phẩm nhưng lại nổi danh. Đó chính là những tác phẩm được hình thành từ sự xuất thần của người nghệ sĩ, như vệt sao băng bùng cháy bầu trời nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc.

 

Nhạc sĩ Xuân Oanh với bài hát bất hủ “Mười chín tháng Tám”
Nhạc sĩ Xuân Oanh với bài hát bất hủ “Mười chín tháng Tám”


Chỉ với 2 bài Diệt phát xít và Người Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Đình Thi trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực âm nhạc. Bài Diệt phát xít được sáng tác trước ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Ông kể rằng, cùng với Văn Cao, Đỗ Nhuận hẹn với nhau rằng với khí thế hào hùng cách mạng thế này thì mỗi văn nghệ sĩ phải có tác phẩm để phục vụ cách mạng, vì thế ông sáng tác dạng “thi đua”. Không ngờ bài hát với tiết tấu nhanh, hào hùng lại có sức mạnh lan tỏa lớn lao trong quần chúng: Việt Nam bao năm ròng rên siết lầm than/Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang… Loài phát xít cướp thóc lúa... Bài hát này được ứng cử làm bài Quốc ca ở Đại hội Quốc dân Tân Trào, tuy nhiên Bác Hồ phân tích nên chọn bài Tiến quân ca của Văn Cao, còn bài Diệt phát xít được chọn làm nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam sau đó, cho tới tận hôm nay thực sự vang dội khắp năm châu qua sóng phát thanh. Đến bài Người Hà Nội thì giới nhạc sĩ đều kính nể trước một bài hát hay nhưng kết cấu lạ lùng không theo một quy luật nào, trở thành bài hát về Hà Nội hay nhất mọi thời đại. Danh từ Người Hà Nội bao hàm toàn bộ những nét hào hoa, thanh lịch của đất văn hiến nghìn năm. Người Hà Nội được làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh -Truyền hình Hà Nội, luôn được vang trên sân khấu của những dịp lễ trọng đại như Cách mạng tháng Tám hay giải phóng thủ đô 10-10. Khi được hỏi sao không sáng tác tiếp, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cười khiêm tốn rằng, vốn âm nhạc của ông chỉ tới đó, không làm được nữa. Nhưng chỉ 2 bài này thôi thì khó có nhạc sĩ nào sánh được “chút thoáng qua” âm nhạc của con người tài hoa này.


Cũng chỉ một bài, theo bước chân quần chúng cách mạng Mười chín tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh đã  được ví như  La Marseillaise (Quốc ca Pháp). Nhạc sĩ kể, bài hát được sáng tác trong lúc diễu hành khởi nghĩa, vừa đi vừa sáng tác nên đúng nghĩa là hơi thở cuộc sống, nó sống mãi với ngày 19-8 - Cách mạng tháng Tám bất diệt. Ít tháng sau, ở miền Nam cũng vang lên bài Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn: Mùa thu này, ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến... cũng được sáng tác cùng khói lửa của súng kíp, gậy tầm vông chống giặc Pháp xâm lược Nam Bộ.


Tiếp nối có thể kể những nhạc sĩ chỉ cần một bài cũng trở lên nổi tiếng như thời chống Mỹ có Nguyễn Chí Vũ với Dáng đứng Việt Nam phổ thơ Lê Anh Xuân, Ánh Dương với Chào em cô gái Lam Hồng, Lưu Cầu với Miền Nam nhớ mãi ơn Người… Thời hòa bình có Nguyễn Đăng Nước - Chúng con canh giấc ngủ cho Người, Thái Văn Hóa - Đất nước nơi đầu sóng, Dân Huyền - Bên Lăng Bác Hồ, Nguyễn Đình Phúc - Tiếng đàn bầu, Văn Thành Nho - Đất nước lời ru…


Xin trở lại đầu năm 1957 có một bài hát nổi tiếng làm chấn động giới âm nhạc khi đó - Tình ca Tây Bắc của một nhạc sĩ trẻ chưa được học nhạc Bùi Đức Hạnh. Bài hát đã vẽ lên một miền Tây Bắc vừa hùng vĩ vừa nên thơ trữ tình. Mặc dù trước đó, trong kháng chiến chống Pháp có những bài rất nổi tiếng về Điện Biên nhưng với Tình ca Tây Bắc thời hòa bình thì thật khó sánh nổi. Người ta tưởng rằng sau bài hát này Bùi Đức Hạnh sẽ tiếp tục sáng tác được thêm nhiều tình ca khác lộng lẫy hơn, nhưng nhạc sĩ lại rẽ sang lĩnh vực chèo cho tới tận hôm nay.


Có ai nghĩ vào năm 1980 đầy khó khăn, một cô giáo ở Hà Nội tên Lệ Giang lại viết một bài hát ca ngợi Tổ quốc vừa lãng mạn vừa hiện thực - Đất nước tình yêu: Khi em nói, yêu anh, vườn cây đầy hoa trái/Khi anh nắm, tay em… mây giăng giăng bay chỉ còn ánh trăng mời/Và khi chúng ta yêu nhau chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm. Cho tới tận hôm nay, đây vẫn là bài hát ca ngợi Tổ quốc hay nhất, ấm nồng mới mẻ như hơi thở tình yêu. Sau đó, người ta nghĩ Lệ Giang sẽ trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp có thêm bài hát nữa, nhưng chị đã ẩn mãi vào vườn cây trái xanh tươi của mình.


Bài hát Hà Tây quê lụa của nhạc sĩ Nhật Lai được NSND Quốc Hương và ca sĩ Trọng Tấn biểu diễn, người nghe vẫn thấy dâng trào cảm xúc về miền quê xứ Đoài mây trắng với sông Đà núi Tản. Nhật Lai sáng tác bài hát đúng vào những năm tháng bầu trời Hà Tây đầy máy bay Mỹ. Người nhạc sĩ quê Phú Yên (là anh trai của nhà thơ Nguyễn Mỹ, tác giả của Cuộc chia ly màu đỏ) vốn chỉ sáng tác nhạc múa hay dân tộc nhưng chút tạt qua đã làm nên một ca khúc thuộc hàng “địa phương ca” kinh điển.


Ai không biết bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ - nghệ sĩ kịch điện ảnh nổi tiếng Bắc Sơn. Đây là bản nhạc ông viết cho một vở kịch trước năm 1975. Cho tới hôm nay, khi người nghệ sĩ tài hoa đã khuất nhưng vị rau đắng thiết tha, xao xác buồn của bài ca vẫn thấm trong lòng người.


Trong số những nhạc sĩ sinh sống ở Khánh Hòa có thể nhắc đến nhạc sĩ Văn Chừng với bài hát nổi tiếng duy nhất Vui mùa chiến thắng được danh ca Lê Dung thể hiện rất thành công; nhạc sĩ Tố Hải với Sông Đắc Rông mùa xuân về; nhạc sĩ Bằng Linh với Tiếng đàn đá Khánh Sơn; nhạc sĩ Hình Phước Long - Gần lắm Trường Sa… thực sự ấn tượng với công chúng.


Đời nghệ sĩ đôi khi chỉ cần một bài, nhưng đó thực sự là đỉnh núi cao của sáng tạo, và nếu đạt được sẽ là một niềm hạnh phúc lớn lao.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG