Việt Nam đang là một trong nhiều quốc gia hứng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, việc chủ động ứng phó với vấn nạn này đang là chiến lược mang ý nghĩa sống còn của đất nước.
Việt Nam đang là một trong nhiều quốc gia hứng chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, việc chủ động ứng phó với vấn nạn này đang là chiến lược mang ý nghĩa sống còn của đất nước. Chính vì vậy, ngày 3-6-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI đã ra Nghị quyết số 24 về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Cùng với Nghị quyết 24, ngày 22-4-2016, nhân ngày Quốc tế Trái đất, 175 nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) cùng tổ chức Liên hợp quốc đã tham gia lễ ký vào Hiệp định Paris về BĐKH diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc New York (Hoa Kỳ). Đây là sự khẳng định của các quốc gia thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH với thỏa thuận tại Hội nghị COP. 21 Paris tháng 12-2015, tạo cơ sở pháp lý để văn bản này chính thức có hiệu lực, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Nhân dịp này, ngày 14-10-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Việt Nam chủ động ứng phó với BĐKH” gồm 4 mẫu: Mẫu tem 1: giá mặt 3.000đ - “Bảo vệ môi trường sống”; mẫu tem 2: giá mặt 3.000đ - “Thông tin toàn diện kịp thời”; mẫu tem 3: giá mặt 4.500đ - “Môi trường đô thị xanh sạch”; mẫu tem 4: giá mặt 12.000đ - “Chung tay bảo vệ trái đất”.
Bộ tem do họa sĩ Tô Minh Trang thiết kế với nhiều hình tượng biểu trưng, màu sắc tươi sáng, mỗi mẫu tem đều có diềm răng cưa màu riêng biệt. Cả bộ tem hợp lại như một chùm hoa tươi rực rỡ trong sự sống của môi trường trong lành. Phát hành cùng với bộ tem còn có 1 mẫu phong bì FDC bằng giấy mộc, góc phong bì in hình cây cổ thụ, lá xanh tốt là hình bản đồ 5 châu, tượng trưng cho sự sống của trái đất. Trên FDC còn được đóng dấu kỷ niệm đặc biệt mang dòng chữ tên của bộ tem và ngày phát hành đầu tiên tại Hà Nội 14-10-2015.
Có thể nói, đây là bộ tem đầu tiên về BĐKH của thế giới được phát hành theo chủ trương hành động của Nghị quyết 24 - Việt Nam chủ động ứng phó với BĐKH. Cùng với 175 nước và tổ chức quốc tế, Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết ứng phó với BĐKH và Chính phủ Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp định COP. 21 Paris trong năm nay, đồng thời tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra nhằm từng bước hướng tới mô hình phát triển kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng cường xanh, bởi đó là giải pháp có tính dài hạn và quyết định cho sự nghiệp phát triển đất nước bền vững.
PHẠM KHÁNH HỒNG