08:06, 10/06/2016

Người hồi sinh những điệu múa Chăm

Nói đến múa Chăm, tên tuổi được biết đến nhiều nhất chắc chắn là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Hùng. Tuy nhiên, ít người biết để có những tác phẩm múa quạt, múa trống…

 

 

Nói đến múa Chăm, tên tuổi được biết đến nhiều nhất chắc chắn là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đặng Hùng. Tuy nhiên, ít người biết để có những tác phẩm múa quạt, múa trống… đầy quyến rũ đó, NSND Đặng Hùng đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu. Đặc biệt, dựa vào điêu khắc Chăm, ông đã phục hồi được điệu múa cung đình Chăm (Apsara).

Đam mê...

Biết NSND Đặng Hùng đã lâu, nhưng phải đến khi ông từ TP. Hồ Chí Minh ra dựng vũ đạo cho vở tuồng Chuyện tình bên tháp cổ (kịch bản Nguyễn Sĩ Chức, đạo diễn Vũ Tiến Thêm) của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, tôi mới có dịp chuyện trò cùng ông. Chuyện đời của ông cũng chính là chuyện đi tìm những nét đẹp của nghệ thuật múa các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là múa Chăm.

Quê ở Bình Định, 18 tuổi chàng thanh niên Đặng Hùng - Đoàn Văn công Liên khu V lên đường tập kết ra miền Bắc, rồi được phân về Đoàn Ca múa miền Nam. Dù ước mơ được trở thành diễn viên múa, nhưng ông chỉ được cử đi học lớp phóng thanh, chuyển sang làm hậu đài. Năm 1958, lớp múa đầu tiên là tiền thân của Trường Múa Việt Nam hình thành, chuyên gia người Triều Tiên Chu Huệ Đức trực tiếp giảng dạy. Vì lòng đam mê, ông tìm cách vào lớp học này và trở thành một trong những học viên xuất sắc có khả năng biên đạo tốt. Năm 1962, NSND Đặng Hùng đoạt huy chương vàng (HCV) Liên hoan múa quốc tế ở Helsinki (Phần Lan) với tiết mục múa Tuần đuốc trong vai trò biên đạo. Vài năm sau, liên hoan múa ở Sofia (Bungari), ông lại đoạt HCV với tiết mục múa Con ngựa bất kham khi đảm nhận luôn vai trò diễn viên. “Tôi thấy trong tuồng có rất nhiều động tác vũ đạo có thể phát triển thành tiết mục múa độc lập. Cả 2 tiết mục múa Tuần đuốc và Con ngựa bất kham tôi đều “lẫy” ra từ tuồng”, NSND Đặng Hùng chia sẻ.

Thành công là vậy, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn ông luôn bị ám ảnh bởi hình tượng những vũ điệu Chăm. Hình ảnh các phù điêu, tượng ở các đền tháp Chăm đã in sâu vào ký ức ông, như chỉ chờ ngày được đánh thức. Năm 1967, ngay trên đất Bắc, Đặng Hùng kết hợp với nhạc sĩ Nhật Lai để dàn dựng điệu múa Phiên chợ Chăm Pa. Tuy nhiên, phải đến sau khi đất nước giải phóng ông mới có dịp đi sâu nghiên cứu, sáng tạo về múa Chăm. Sau năm 1975, nghệ sĩ Đặng Hùng theo Đoàn Ca múa miền Nam về TP. Hồ Chí Minh rồi được điều ra xây dựng Đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải (nay là Ninh Thuận và Bình Thuận). Trong khoảng 10 năm, ông đã đi khắp miền Trung để nghiên cứu về múa Chăm. “Tôi đã vào các làng Chăm để hỏi chuyện người già về múa quạt, bỏ công sức để nghiền ngẫm các tượng và phù điêu ở những tháp Chăm để hình dung ra điệu múa cung đình Chăm xa xưa”, NSND Đặng Hùng nói.

... và sáng tạo

Với tâm huyết, trí tuệ, bằng sự tiếp nhận và sáng tạo riêng, đầu thập niên 80, nghệ sĩ Đặng Hùng cho ra đời hàng loạt tác phẩm múa quạt, múa trống… gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn. Đặc biệt, ông đã phục hồi được điệu múa cung đình Chăm (Apsara). Tại hội diễn ca múa nhạc toàn quốc năm 1985, tác phẩm múa Khát vọng cuả ông đã gây được tiếng vang lớn. Những tượng đá cổ như Apsara, Shiva đứng trầm tư nay đã thành những hình tượng biết nói, có hồn và đầy sức sống. Thời gian sau đó, ông tiếp tục cho ra đời nhiều điệu múa đặc sắc khác như: Shiva, Lên tháp, Được mùa, Vũ nữ Trà Kiệu… 

 Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng chỉ đạo diễn viên  Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tập luyện cho vở diễn “Chuyện tình bên tháp cổ”.
Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Hùng chỉ đạo diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tập luyện cho vở diễn “Chuyện tình bên tháp cổ”.

Ngoài tiết mục múa độc lập, ông còn phát triển thành kịch múa, kịch hát mang đậm yếu tố văn hóa Chăm. “Tôi rất mê những điệu múa Chăm, càng học tập, nghiên cứu, tôi càng thấy văn hóa Chăm là cả một di sản tinh thần vô giá, một mỏ vàng cần được khai thác thận trọng, nghiêm túc. Điều tôi lo ngại nhất, bây giờ rất nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng múa Chăm nhưng lại không hiểu về nguyên lý của múa Chăm, nếu không có sự hướng dẫn, chấn chỉnh sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng “loạn” múa Chăm”, NSND Đặng Hùng trăn trở.

Trong suốt mấy mươi năm làm nghề, NSND Đặng Hùng có khá nhiều kỷ niệm với Khánh Hòa. Những năm sau giải phóng, ông đã dành nhiều thời gian đến Tháp Bà Ponagar nghiên cứu các bức tượng, phù điêu Chăm để xây dựng các tiết mục múa. Ông đã nhiều lần dàn dựng tiết mục múa Chăm cho Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng dự hội diễn toàn quốc. Ngoài ra, ông còn tham gia dàn dựng cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh các vở: Thanh gươm hát bội, Huyền thoại Mẹ xứ sở…, mới nhất là Chuyện tình bên tháp cổ.

NSND Đặng Hùng đạt được nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế, gồm: 2 HCV quốc tế, 41 HCV quốc gia, 32 huy chương bạc quốc gia, 21 giải thưởng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 1989; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2000 với một chùm các tác phẩm múa.

Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức bày tỏ: “Ngày xưa múa Chăm chỉ gắn liền với lễ hội dân gian, nhờ có sự nghiên cứu, sáng tạo của NSND Đặng Hùng, các nghệ thuật múa ấy mới được đưa lên sân khấu trình diễn, từ đó công chúng biết đến múa Chăm nhiều hơn. Sự tham gia của ông góp phần không nhỏ đến thành công các vở diễn có nhiều yếu tố văn hóa Chăm”. Điều nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức và những người từng làm việc với NSND Đặng Hùng đều ca ngợi đó là tinh thần làm việc hết mình, rất tình cảm của ông trong công việc. Dù là một cây đa, cây đề trong làng múa Việt, nhưng ông không bao giờ có thái độ kẻ cả, thay vào đó tận tình chỉ bảo cho các diễn viên, đồng nghiệp trẻ về nghề. 

Nhìn NSND Đặng Hùng tóc trắng như cước bất chấp cái nóng hầm hập hăng say tập luyện cho các diễn viên, tôi tin những lời nhận xét của họ xuất phát từ tình cảm yêu mến đối với ông chứ không chỉ là những lời xã giao.

THÀNH NGUYỄN