09:06, 03/06/2016

Có một tình bạn tri kỷ trong âm nhạc

Chương trình Giai điệu tự hào (phiên bản mới) đã chọn nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy - hai cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam để "khởi hành"một chặng đường mới.

Chương trình Giai điệu tự hào (phiên bản mới) đã chọn nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy - hai cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam để “khởi hành”một chặng đường mới. Điều làm nhiều khán giả thích thú với chương trình này không chỉ là được nghe lại những tác phẩm nổi tiếng của hai nhạc sĩ tài danh, mà qua đó còn hiểu sâu hơn về tình bạn, tình tri kỷ trong âm nhạc của họ.


Khác với những chương trình phiên bản cũ, trong phiên bản mới, êkip thực hiện đã dàn dựng lại các clip mang không khí thập niên 40 - 50 để giới thiệu về bối cảnh ra đời những tuyệt phẩm của Văn Cao, mở đầu là Buồn tàn thu được viết năm 1939 khi ông mới 16 tuổi. Trong “khởi hành”, khán giả còn được nghe lại những sáng tác bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao như: Bến xuân (Đàn chim Việt), Bắc Sơn, Tiến quân ca, Trường ca sông Lô, Mùa xuân đầu tiên, Thiên Thai…, cùng với đó là các bài hát: Bà mẹ quê, Tình ca, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà… của Phạm Duy. Những ca khúc này được phối khí, dàn dựng lại qua sự thể hiện của các ca sĩ: Trọng Tấn, Hà Anh Tuấn, Tùng Dương,  Mỹ Linh… đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe.

 

Nhạc sĩ Văn Cao và ...
Nhạc sĩ Văn Cao


Đặc biệt, chương trình đã dành khá nhiều thời lượng đề cập đến tình bạn, con đường âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Ít người biết nhạc sĩ  Phạm Duy đến với âm nhạc với vai trò ca sĩ (ông là giọng ca tân nhạc trong gánh hát Đức Huy - Charlot Miều). Ông cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc Buồn tàn thu của Văn Cao. Trong hồi ký Nhớ, nhạc sĩ Phạm Duy kể rằng ông quen nhạc sĩ Văn Cao trong một lần đi diễn ở Hải Phòng. Trước đó, tuy chưa gặp Văn Cao nhưng Phạm Duy đã biết đến tài soạn nhạc của người nhạc sĩ trẻ qua những bài hùng ca: Vui lên đường, Gió núi, Đống Đa, Thăng Long hành khúc… Nhớ về lần gặp đầu tiên, Phạm Duy viết: “Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều…”.  Cũng chính nhạc sĩ Văn Cao đã khuyến khích Phạm Duy đi vào con đường sáng tác ca khúc.

 

Theo nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao): Sau Cách mạng tháng 8, Văn Cao gặp lại Phạm Duy ở Hà Nội, hai người thường xuyên gặp nhau ở phòng trà trên góc phố Hàng Gai. Đến khi toàn quốc kháng chiến, nhạc sĩ Văn Cao được lệnh đưa giới văn nghệ rời thủ đô. Văn Cao khuyên Phạm Duy đi tản cư để tiếp tục sinh hoạt văn nghệ phục vụ nhân dân nhưng Phạm Duy chưa chịu đi ngay, bảo bao giờ đánh thật mới đi. Lo cho bạn, Văn Cao đưa cho Phạm Duy một tờ giấy giới thiệu có chữ ký của ông Võ Nguyên Giáp và dặn khi nào kháng chiến nổ ra thì tìm đến Đài Phát thanh để sinh hoạt. Khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, Phạm Duy sinh hoạt ở Đài Phát thanh rồi sau đó rút ra vùng tự do.

 

Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy


Năm 1947, nhạc sĩ Văn Cao nhận nhiệm vụ mở một quán cà phê ca nhạc ở Biên Thùy (Lào Cai) để thu thập tin tức phục vụ cho cách mạng. Tác giả của Tiến quân ca kéo Phạm Duy lên miền ngược biểu diễn âm nhạc, hai người lại có điều kiện cùng nhau đàm đạo về nghệ thuật. Vốn là một người phóng khoáng lại đào hoa, sau một thời gian, nhạc sĩ Phạm Duy đã quyết định chia tay bạn mình và tiếp tục con đường du ca, sau chuyển vào Nam sinh hoạt. Kể từ đó, con đường âm nhạc của họ ngày càng xa nhau, và hai người không bao giờ có dịp gặp lại nhau nữa. Trong hồi ký Nhớ, Phạm Duy viết: “Xa cách nhau trong một thời gian dài hơn một đời người, vào mùa xuân năm 1988, chúng tôi đã gửi cho nhau những nụ hôn bằng giấy mực. Qua những tấm hình mới chụp, Văn Cao yếu lắm rồi”. Đến khi Phạm Duy về nước,  nhạc sĩ Văn Cao đã thành người thiên cổ. “Thất bại lớn nhất trong đời là khi tôi trở về quê nhà sau 30 năm ở nước ngoài, tôi không gặp được một người mà tôi muốn gặp nhất, đó là Văn Cao”, nhạc sĩ Phạm Duy viết.


Trong cuộc sống đời thường, giữa Phạm Duy và Văn Cao hoàn toàn trái ngược: Nếu như Văn Cao trầm tính, khá nhút nhát trong tình yêu thì Phạm Duy lại rất phóng khoáng, đa tình. Tính cách khác nhau nhưng hai người có thể trở thành tri kỷ trong âm nhạc vì đều trọng cái tài của nhau. Theo họa sĩ Văn Thao, khi trả lời phỏng vấn của một cơ quan báo chí quốc tế về Phạm Duy, Văn Cao nói rằng: “Đứng về phương diện nghệ thuật, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho tân nhạc Việt Nam. Và theo tôi, Phạm Duy thực sự là một nhà văn hóa”. Phạm Duy cũng nhiều lần thể hiện sự mến trọng dành cho người bạn tri kỷ của mình. Trong một lần được mời sang giảng dạy tại khoa Phương Đông của một trường đại học bên Mỹ, Phạm Duy không ngại thổ lộ rằng: “Tôi có vinh dự ngày hôm nay là nhờ công rất lớn của Văn Cao - một người tôi coi như thầy”.


Trong chương trình Giai điệu tự hào, đề cập đến con đường âm nhạc của hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh đánh giá: Giữa Văn Cao và Phạm Duy không có cạnh tranh mà ngược lại luôn thúc đẩy nhau. Con đường họ lựa chọn dù khác nhau, nhưng ai cũng để lại dấu ấn và những thành công của riêng mình. Cùng đi kháng chiến với nhau, nhưng mỗi người tư duy một kiểu. Nếu như nhạc sĩ Văn Cao từ chỗ lãng mạn chót mùa đã chuyển sang những ca khúc hùng tráng, thì cũng trong môi trường ấy, Phạm Duy lại gửi tình mình vào những bản nhạc mang đậm chất dân ca, trữ tình kiểu như “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi ! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui…”.


Như một định mệnh, nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy cùng một điểm khởi hành, nhưng hai người lại đi theo những con đường khác nhau, làm nên những giá trị âm nhạc khác nhau, làm nên hai số phận khác biệt. May mắn thay, với tinh thần cởi mở, cuối cùng nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã về nước an hưởng tuổi già, nằm yên trong lòng mẹ Việt Nam.


THÀNH NGUYỄN