11:05, 26/05/2016

Nỗ lực bảo tồn văn hóa Raglai

Phòng Văn hóa thông tin TP. Cam Ranh đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình bảo tồn văn hóa cho người Raglai.

Phòng Văn hóa thông tin TP. Cam Ranh đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình bảo tồn văn hóa cho người Raglai.


Lo nền văn hóa Raglai bị mai một


Người Raglai ở TP. Cam Ranh sống tập trung chủ yếu tại xã Cam Thịnh Tây (5.038 khẩu); thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông (3.197 khẩu); thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam (87 khẩu) và tổ dân phố Phúc Sơn, phường Cam Phúc Nam (320 khẩu).

 

Nghệ nhân truyền lại cách đánh mã la cho thanh niên người Raglai ở Cam Ranh
Nghệ nhân truyền lại cách đánh mã la cho thanh niên người Raglai ở Cam Ranh


Theo Thạc sĩ Trần Kiếm Hoàng (Phòng Văn hóa thông tin TP. Cam Ranh), người Raglai xưa ở Cam Ranh chỉ sống thu hẹp trong khuôn khổ của các làng. Mọi giao tiếp, trao đổi hàng hóa, vật dụng bên ngoài đều do những người dân tộc khác (Chăm, Kinh) mang đến tận nhà, trao đổi tận nương rẫy. Các làng Raglai truyền thống sống không tập trung đông như các dân tộc ở Tây Nguyên khác, chỉ trên dưới 10 nóc nhà thưa thớt. Những năm gần đây, do sự phát triển tất yếu của xã hội đã đưa người Raglai tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Đây là nguyên nhân khiến nền văn hóa Raglai trên địa bàn ngày càng mai một.


Thống kê cho thấy, các nghệ nhân người Raglai ở Cam Ranh ngày càng ít. Hiện nay, chỉ còn 2 nghệ nhân là Hà Mẫu Đấng ở xã Cam Thịnh Tây và Cầm Lê Vưỡng ở xã Cam Phước Đông. Tuy nhiên, hai nghệ nhân này đã già yếu, còn lại một số người cao tuổi có hiểu biết văn hóa Raglai nhưng chỉ ở chừng mực. Hiện đa số thanh niên người Raglai dần tiếp thu văn hóa người Kinh và quên luôn văn hóa dân tộc mình. Có nhiều trường hợp còn không nói tiếng Raglai trước mặt người lạ, kể cả khi hai người Raglai nói chuyện với nhau.


“Tôi đi nhiều vùng người Raglai sinh sống, thấy người hiểu về phong tục, văn hóa Raglai còn rất ít. Một số nơi còn duy trì được lễ bỏ mả, lễ mừng múa mới…; còn lại lễ cúng thần rừng, lễ đền ơn đáp nghĩa, lễ hội bến nước… đã mai một hoặc thực hiện không đúng các thủ tục nguyên bản. Lễ hội đám cưới thì gần như theo người Kinh”, ông Hoàng cho hay.


 Nhiều chương trình bảo tồn


Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Cam Ranh cho biết, hàng năm, thành phố đều tổ chức tốt nhiều chương trình giao lưu nhằm giúp ôn lại truyền thống văn hóa dân tộc Raglai. Năm 2014, Phòng Văn hóa thông tin đã tổ chức thành công lớp học tiếng Raglai, thu hút hơn 100 người, chủ yếu cho giáo viên, cán bộ làm văn hóa ở các địa phương tập trung đông người Raglai sinh sống. Lớp học được tổ chức trong 3 tháng, giúp học viên nghe hiểu và nói cơ bản tiếng Raglai. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng giúp giáo viên, cán bộ hiểu được tiếng và văn hóa người Raglai, thuận tiện trong giao tiếp hàng ngày.


Tiếp sau đó, được Sở Văn hóa - Thể thao hỗ trợ kinh phí, phòng tiếp tục mở 3 lớp học đánh mã la, mời các nghệ nhân Raglai về dạy. Lớp học thu hút gần 100 học viên người Raglai, chủ yếu là thanh niên ở các xã Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông… Ngoài ra, năm 2015 còn mở được 2 lớp dạy hát dân ca Raglai cho các cháu thiếu nhi và thanh niên tại 2 xã Cam Thịnh Tây và Cam Phước Đông. Tại đây, nhiều cháu thiếu nhi, thanh niên người Raglai đã được các nghệ nhân truyền cách hát 6 làn điệu dân ca thông dụng như: hát ru, hát kể, hát giao duyên…


Mới đây, Phòng Văn hóa thông tin TP. Cam Ranh đã tổ chức triển khai thực hiện đề tài khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca tộc người Raglai trên địa bàn TP. Cam Ranh, do ông Nguyễn Quốc Bảo làm chủ nhiệm. Bên cạnh đó, phòng còn thực hiện nhiều đề tài khoa học về bảo tồn văn hóa Raglai khác nhằm thống kê, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào người Raglai.


Theo ông Bảo, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Raglai, không ai khác hơn mà chính người Raglai phải vừa là người hưởng thụ, vừa là khách thể, vừa là chủ thể của các giá trị văn hóa đó. Vì vậy, ngành Văn hóa tỉnh và huyện cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống văn hóa cho các huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác, khơi dậy những giá trị văn hóa tại chỗ làm nòng cốt. Bên cạnh đó, cần có biện pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể, gồm: tiếng nói, lễ hội, âm nhạc, truyện kể, trường ca, thành ngữ, tục ngữ, trò chơi dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, không gian văn hóa… Ngoài ra, cũng cần nâng chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Raglai trên Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, xây dựng chương trình truyền thanh bằng tiếng Raglai đối với các xã, phường có người Raglai cư trú…


VĂN KỲ