10:05, 24/05/2016

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Tình yêu còn để lại

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (vừa qua đời ngày 20-5) có nhiều năm tháng sống ở Nha Trang. Xứ Trầm Hương đã in đậm dấu ấn trong nhiều tác phẩm của ông, và ông cũng dành cho mảnh đất này nhiều tình cảm sâu nặng.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (vừa qua đời ngày 20-5) có nhiều năm tháng sống ở Nha Trang. Xứ Trầm Hương đã in đậm dấu ấn trong nhiều tác phẩm của ông, và ông cũng dành cho mảnh đất này nhiều tình cảm sâu nặng. Nhiều bạn bè văn nghệ vẫn nhắc đến ông như một người có tài ăn nói, kiến thức sâu rộng, số lượng tác phẩm đồ sộ...


Quê Nam Định nhưng sinh ra tại Sài Gòn, từ bé Nguyễn Khắc Phục (sinh năm 1947) đã nếm trải qua cuộc sống bất định, thiếu thốn, nay đây mai đó, gia đình ly tán hết Nam lại Bắc. Ông bén duyên văn chương, nghệ thuật từ khá sớm. Ngay từ khi còn học trung cấp hàng hải, ông đã có truyện ngắn đăng trên báo, viết kịch Người từ giã cuối cùng (sau này đạo diễn Đặng Nhật Minh dựng thành bộ phim truyện nhựa đầu tay Những ngôi sao biển). Sau khi học lớp bồi dưỡng nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam ở trại Quảng Bá, năm 1971, ông rời miền Bắc, khoác ba lô vượt Trường Sơn vào chiến trường Khu V làm công tác tuyên huấn và viết văn. Ngay những ngày tháng ấy, ông đã tỏ ra là một cây bút có tiềm năng, có thể viết nhiều thể loại khác nhau. “Nhà văn Nguyễn Khắc Phục là người viết nhanh, viết khỏe. Những năm tháng ở rừng ông đã kịp viết vở kịch Vườn thầy Năm, trường ca Ăn cốm giữa sân cùng nhiều truyện ngắn, thơ”, nhà văn Cao Duy Thảo  (người từng công tác với Nguyễn Khắc Phục ở chiến trường Khu V ngày ấy) nhớ lại.

 


Sau khi đất nước thống nhất, nhà văn Nguyễn Khắc Phục lập gia đình với một cô giáo người Nha Trang, đó chính là điểm khởi đầu đầy duyên nợ của ông với xứ Trầm. Công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam, cộng thêm cái thú “xê dịch”, nên chẳng mấy khi ông chịu ngồi yên ở thành phố biển. Suốt một thời gian dài ông cứ đi đi về về, nhưng những người yêu mến văn chương vẫn quý mến, coi ông như một đại diện của văn nghệ Nha Trang - Khánh Hòa. Đổi lại, ông rất sâu nặng nghĩa tình với mảnh đất này. Những tiểu thuyết của ông như: Đầu sóng, Thành phố đứng trước biển… cùng nhiều kịch bản phim nổi tiếng đều được ông viết trong những ngày tháng còn gắn bó với Nha Trang. Đặc biệt, ông đã cộng tác với Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa cho ra đời nhiều phim tài liệu: Lớn lên cùng thành phố quê hương, Khánh Hòa 350 năm - Một chặng đường lịch sử (2 tập), Đêm trước của sa mạc, Khúc tráng ca trên Đại lộ Nguyễn Tất Thành… cùng các phim truyện: Cầu nguyện trong sương mù (phim đề cập về tai nạn máy bay ở thung lũng Ô Kha, Khánh Sơn), Bí ẩn con số không. Ông cũng là tác giả kịch bản bộ phim truyền hình nổi tiếng Những đứa con thành phố (phản ánh về cuộc đấu tranh cách mạng ở Nha Trang năm 1945 - 1946) được khán giả màn ảnh nhỏ rất yêu thích; là người viết kịch bản để NSND Phạm Thị Thành đạo diễn tại lễ hội Khánh Hòa 350 năm vào năm 2003.


Những năm sau này, nhà văn Nguyễn Khắc Phục gần như chuyển hẳn ra Hà Nội, thi thoảng mới ghé Nha Trang. Thế nhưng, tình cảm bạn bè văn nghệ xứ Trầm Hương dành cho ông không vì thế mà phai nhạt. Khi đề cập đến nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà văn Cao Duy Thảo cho biết, chính ông là người đại diện cho nhà trai dự đám cưới của Nguyễn Khắc Phục mấy mươi năm trước. “Nguyễn Khắc Phục là người có vốn kiến thức rộng, có tài ăn nói nên rất dễ thuyết phục người nghe. Ông viết rất nhanh, khỏe. Giới cầm bút chúng tôi vẫn thường ví ông như gã lực điền trên cánh đồng chữ nghĩa, bởi số lượng tác phẩm mà ông sáng tác quá lớn…”, nhà văn Cao Duy Thảo bày tỏ.  


Nhà thơ Trần Chấn Uy, một người thân thiết với nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết: “Ông không chỉ là người tài năng mà còn rất quan tâm, nâng đỡ các cây bút trẻ. Chính ông đi xin giấy phép, liên hệ với nhà xuất bản để in tập thơ Forget me not của tôi… Trong việc làm phim, có những lần ông không lấy tiền nhuận bút kịch bản mà để lại cho anh em làm phim vì thương anh em”.


Bây giờ, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã đi xa, nhưng tình cảm của ông vẫn còn mãi. Riêng tôi từng có may mắn một lần trò chuyện với ông cứ nhớ đến cái đầu tóc rễ tre, giọng nói khỏe khoắn rất cuốn hút của ông.


THÀNH NGUYỄN

 




Nhà văn Nguyễn Khắc Phục có một số lượng tác phẩm rất đồ sộ: 12 tiểu thuyết (Học phí trả bằng máu, Cuối xuân, Khát vọng, Thăng Long, Hỗn độn…), 12 kịch bản phim truyện điện ảnh và truyền hình (Tự thú trước bình minh, Sơn ca trong thành phố, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Điệp khúc hy vọng, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Bình minh châu thổ, Những nẻo đường phù sa, Những đưa con thành phố…), 70 kịch bản đã dàn dựng trên sân khấu. Ngoài ra, ông còn là tác giả kịch bản cho hàng chục lễ hội, trong đó có lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Năm 2007, nhà văn Nguyễn Khắc Phục được giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật ở chuyên ngành Sân khấu.