10:05, 27/05/2016

Khu vườn tuổi thơ trong tranh họa sĩ Lê Văn Duy

Họa sĩ Lê Văn Duy vẽ nhiều đề tài, nhưng nổi bật nhất vẫn là tranh về thiếu nhi. Trong tranh của anh, tôi luôn cảm nhận được có khu vườn tuổi thơ đầy màu sắc, đem lại một cảm giác thân thương, ấm áp đến lạ kỳ.

Họa sĩ Lê Văn Duy vẽ nhiều đề tài, nhưng nổi bật nhất vẫn là tranh về thiếu nhi. Trong tranh của anh, tôi luôn cảm nhận được có khu vườn tuổi thơ đầy màu sắc, đem lại một cảm giác thân thương, ấm áp đến lạ kỳ.


Cách đây khoảng 10 năm, lần đầu tiên tiếp xúc với Lê Văn Duy, tôi đã rất ngạc nhiên bởi chất trẻ thơ trong tranh của anh. Còn nhớ, ngày ấy hỏi chuyện, Lê Văn Duy chia sẻ, quê ngoại anh ở Quảng Ngãi, mỗi lần hè về mấy anh em lại dắt díu về quê ngoại, hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên vui tươi thơ mộng. Ký ức về những lần thả diều trên đồng, bắt chim trong vườn… đã theo anh từ ngày đó đến tận bây giờ. Và mỗi khi vẽ tranh, dù đang ở phố thị đèn hoa rực rỡ, anh vẫn hướng về thế giới hồn nhiên ấy. Thật ra anh không chỉ vẽ tranh về thế giới tuổi thơ, bởi những ai gần gũi đều biết anh có những bức tranh phong cảnh rất giàu sức gợi, nhưng dường như chỉ khi vẽ tranh về thiếu nhi, anh mới đích thực là mình. “Trời phú cho mỗi người họa sĩ có một lợi thế riêng, với tôi đó là niềm hoài niệm, mơ tưởng về tuổi thơ. Tôi ngụp lặn trong miền ký ức ấy mà vẫn chưa đến được bến bờ”, họa sĩ Lê Văn Duy chia sẻ. Ngày Lê Văn Duy còn mở gallery Trầm Hương ở đường Trần Quang Khải, TP. Nha Trang, tôi đã bắt gặp những du khách nước ngoài thích thú với tranh của anh bởi nét hồn nhiên trong trẻo, cái chất Việt in dấu đậm nét trong tranh. Và anh cũng không thể nào nhớ hết bao nhiêu tranh của mình đã theo chân du khách ra nước ngoài.

 

Họa sĩ Lê Văn Duy (bên trái) tại triển lãm tranh khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên
Họa sĩ Lê Văn Duy (bên trái) tại triển lãm tranh khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên


Rồi tôi nhận ra, khu vườn trẻ thơ của Lê Văn Duy như ngày càng rộng ra, lung linh hơn. Vẫn là hình ảnh những em bé với những con vật thân thuộc như: gà, vịt, chó, mèo, trâu, dê… nhưng tranh của anh ngày càng giàu chất thơ hơn. Đơn cử như bức tranh vẽ nhà dê viên mãn hạnh phúc với một chú dê con đang được hoài thai của đôi dê; hay như bức tranh vẽ chú gà tựa chiếc nôi ẩn trong đó là đứa bé nằm ngủ, gợi nhớ đến tiếng gà xao xác trưa hè đã đi vào ký ức tuổi thơ. Những năm gần đây, anh có nhiều bức tranh về thế giới loài vật, những chú bé quen thuộc như đang trốn ở một góc nào đó để nhìn ngắm thế giới quanh mình. Màu sắc tươi tắn, tạo hình giản dị nhưng không kém phần sinh động, tranh về thế giới tuổi thơ của Lê Văn Duy luôn có sức hút với người yêu thích mỹ thuật. Riêng tôi, mỗi khi nhìn những bức tranh của anh lại như được trở về dòng sông tuổi thơ, tắm mát tâm hồn đang khô cằn bởi những lo toan của cuộc sống thường ngày. Một cánh diều chao nghiêng trên đồng, một chú mục đồng cưỡi trâu, 2 anh em đi chăn vịt bên hồ sen, em bé hái hoa dại trong vườn, một chú bọ ngựa giương kiếm sẵn sàng nghênh chiến với ai xâm phạm giang sơn của mình… tất cả làm sống dậy cả tuổi thơ nơi ruộng đồng. Lối vẽ tranh đồng hiện (nhiều tranh nhỏ trong một bức tranh lớn) của anh tỏ ra rất phù hợp với những bức tranh về thiếu nhi. Những gam màu xanh, nâu, vàng, tím… được anh sử dụng rất nhuần nhị, luôn ánh lên sự ấm áp vui tươi.


Họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhận xét: “Tranh của họa sĩ Lê Văn Duy có  tạo hình và cách nhìn rất riêng, không thể trộn lẫn. Trong thế giới nghệ thuật của anh, con người và loài vật chung sống với nhau rất yên bình; dường như ở đó không gợn chút vẩn đục của những lo toan, tất cả đều được nhìn qua đôi mắt trong veo của tâm hồn đầy trẻ thơ”.   


Mấy năm nay, họa sĩ Lê Văn Duy thôi không mở gallery mà lui về nhà riêng ở đường Kiến Thiết. Về nơi ở mới, anh làm việc cũng hiệu quả hơn. Giữa thời buổi mỹ thuật khá trầm lắng, nhưng anh vẫn bán tranh khá đều cho những mối quen. Nghệ thuật luôn cần công chúng, tuy nhiên Lê Văn Duy lại tự nhận mình là người ích kỷ trong nghệ thuật, anh vẽ trước hết để cho mình, để thể hiện cảm xúc của mình. “Khi vẽ tranh tôi để cây cọ trôi theo cảm xúc chứ không chủ đích vẽ tranh này cho trẻ con hay người lớn; cũng không cố làm dáng ra vẻ Việt Nam để chiều lòng khách quốc tế”, anh nói.


THÀNH NGUYỄN