10:05, 03/05/2016

Đạo diễn Roman Karmen và bản anh hùng ca "Việt Nam"

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã đánh dấu sự sụp đổ của thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhắc đến Điện Biên Phủ, nhiều người nhớ ngay đến bộ phim tài liệu Việt Nam (còn được gọi là Việt Nam trên đường thắng lợi) của đạo diễn Roman Karmen, được làm vào giai đoạn 1954 - 1955.

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã đánh dấu sự sụp đổ của thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhắc đến Điện Biên Phủ, nhiều người nhớ ngay đến bộ phim tài liệu Việt Nam (còn được gọi là Việt Nam trên đường thắng lợi) của đạo diễn Roman Karmen, được làm vào giai đoạn 1954 - 1955.


Phim thuật lại cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua lại bản quyền phim màu Việt Nam để phát sóng trên truyền hình, trước đó khán giả trong nước chỉ biết đến bản phim đen trắng. Trong phim, khán giả có thể nhìn thấu cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy, cảnh bộ đội xông lên tấn công hầm De Castries, đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân… Thế nhưng, Roman Karmen đã làm phim này như thế nào là điều ít người biết đến. Mãi đến năm 2015, khi cuốn bút ký Ánh sáng trong rừng thẳm của Roman Karmen (dịch giả Thúy Toàn, Nhà xuất bản Công an nhân dân phối hợp với Thái Hà Books ấn hành) ra đời, phần hậu trường của thiên anh hùng ca Việt Nam mới được hé mở.

 

Bìa cuốn bút ký “Ánh sáng trong rừng thẳm” của Roman Karmen
Bìa cuốn bút ký “Ánh sáng trong rừng thẳm” của Roman Karmen


Theo hồi tưởng của vị đạo diễn lừng danh này, ông cùng 2 nhà quay phim Evghenhi Mukhin và Vladimir Eshurin đến Việt Nam khi chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc. Họ đã đáp chuyến bay Moscow - Bắc Kinh, sau đó đi tàu lửa đến sát biên giới, rồi đi đường bộ sang Việt Nam. Vì thời gian gấp rút, các nhà làm phim Liên Xô đã chia làm 3 nhóm: R. Karmen làm phim ở chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ và quay cảnh về các lãnh tụ Việt Nam; nhóm do Eshurin phụ trách chuyên về cuộc sống của nhân dân Việt Nam đến khu IV; nhóm của Mukhin, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi, chuyên quay về quân sự, lên Điện Biên và nhiều tỉnh khác.


Theo ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhóm chủ yếu đi ban đêm để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Giao thông bị phá hủy nên hầu như mọi người phải đi bộ. Suốt 7 tháng, đạo diễn Roman Karmen cùng đoàn phim đã gặp gỡ rất nhiều nhân vật quan trọng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu, các nhà khoa học lừng danh như: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch; đi nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung để tiếp xúc người dân, tìm hiểu về mọi mặt đời sống Việt Nam như: nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục, nghệ thuật. Các nhà làm phim đã quay cảnh cải cách ruộng đất ở Thanh Hóa - Nghệ An; những người lính Điện Biên về gặp gỡ với đồng bào người Thái, ghi lại các bài ca điệu múa của đồng bào Thái, Mường; cảnh người dân đang tát nước, giã gạo bằng guồng nước; cảnh du kích chiến đấu. Để hiểu hơn về cuộc chiến, Karmen tìm gặp cả tướng De Castries để ghi lại suy nghĩ của ông về sự thất bại của Pháp ở Việt Nam, sự cần thiết phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Để tăng thêm sức hấp dẫn của phim, đạo diễn Karmen đã cho dàn dựng lại những cảnh đã qua dựa trên tư liệu thực tế: cảnh quân ta mang máy móc rời Thủ đô đi kháng chiến; cảnh kéo pháo vào trận địa; trận chiến giữa ta và địch ở Điện Biên Phủ… Khi dựng phim Việt Nam, ông còn sử dụng các thước phim tư liệu mà các nhà quay phim Quang Huy, Mai Lộc… đã quay trong lòng địch, như cảnh du kích nổ mìn phá đường sắt Hà Nội - Hải Phòng.


Đầu tháng 10-1954, các nhà làm phim của Liên Xô đã về thủ đô Hà Nội để ghi lại cảnh thực dân Pháp rời khỏi thủ đô, cảnh quân giải phóng tiến về tiếp quản thủ đô. “Đúng 7 giờ đoàn xe chở bộ binh Việt Nam vượt qua ngã tư và lăn bánh theo những chiếc xe bọc sắt. Tiếp theo sau  đoàn xe là bộ đội đi thành hàng giữa lòng đường. Và đến lúc này đã diễn ra một điều kỳ lạ, phố xá hoang vắng hầu như đang chết đi bỗng nhộn nhịp tưng bừng. Tiếng động cơ những chiếc xe bọc sắt đi ra còn chưa lặng, hàng nghìn cờ đỏ đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Và lập tức trên các đường phố trở nên chật hẹp bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ lên trên đầu, vỗ tay, khóc vì sung sướng, ca hát, cười. Trên xe các sĩ quan Việt Nam tươi cười và viên thiếu tá Pháp đứng tuổi đầu cúi gục, khó khăn lách đi mãi đến trung tâm, bám theo sát những chiếc xe bọc sắt ra đi”, Karmen kể lại về cảnh chuyển giao vào sáng 9-10-1954. Những ngày sau giải phóng Thủ đô, nhóm làm phim tiếp tục quay thêm các cảnh phản ánh nỗ lực khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá; cảnh xây dựng đường sắt Hà Nội - Nam quan, cảnh thu hoạch lúa tập thể, khôi phục hệ thống thủy lợi…


Tháng 12-1954, đạo diễn Roman Karmen cùng các cộng sự đã rời Việt Nam sau khi đến gặp gỡ chia tay Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Sau gần 7 tháng ở Việt Nam, nhóm làm phim người Nga cùng các cộng sự Việt Nam đã quay được gần 40.000m - “những thước phim khắc họa những sự kiện của chủ nghĩa anh hùng và lòng dũng cảm của một dân tộc trong hai tư cách là chiến binh và người lao động”. “Bảy tháng ở Việt Nam! Thời gian trôi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã qua, những ngày hòa bình đầu tiên đang đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân... Lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và tôi sẽ yêu mến nó đến trọn đời. Trong giờ phút chia tay, tôi muốn tin rằng mình sẽ trở lại, sẽ thấy một Việt Nam hạnh phúc, thống nhất, không bị chia cắt bởi bất kỳ vĩ tuyến nào. Những cái bắt tay, những cái ôm hôn cuối cùng với những con người tôi yêu quý. Và khi máy bay lượn một vòng giã biệt trên bầu trời Hà Nội, phía trên hình bầu dục xanh lam của hồ Hoàn Kiếm, trái tim tôi như đang muốn nói: Tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt với bạn, Việt Nam thân yêu!”, Roman Karmen đã khép lại cuốn bút ký bằng những dòng đầy ắp cảm xúc như vậy.


THÀNH NGUYỄN