10:05, 18/05/2016

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và chuyện làm phim về Bác Hồ

Nhắc đến những bộ phim truyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến phim "Hà Nội mùa đông năm 46" của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Nhắc đến những bộ phim truyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến phim “Hà Nội mùa đông năm 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Trong thời điểm lịch sử cam go trước ngày toàn quốc kháng chiến, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của dân tộc đã rực sáng lên với tấm lòng nhân từ, yêu thương bao la, luôn mong muốn đem lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân.

 

Nghệ sĩ Tiến Hợi đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim  “Hà Nội mùa đông năm 46”.
Nghệ sĩ Tiến Hợi đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim “Hà Nội mùa đông năm 46”.


Phim Hà Nội mùa đông năm 46 được làm cách đây đúng 20 năm. Ít ai biết rằng, bộ phim này được đạo diễn Đặng Nhật Minh ấp ủ ý tưởng từ trước đó rất lâu. Trong Hồi ký điện ảnh (Nhà xuất bản Văn nghệ, năm 2005), đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, tại Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva năm 1983, ông được xem bộ phim Ghandhi của điện ảnh Ấn Độ. Ông nhận ra rằng giữa Ghandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng, đó là lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha xuất phát từ bản chất hiếu hòa của người phương Đông. Ngay lúc ấy, ông đã có ý nghĩ làm một bộ phim về Bác Hồ để thế giới hiểu hơn về Việt Nam. “Cho đến lúc ấy, rất nhiều người nước ngoài tuy phục Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc Pháp - Mỹ nhưng cho rằng người Việt Nam hiếu chiến, thích giải quyết mọi công việc bằng vũ lực. Họ không biết rằng trong lịch sử cận đại của Việt Nam có một giai đoạn mà người Việt Nam không muốn có chiến tranh, chỉ muốn giải quyết mọi công việc với người Pháp để giành độc lập bằng thương lượng. Đó chính là giai đoạn cuối năm 1946... Ý nghĩ làm một bộ phim về Hồ Chí Minh giai đoạn 1946 hình thành dần trong tôi, nung nấu trong tôi suốt những năm dài”, đạo diễn chia sẻ.

 

Poster phim “Hà Nội mùa đông năm 46”
Poster phim “Hà Nội mùa đông năm 46”


 Đạo diễn Đặng Nhật Minh bắt đầu viết kịch bản phim Hà Nội mùa đông năm 46 từ cuối năm 1988. Sau đó, ông mời thêm nhà thơ kiêm biên kịch Hoàng Nhuận Cầm (con trai nhạc sĩ Hoàng Giác) viết chung, bởi muốn tăng thêm chất hào hoa lãng mạn của Hà Nội trong phim. Kịch bản phim được hoàn thành cuối năm 1989, đến năm 1993, ông đem dự thi đợt sáng tác kịch bản do Cục Điện ảnh tổ chức nhưng bị loại từ vòng đầu. May mắn thay, đầu năm 1996, trong một dịp gặp nhạc sĩ Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhắc đến kịch bản Hà Nội mùa đông năm 46. Sau khi đọc thử kịch bản, nhạc sĩ Trần Hoàn đã ký quyết định cho ông làm phim.

 

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII tổ chức ở Huế (tháng 4-1999), phim “Hà Nội mùa đông năm 46” đã đoạt giải Bông Sen Bạc cùng một loạt giải cá nhân như: Đạo diễn xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Họa sĩ xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc.

Hà Nội mùa đông năm 46 mở đầu với những cảnh diễn tả không khí căng thẳng của Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến - một cuộc chiến mà người dân và chính quyền cách mạng Việt Nam không hề mong muốn. Phim dành khá nhiều trường đoạn để ghi lại giai đoạn chuẩn bị kháng chiến và cuộc chiến đấu của các chiến sĩ thủ đô ở Bắc Bộ phủ, cảnh người dân Hà Nội rục rịch tản cư. Không khí chiến tranh đang đến gần len lỏi cả vào ngôi nhà nhỏ, trong bữa cơm của từng gia đình. Xen giữa những khung cảnh ấy, phim còn có khoảnh khắc thanh bình, đó là hình ảnh cụ đồ già mặc áo the khăn xếp ngồi bên đường viết câu đối điềm đạm, thanh thản với câu nói “Không ai thuê cả, tôi viết để tặng những người ở lại”. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là cái nền để làm vụt sáng lên hình tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người yêu chuộng hòa bình, luôn muốn đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Khán giả xem phim này chắc hẳn không quên trường đoạn Bác âm thầm, lặng lẽ đến thắp hương trên bàn thờ một em bé vừa chết trong trận tàn sát của quân Pháp ở ngõ Yên Ninh. Tấm lòng yêu thương bao la của Người được khắc họa rõ nét trong ánh mắt xót xa lặng ngắm người mẹ vừa mất con, trong mảnh giấy viết vội lời chia buồn cùng gia đình…


Phim Hà Nội mùa đông năm 46 được đánh giá là phim truyện đầu tiên về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh khá thành công. Bộ phim cũng có thể xem là một cách diễn giải sinh động và trung thực hiện thực lịch sử về ngày toàn quốc kháng chiến. Phim kết thúc ở thời điểm Bác đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Những đoàn quân từng hô vang khẩu hiệu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” lặng lẽ lên chiến khu, bỏ lại sau lưng một Hà Nội rực cháy, trên môi thì thầm lời hẹn ước sẽ có ngày trở về giải phóng thủ đô…“Nếu như ngày đó, cha tôi (bác sĩ Đặng Văn Ngữ) không tình cờ đọc được lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học, trở về nước tham gia kháng chiến thì cuộc đời tôi bây giờ đã đi theo một hướng khác. Chắc chắn tôi sẽ là một Việt kiều sống và làm việc ở Nhật. Bởi vậy, việc làm phim này đối với tôi do sự thôi thúc của bản thân hơn là xuất phát từ việc làm phim phục vụ những nhiệm vụ chính trị”, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ về lý do ông quyết tâm thực hiện bộ phim này.


THÀNH NGUYỄN