Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) là trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Đã có rất nhiều tập sách, bộ phim được dày công xây dựng nhằm lý giải về chiến thắng kỳ diệu ấy, nhưng chỉ đến khi hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đời, giới nghiên cứu mới thỏa mãn phần nào.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) là trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Đã có rất nhiều tập sách, bộ phim được dày công xây dựng nhằm lý giải về chiến thắng kỳ diệu ấy, nhưng chỉ đến khi hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đời, giới nghiên cứu mới thỏa mãn phần nào.
Hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Hữu Mai thể hiện) được Nhà xuất bản Quân đội ấn hành năm 2000, với độ dày gần 500 trang. Tên của cuốn hồi ký xuất phát từ câu nói nổi tiếng của tướng Giáp: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Ngay khi ra đời, cuốn hồi ký đã được các nhà nghiên cứu lịch sử và công chúng quan tâm, bởi tác giả là tướng Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người chỉ huy trực tiếp trận đánh Điện Biên Phủ, một trận đánh đã đi vào lịch sử chiến tranh nhân loại. Năm 2004, tác phẩm được nữ nhà văn, nhà báo người Mỹ - Lady Borton dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.
Bìa sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” |
Như tên gọi của cuốn sách, Điện Biên Phủ là điểm hẹn lịch sử, nơi đối đầu giữa trí tuệ, ý chí, quyết tâm của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh với chủ nghĩa thực dân Pháp. Cuộc chiến 56 ngày đêm ở lòng chảo Điện Biên không chỉ là một chiến dịch quân sự, mà là cuộc đụng đầu lịch sử làm thay đổi vận mệnh của các nước thuộc địa và số phận của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Trong cuốn hồi ký, tướng Giáp đã điểm lại bối cảnh lịch sử, diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như những bài học kinh nghiệm. Theo hồi ức của tướng Giáp, khi giao nhiệm vụ cho ông, Bác Hồ chỉ nói ngắn gọn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đồng thời, Bác Hồ đã trao cho tướng Giáp toàn quyền với niềm tin tưởng tuyệt đối: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền”. Đó là một quyết định thể hiện tầm nhìn, sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 26-1-1954, đúng ngày dự kiến mở màn chiến dịch, trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận, sau khi thảo luận dân chủ, tướng Giáp đã quyết định thay đổi cách đánh, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Thực tế cho thấy, đây là một quyết định sáng suốt, mang tính lịch sử làm thay đổi cục diện chiến trường, đưa trận chiến Điện Biên Phủ đến toàn thắng vào ngày 7-5-1954. Đặc biệt, qua những trang hồi ức của tướng Giáp, người đọc có thể thấy chính sức mạnh chính trị, tinh thần của dân tộc đã giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự thất bại của thực dân Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ là một tất yếu lịch sử. Thất bại của Pháp chính là quá tin tưởng vào sức mạnh của vũ khí, trang bị, công sự kiên cố, khả năng tiếp tế và tăng viện nhưng lại đánh giá sai khả năng khắc phục khó khăn của chúng ta, đánh giá sai sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh.
Trong hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử có những vấn đề lớn lao gắn với lịch sử dân tộc, biến động thời đại, và có cả những vấn đề riêng tư của mỗi con người. Điều khá đặc biệt, với hồi ký này, người đọc dễ nhận thấy tướng Giáp rất ít nói về mình, thay vào đó ông nói nhiều về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, của Bác Hồ, về những người đồng đội, về nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ những người chỉ huy dạn dày trận mạc như: Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Lê Quảng Ba, Nguyễn Hữu An, Hoàng Cầm... đến những người lính binh nhất, binh nhì đều được đại tướng nhắc đến một cách tự hào và trân trọng. Lâu nay, đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như về binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các sử gia phương Tây như: Cecil Curay, Bernard Fall… đã ca ngợi hết mực về trí tuệ, tài năng thao lược, bản lĩnh, tính quyết đoán của ông. Những đánh giá có cơ sở, nhưng thuần lý trí, bởi sự khác biệt về mặt văn hóa Đông - Tây khiến họ không thấy tướng Giáp là người có khả năng cảm hóa và thu phục nhân tâm. Với hồi ký Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, người đọc sẽ thấy mỗi quyết định, hành xử của ông đều bắt nguồn từ tình yêu thương mãnh liệt đối với con người. Với ông, “hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên chiến trường”. Ông sống chan hòa với những người đồng đội, lắng nghe tình cảm, nghĩ suy của họ, viết thư thăm hỏi, động viên chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của người lính, biểu dương kịp thời mỗi chiến công của họ. Nói như tướng Trần Văn Trà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”, ông không phải là vị tướng “Chiến thắng bằng mọi giá” như tên cuốn sách nhà sử học Cecil Curay (Mỹ) đã viết.
Cuốn hồi ký cũng cho thấy, tướng Giáp là người yêu chuộng hòa bình, ở ông tình yêu thương lớn hơn lòng thù hận, vượt lên mọi khác biệt về tiếng nói, màu da. Giữa những ngày ác liệt nhất của trận chiến ở Điện Biên Phủ, những người lính bắt được thùng hàng do máy bay thả xuống, trong đó có lá thư và hai cuốn tiểu thuyết của vợ De Castries gửi cho chồng. Biết điều đó, tướng Giáp đã yêu cầu chỉ huy đơn vị phải tìm cách gửi vào cho De Castries. Ngay sau khi trận đánh vừa kết thúc, ông đến từng căn hầm gặp những người lính Pháp bị thương, điều động quân y phối hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa cho họ, cho phép máy bay Pháp hạ cánh chở những thương binh nặng về Hà Nội chữa trị. Đó là cách hành xử nhân văn hiếm có xưa nay.
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành cuốn sách kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu về trận chiến Điện Biên Phủ, và rộng hơn là về chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Với cuốn sách này, người đọc không chỉ được tiếp xúc với nguồn sử liệu chân thực, sống động, mà còn nhận ra chân dung tinh thần, tầm vóc văn hóa, cốt cách vĩ nhân của Võ Nguyên Giáp - người đã trở thành một phần của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX.
XUÂN THÀNH