"Gasby vĩ đại" của Scott Fitzgerald đã được cả thế giới say mê đọc, nhưng ngay cả cuốn sách hay nhất mọi thời đại ấy cũng trở nên mờ nhạt so với câu chuyện ngoài đời về cuộc tình rực rỡ mà đầy sóng gió của chính nhà văn với nàng thơ Zelda Sayre.
“Gasby vĩ đại” của Scott Fitzgerald đã được cả thế giới say mê đọc, nhưng ngay cả cuốn sách hay nhất mọi thời đại ấy cũng trở nên mờ nhạt so với câu chuyện ngoài đời về cuộc tình rực rỡ mà đầy sóng gió của chính nhà văn với nàng thơ Zelda Sayre.
Tiếng sét ái tình trong quán bar
Họ từng được coi là “ông hoàng” và “bà chúa” trong thời kỳ thịnh vượng của thập niên 20 thế kỷ trước. Chàng là nhà văn lừng danh với những tác phẩm được tìm đọc nhiều nhất nước Mỹ. Nàng - một mỹ nhân sành điệu, một biểu tượng “tân kỳ”, một nàng thơ không thể thay thế đối với chàng.
Zelda Sayre - hoa khôi của bang Alabama nước Mỹ những năm 20 thế kỷ trước |
Hai người làm quen với nhau vào tháng 7/1918, tại Montgomery, bang Alabama, thuộc miền Nam nước Mỹ. Scott khi ấy 22 tuổi, là một trung úy đang đóng quân gần Montgomery. Để giết thời giờ, anh cùng đồng đội la cà đến uống rượu ở một quán bar. Tại đây anh đã gặp Zelda, một thiếu nữ mới 18 tuổi nhưng đã nổi danh như một “nữ hoàng” của các sàn nhảy, của những buổi tiệc tùng và luôn được vây quanh bởi cả rừng fan hâm mộ.
Với cung cách khác biệt và dáng vẻ rất khiêu khích, nàng hoa khôi của bang Alabama lập tức hớp hồn chàng sĩ quan trẻ Scott. “Đó là cô gái xinh đẹp nhất mà tôi từng gặp trong cuộc đời mình. Tôi lập tức hiểu rằng: đơn giản là nàng phải thuộc về tôi!” – Sau này Scott nhớ lại.
Còn với Zelda, ấn tượng đầu tiên về Scott không được mãnh liệt đến vậy. Nhưng dẫu sao cũng có điều gì đó ở chàng sĩ quan trẻ khiến cô khó làm ngơ, buộc cô bứt ra khỏi vòng vây của những người hâm mộ để nhận lời nhảy cùng chàng. Theo lời Zelda thì khi đó nàng cảm thấy có “một sức mạnh siêu phàm nào đó, một niềm hứng khởi nào đó như cuốn anh ấy lên không trung”.
Zelda Sayre là con út trong gia đình có 6 anh chị em. Được bảo bọc bởi tiền bạc của người cha (một vị thẩm phán đáng kính của bang Alabama) và sự yêu chiều của người mẹ đa cảm, Zelda đã được thụ hưởng một tuổi trẻ vô lo trong nhung lụa – cô tha hồ học ballet, học vẽ, đốt thì giờ rảnh rỗi vào các buổi vui chơi, tiệc tùng... Không hiểu có phải vì mang cái tên đầy chất Digan (do người mẹ mê đọc tiểu thuyết đặt cho) hay không mà Zelda có lối sống rất tự do, phóng túng, bất chấp dư luận. Ngay từ hồi ấy, cô gái được cưng chiều này đã có suy nghĩ rằng mình sẽ không cần làm lụng hay lo lắng gì cả, mà chỉ cần kiếm một tấm chồng có thể biến cuộc đời mình thành một chuỗi hội hè, và đủ khả năng để chi trả cho chuỗi hội hè ấy.
Ứng cử viên “không xứng tầm”
Trong khi đó, tại thời điểm làm quen với Zelda, Scott chẳng hề có thế mạnh đặc biệt nào ngoài vẻ kênh kiệu và niềm đam mê với… rượu. Trước khi nhập ngũ, việc học hành của nhà văn tương lai tại một trong những trường đại học uy tín bậc nhất nước Mỹ, Princeton, đã khép lại chẳng mấy tự hào: phải thôi học do kết quả quá tệ.
Scott Fitzgerald thời theo học tại Princeton |
Đang thất bát trong làm ăn, cha mẹ Scott rất lo cho tương lai mờ mịt của con trai, nhưng bản thân anh lại cảm thấy… mừng. Mục đích chính của Scott khi bước chân vào Princeton là để lại tên tuổi trong đội bóng cũng như trên sân khấu của ngôi trường danh tiếng này. Tuy nhiên ước mơ thành ngôi sao thể thao của Scott đã hoàn toàn thất bại. Còn nhà hát của Princeton thì chỉ thu nhận những sinh viên ưu tú, đội ngũ mà Scott chẳng có tên. Princeton bởi vậy chẳng còn thú vị gì với Scott nữa mặc dù tại đây anh cũng từng viết một số truyện ngắn, kịch bản dự thi và giành được giải thưởng. Thêm vào đó, Princeton, nơi đầy nhóc bọn con nhà giàu khệnh khạng, luôn mang đến cho Scott một nỗi mặc cảm, khó chịu…
Rời Princeton, chẳng suy nghĩ nhiều, Fitzgerald quyết định nhập ngũ để có thể hy sinh một cách oanh liệt, để quên đi những hoài bão bất thành và giải thoát cho mình khỏi những muộn phiền. Trước khi lên đường sang châu Âu tham chiến, đơn vị của Scott được điều đến Montgomery và tại đây đã xảy ra một sự kiện quan trọng chẳng kém gì một cuộc chiến – vừa làm vẻ vang tên tuổi anh, vừa tàn phá cuộc đời anh - anh đã gặp nàng thơ của mình: Zelda Sayre.
Sau hai tháng quen biết, Scott ngỏ lời cầu hôn Zelda. Nàng ưng thuận và hai người đã quấn quýt bên nhau cho đến khi Scott đi châu Âu. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau Thế chiến thứ nhất kết thúc và Scott đã giải ngũ mà chưa một lần ra trận.
Quà cưới đặc biệt cho hoa khôi
Trong mắt cha mẹ Zelda , chàng sĩ quan giải ngũ không nghề nghiệp, bằng cấp như Scott đương nhiên không phải là ứng cử viên thích hợp cho vai đấng phu quân của con gái họ. Tuy nhiên đôi trẻ ngang bướng ấy đã khăng khăng theo ý mình nên cuối cùng thì cha mẹ Zelda đành chấp thuận với điều kiện – Scott phải nhanh chóng kiếm một công việc để có thu nhập ổn định.
Thời mới nhập ngũ, nghĩ rằng mình rồi sẽ bỏ xác nơi chiến trường, Scott từng viết vội một tiểu thuyết bán tự truyện nhan đề “Người vị kỷ lãng mạn” nhưng nó đã bị nhà xuất bản trả về với yêu cần viết lại. Giờ đây lời “thách cưới” của gia đình Zelda khiến Scott lại một lần nữa quyết định phải trở thành nhà văn tên tuổi.Anh bắt tay vào viết lại “Người vị kỷ lãng mạn” rồi gửi đi. Thế nhưng, một lần nữa bản thảo này lại bị từ chối. Quá nản lòng, Scott xếp bút nghiên, lao đến New York để kiếm tiền theo một cung cách nhạt nhẽo hơn: làm việc cho một hãng quảng cáo với mức lương ít ỏi.
Zelda-Scott - cặp đôi đình đám nhất nước Mỹ một thời |
Gắn kết với anh nhân viên quèn chỉ bằng một chiếc nhẫn chàng tặng và những lời hứa hẹn mịt mùng từ xa, Zelda chẳng có ý định thay đổi lối sống của một “hot girl”. Nàng tiếp tục chơi bời xả láng và cuốn vào những cuộc tình mới. Zelda còn can đảm đến độ một lần nàng quyết định nuy hoàn toàn để tung tăng trong một bể bơi! Bằng kiểu chơi trội ấy nàng đã khiến cho đội ngũ fan của mình càng tăng lên gấp bội.
Một lần, do đãng trí, Zelda viết thư cho một “vệ tinh” của mình nhưng ngoài bì thư lại đề địa chỉ của Scott. Vừa sợ mất người yêu, vừa phát khùng vì ghen tuông, Scott đã lao ngay đến Montgomery yêu cầu Zelda giải thích. Nhưng thay vì giải thích, nàng đã đáp trả cơn cuồng nộ của Scott bằng cách tháo chiếc nhẫn đính hôn ném vào mặt anh.
Hành vi ấy đã giáng xuống Scott một đòn chí mạng, nhưng anh không có ý định lùi bước. Quyết định bỏ việc, trở về sống với cha mẹ tại St Paul, nhà văn tương lai tự giam mình trong phòng ba tháng liền để viết lại “Người vị kỷ lãng mạn” một lần nữa. Ngay trước sinh nhật lần thứ 23, Scott gửi cuốn tiểu thuyết đầu tay với tên gọi mới “Bên này thiên đường” đến nhà xuất bản và lần này thì nó đã được đón nhận. Phấn chấn với thành công, trong khi chờ cuốn sách ra đời, Scott bắt đầu viết truyện ngắn cho các tạp chí để kiếm tiền. Vậy là trước khi cuốn tiểu thuyết đầu tay được phát hành nhà văn trẻ đã có được cả danh tiếng lẫn tiền bạc trong ngân hàng. Sau khi cuốn sách được xuất bản (vào tháng 3/1920), Scott càng nổi tiếng hơn. Một tuần sau đó, đám cưới của anh với người đẹp số một của bang Alabama được cử hành tại New York.
Hội hè miên man
“Xuất hiện một thế hệ mới, thế hệ mà với họ thì mọi thánh thần đã chết cả, mọi cuộc chiến đã diễn xong, mọi đức tin đã tan vỡ, chỉ còn lại nỗi lo sợ trước tương lai và niềm sùng bái với sự thành đạt”, Scott Fitzgerald đã viết như vậy về thế hệ của mình, lớp thanh niên Mỹ sau Thế chiến I. Cùng với thế hệ này là sự ra đời của “Thời đại Jazz” ngông cuồng và cặp đôi Scott – Zelda chính là biểu tượng điển hình nhất của nó.
Zelda cùng với chồng mình là biểu tượng điển hình của "Thời đại Jazz" ngông cuồng |
Với cặp đôi này, mỗi ngày đều là một cuộc vui bất tận. Họ cùng bạn bè kéo tới các quán bar, câu lạc bộ nhảy nhót, uống rượu thâu đêm suốt sáng. Những trò gây sốc của đôi trai tài gái sắc này được báo chí tranh nhau đăng tải. Hôm nay là chuyện họ ngồi trên nóc taxi, ngày mai là chuyện nàng tắm tại vòi phun nước công cộng còn chàng thì… lõa thể trong rạp hát, ngày kia thì họ bỗng dưng mất tích, và mấy hôm sau nữa - họ được tìm thấy tại một khách sạn rẻ tiền ở ngoại ô. Cả nước Mỹ như quay cuồng dõi theo cuộc sống của hai “thần tượng” này với bao hỉ nộ ái nố, khi thì thán phục, lúc lại chỉ trích họ.
Thậm chí sự kiện con gái họ chào đời cũng gắn với scandal. Người ta đồn rằng Zelda đã đến nhà hộ sinh trong tình trạng say xỉn. Và điều đầu tiên nàng nói sau khi tỉnh thuốc mê là: “Hình như tôi đang say… Con gái tôi thế nào? Tôi hy vọng bé sẽ xinh đẹp và ngốc nghếch…”. Những đàm tiếu xung quanh Zelda và Scott nhiều vô kể và được truyền đi nhanh như chớp nhưng hai người chẳng lấy đó làm phiền. Họ cứ hồn nhiên đồng hành với những trò điên rồ mà chẳng có ý định thay đổi.
Vợ chồng Fitzgerald và con gái |
Sau khi có con vợ chồng Fitzgerald vẫn tiếp tục ăn chơi phung phí. Với những truyện ngắn được các tạp chí săn lùng và mua với giá ngất ngưởng, Scott kiếm được cũng khá tiền, nhưng cũng không đáp ứng nổi cuộc sống xa hoa quá độ của hai vợ chồng. Để cứu vãn tình hình, nhà văn thậm chí phải viết những truyện ngắn chiều chuộng thị hiếu tầm thường của độc giả một số báo lá cải.
Những con thuyền vật vã giữa phong ba
Tuy nhiên cùng với tửu lượng leo thang, chuyện viết lách đối với Scott dần trở nên khó khăn. Anh chỉ có thể viết được trong trạng thái tỉnh táo, nhưng trạng thái ấy càng lúc càng hiếm hoi. Thêm vào đó, Zelda ngày càng tỏ ra ghen tị với vinh quang của chồng. Việc Scott không chịu cho vợ học vẽ để thể hiện tài năng (những bức họa của Zelda quả là không tồi) càng đổ thêm dầu vào ngọn lửa đố kỵ trong lòng Zelda. Để trả miếng, cô nàng đỏng đảnh và kiêu ngạo này đã cố tình ngăn trở việc viết lách của chồng bằng cách ngày nào cũng chuốc cho Scott say đến độ khó có thể ngồi vào bàn viết. Hemingway – một nhà văn rất thân thiết Scott đã lên án Zelda rất gay gắt về tội “hủy hoại một văn hào xuất sắc bậc nhất của nước Mỹ”. Hemingway từng gọi Zelda là con mèo ma mãnh với đôi mắt trống rỗng, ngược lại Zelda cũng luôn dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để đay nghiến Hemingway.
Zelda mơ trở thành vũ công ballet khi đã ở tuổi 27 |
Vì khủng hoảng trong sáng tác và vì những cơn cáu giận liên tục của Zelda, Scott quyết định cùng vợ tạm xa New York để sang châu Âu. Riviera, vùng biển yên ả của nước Pháp quả là đã giúp họ bình tâm lại một chút. Ở đó, Scott vùi đầu vào viết “Gasby vĩ đại”, còn Zelda thì mất hút cả ngày ngoài bãi tắm. Mọi việc có vẻ như diễn ra suôn sẻ. Nhưng đó chỉ là một chút yên ắng trước giông tố...
Dường như định mệnh không để cho hai con người này được sống bình yên, mà luôn buộc họ phải vật vã với cuộc đời, như những con thuyền bị nhào lộn trong phong ba. Trong khi lang thang ngoài bãi biển, Zelda đã phải lòng một chàng phi công người Pháp rất điển trai. Cuộc tình này kéo dài không lâu và cũng chẳng sâu nặng đến mức đe dọa cuộc hôn nhân của vợ chồng Fitzgerald. Tuy nhiên với một phụ nữ quá sức mẫn cảm như Zelda thì bi kịch lúc nào cũng có thể bùng phát. Khi bị chàng phi công kia đột nhiên bỏ rơi, Zelda đã uống thuốc ngủ để tự vẫn. May mà Fitzgerald đã tìm thấy vợ mình trước khi quá muộn…
Một lần khác Zelad cũng suýt nữa chết thảm vì một màn ghen tuông kỳ cục. Chuyện là trong lúc hai vợ chồng đang dùng bữa tại một nhà hàng ở Paris, Scott chợt nhận ra Isadora Duncan ngồi ở bàn bên cạnh nên đã xin phép Zelda ra chào nữ diễn viên ballet nổi tiếng này. Zelda đồng ý, nhưng khi Scott vừa rời khỏi bàn thì cô cũng đứng dậy, đi đến cầu thang và gieo mình xuống dưới. Những người chứng kiến đều tin rằng Zelda sẽ gẫy cổ, nhưng may thay rốt cục cô chỉ bị thương nhẹ.
Quan hệ giữa hai vợ chồng họ càng căng thẳng hơn, nhất là từ khi Zelda cũng bắt đầu viết truyện cho các tạp chí. Cô phản đối Scott dùng chuyện riêng của cô làm tư liệu sáng tác, còn Scott cũng tức điên vì các nhân vật của Zelda na ná các nhân vật của anh. Zelda còn có một ước vọng điên rồ khác là quyết định trở thành vũ công ballet khi đã ở tuổi 27. Vì ước vọng đó, nàng đã tập luyện đến kiệt sức tại các lớp học múa.
Vỹ thanh buồn
Những biểu hiện bất ổn về tâm thần của Zelda ngày càng trầm trọng. Cô kể rằng thường nghe thấy những giọng nói kỳ lạ cảnh báo về một âm mưu chống lại cô, cấm cô di chuyển. Năm 1929 Zelda đã phải nhập viện để điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Kể từ đó phần lớn thời gian của cô trôi qua trong các bệnh viện và Fitzgerald đã phải chi cả núi tiền vào thuốc men cũng như viện phí cho vợ.
Trong thời gian nằm viện Zelda có viết cuốn tiểu thuyết bán tự truyện “Hãy cứu tôi, điệu valse!”. Việc Zelda đưa nhiều chi tiết đời tư của hai người vào cuốn sách này đã khiến Scott rất phẫn nộ, tuy nhiên về sau chính anh cũng sử dụng chúng trong cuốn “Đêm dịu dàng” (được xuất bản năm 1934) của mình. Trong tiểu thuyết này, Scott đã nói về nỗi cay đắng của chính mình, về nỗ lực bất thành để giữ gìn hôn nhân cũng như về mặt trái của lối sống xa hoa. Càng về sau, thông qua các tác phẩm, nhà văn càng bộc lộ suy nghĩ rằng chính cuộc sống xa xỉ thời trẻ đã làm hư Zelda.
Từ năm 1937 Scott chuyển sang viết kịch bản cho Hollywood nhưng không mấy thành công. Rồi những tai ương liên tục giáng xuống đầu Scott: anh bị gãy xương đòn và không thể cầm bút một thời gian dài, mẹ anh qua đời, con gái chẳng thiết học hành mà chỉ nã tiền bố để ăn chơi. Chán nản anh lại vùi đầu vào rượu, vào mối quan hệ già nhân ngãi non vợ chồng với Sheila Graham, một cây viết kiêm diễn viên ở Holllywood. Trong những cơn say Scott thật sự trở nên hung hãn và thậm chí tàn bạo. Nhưng cũng chẳng còn nhiều thời gian để cuộc đời này dày vò Scott thêm nữa. Anh đã qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim vào ngày 21/12/1940, trong căn hộ của Sheila Graham tại Hollywood. Khi ấy nhà văn chỉ mới 44 tuổi.
Kể từ đó, giữa những giọng nói kỳ lạ mà Zelda thường nghe thấy xuất hiện thêm một giọng thân quen – giọng của chồng cô. Tám năm sau cái chết của Scott, nhận thấy bệnh tình của Zelda có khá hơn, bác sĩ đã cho phép cô về thăm gia đình ở Montgomery. Khi chia tay với người thân trên sân ga, cô bỗng quay lại bảo mẹ: “Đừng lo mẹ ạ! Con không sợ chết đâu. Scott bảo rằng chuyện ấy chẳng có gì kinh khủng cả”. Sau đó mấy ngày thì tại bệnh viện mà cô nằm điều trị xảy ra một vụ cháy lớn. Trong số 9 người tử vong có cả Zelda, nàng thơ một thuở của Scott Fitzgerald.
Phan Minh Ngọc