10:05, 13/05/2016

Công trình nghiên cứu "Văn học dân gian Khánh Hòa": Một tư liệu quý

Gần 2 năm dày công nghiên cứu, đề tài khoa học "Văn học dân gian Khánh Hòa" của tác giả Lê Khánh Mai - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa và nhóm cộng sự là một tư liệu quý giá để các thế hệ học giả sau tìm đọc, tham khảo.

Gần 2 năm dày công nghiên cứu, đề tài khoa học “Văn học dân gian (VHDG) Khánh Hòa” của tác giả Lê Khánh Mai - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa và nhóm cộng sự là một tư liệu quý giá để các thế hệ học giả sau tìm đọc, tham khảo.


Bộ sưu tập đầy đủ, phong phú


Đề tài “VHDG Khánh Hòa” được thực hiện từ tháng 7-2014 đến tháng 4-2016; đối tượng nghiên cứu là VHDG người Việt ở Khánh Hòa. Theo bà Lê Khánh Mai, đề tài thực hiện nghiên cứu tại 6 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và những địa bàn có người Việt cư trú. Tư liệu nghiên cứu ban đầu còn thiếu ở một số thể loại như: tục ngữ, câu đố, bài chòi. Tuy nhiên, qua 2 đợt điền dã sưu tầm, bổ sung, tư liệu đã được thu thập khá đầy đủ để phục vụ cho việc nghiên cứu. Qua gần 2 năm dày công, nhóm tác giả đã đi sâu nghiên cứu, hệ thống, làm sáng tỏ những đặc điểm nội dung và nghệ thuật cốt lõi của 12 thể loại: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện thơ - vãn ca, ca dao, tục ngữ, vè, câu đố, sân khấu dân gian (Đàn xà - Trảm mộc, hò bá trạo, bài chòi dân gian) được lưu truyền và sử dụng trên vùng đất Khánh Hòa, qua đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, tác giả và nhóm cộng sự còn tập hợp nguồn tư liệu từ trước cho đến nay, tuyển chọn những tác phẩm VHDG người Việt ở Khánh Hòa vào phần phụ lục của đề tài khoa học gồm: 54 truyền thuyết, 27 truyện cổ tích, 18 truyện cười, 6 truyện ngụ ngôn, 6 truyện thơ - vãn ca, 730 lời ca dao, 529 câu tục ngữ, 34 bài vè, 100 câu đố và các trích đoạn kịch bản Đàn xà - Trảm mộc, hò bá trạo, bài chòi dân gian. Đây là kết quả sưu tập đầy đủ, phong phú nhất từ trước đến nay.

 

Hò Bá trạo - nghi thức tế lễ thể hiện lòng tri ân Ông Nam Hải và tinh thần gắn kết của ngư dân lao động trên biển
Hò Bá trạo - nghi thức tế lễ thể hiện lòng tri ân Ông Nam Hải và tinh thần gắn kết của ngư dân lao động trên biển


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá: “Tác giả thực hiện đề tài rất say mê, tâm huyết, bao quát và vận dụng tốt tư liệu tham khảo; văn phong trong sáng, giản dị, có nhiều trang viết hấp dẫn, thú vị; kết quả nghiên cứu đề tài đáng tin cậy và mang hàm lượng khoa học cao. Công trình sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho các công trình khoa học tiếp theo”.


Theo Hội đồng khoa học cấp tỉnh, việc nghiên cứu VHDG trên địa bàn tỉnh trước đây mới chỉ gồm những bài viết riêng lẻ, phác thảo hoặc xới lên một vài khía cạnh nào đó theo yêu cầu thực hiện những chủ đề văn hóa khác nhau. Cho đến nay, vẫn chưa có một chuyên luận, công trình hay một đầu sách nào nghiên cứu chuyên sâu về VHDG người Việt ở Khánh Hòa một cách có hệ thống, tập trung, bài bản và khoa học. Đề tài “VHDG Khánh Hòa” của tác giả Lê Khánh Mai và nhóm cộng sự đã tiếp tục kế thừa được thành tựu của những công trình sơ khảo trước đây, vận dụng và có những nghiên cứu tiếp theo mang tính khoa học, tập hợp, sắp xếp lại một cách có hệ thống tất cả các tác phẩm VHDG Khánh Hòa được nhân dân gìn giữ, sử dụng. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn và phát huy những di sản VHDG của địa phương. Vì vậy, đề tài đã được Hội đồng khoa học đánh giá, xếp loại xuất sắc.


Cần phát huy giá trị đề tài


Khánh Hòa có một kho tàng VHDG khá đầy đủ về thể loại, phong phú về nội dung và đa dạng về nghệ thuật biểu đạt. Tuy nhiên, việc khai thác, nghiên cứu và bảo tồn, phát huy nguồn VHDG này vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế, kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa và giá trị vô cùng to lớn, là một tư liệu quý giá để các thế hệ học giả sau tìm đọc, tham khảo.


Chính vì vậy, ngoài một số góp ý như: cần chỉnh sửa tên đề tài thành “VHDG người Việt ở Khánh Hòa”; nên nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa 3 thể loại sân khấu dân gian đặc trưng của Khánh Hòa là Đàn xà - Trảm mộc, hò bá trạo, bài chòi dân gian; có hướng nghiên cứu tiếp theo đối với VHDG các dân tộc thiểu số khác ở Khánh Hòa…, Hội đồng khoa học cấp tỉnh đề nghị đề tài nên được chỉnh sửa hoàn thiện và in thành sách, phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham khảo sau này.


Nhóm tác giả đề tài cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp kịp thời để bảo tồn và phát huy di sản VHDG Khánh Hòa. Đối với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng, lưu giữ, giới thiệu VHDG đến với người đọc; ứng dụng kết quả đề tài vào quảng bá du lịch về đất và người Khánh Hòa; đề xuất với cấp trên tiếp tục triển khai thực hiện các đề tài khoa học khác về VHDG Khánh Hòa; đề xuất chế độ chính sách đối với các nghệ nhân dân gian và những người trực tiếp làm công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản VHDG của tỉnh…


Lưu Khánh