Lấy cảm hứng từ những truyện cổ, nhà văn Nguyên Hương đã viết nên bộ truyện cổ tích mới với những sáng tạo mạnh về chi tiết, nhân vật, pha trộn ít nhiều chất dí dỏm…
Lấy cảm hứng từ những truyện cổ, nhà văn Nguyên Hương đã viết nên bộ truyện cổ tích mới với những sáng tạo mạnh về chi tiết, nhân vật, pha trộn ít nhiều chất dí dỏm…
Truyện cổ tích là thế giới kỳ ảo, huyền hoặc, mê đắm đối với trẻ thơ. Cùng với những câu chuyện cổ tích được sưu tầm trong dân gian, một số nhà văn như: Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương… đã sáng tác nên các truyện cổ tích giành cho thiếu nhi. Tuy số lượng chưa nhiều nhưng tác phẩm của họ thực sự là những giá trị đặc sắc của văn học thiếu nhi Việt Nam. Suốt một thời gian dài, các nhà văn Việt Nam gần như lãng quên mảng sáng tác này. Bất ngờ năm 2014, nhà văn Nguyên Hương cho ra đời các truyện cổ tích mới để phục vụ thiếu nhi. Từ đó đến nay, nữ nhà văn đã cho ra đời 40 truyện cổ tích, in thành 8 tập truyện: Viên ngọc bùa mê, Bịt mắt bắt kẻ nói dối, Gương thần, Tấm thảm bay, Đôi hài vạn dặm, Chiếc áo tàng hình, Vùng đất bị phù phép, Sự tích cầu vồng (Nhà xuất bản Trẻ) và đã được các bạn đọc nhỏ tuổi đón nhận nồng nhiệt.
Các tập truyện trong bộ cổ tích mới của nhà văn Nguyên Hương. |
Bằng giọng văn nhẹ nhàng, dí dỏm, nhà văn Nguyên Hương đã kể cho các em nghe chuyện nhiều cuộc đời, nhiều số phận; từ đó, đặt ra cho các em những nhận thức ban đầu về ý nghĩa cuộc sống, khơi gợi khát vọng hướng đến những giá trị nhân văn: Nhân - lễ - trí - tín. Hầu hết các sáng tác của chị có mối liên hệ với nhiều truyện cổ tích Việt Nam và thế giới, sử dụng lại rất nhiều hình tượng nhân vật, mô típ, tình huống của truyện kể dân gian. Điều thú vị đối với người đọc đó là nhà văn đã gia công và chế tác thành những câu chuyện mới theo cách riêng của mình. Chẳng hạn các nàng tiên cá trong truyện Những nàng tiên cá của chị không yêu hoàng tử, mà yêu các chàng trai làng biển chân thành, thật thà… Những cải biến đó đã tạo ra những bất ngờ nho nhỏ thú vị với người đọc.
Một điều dễ nhận thấy, trong truyện cổ tích mới của nhà văn Nguyên Hương, các câu chuyện đều được kết thúc theo hướng nhẹ nhàng. Đơn cử, trong truyện Ăn táo trả vàng, mạch cảm hứng chủ đạo của câu chuyện vẫn là sự xung đột giữa lòng tham và tính thực thà, sự lên ngôi của lòng tốt. Tuy nhiên, thay vì để người anh chết như trong truyện dân gian Cây khế, tác giả đã chọn một giải pháp nhẹ nhàng hơn mà vẫn giữ được sức mạnh cho điều răn: người anh được trở về bình yên, nhưng sẽ phải sống trong đau khổ dài ngày vì tiếc nuối số vàng đã rơi hết xuống sông, xuống biển. Truyện Cha, mẹ, con và cá vàng (một biến thể của truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng), tác giả đã để cho vợ chồng ông lão đánh cá tốt bụng chỉ xin gạo cứu đói cho dân làng, người con tham lam muốn giàu có nên đã đi câu cá mập để rồi bị lôi tuột xuống thủy cung, bị biến thành cá vàng làm cảnh. Nhớ ơn cha mẹ của cá vàng, từ đó ngư dân đánh lưới gặp cá vàng là thả ngay xuống nước… Những thông điệp của Nguyên Hương không quá mới mẻ, khác lạ, nó là sự tiếp nối, tô đậm những giá trị đạo đức mà con người luôn hướng đến.
Điều nhiều người thích thú là các câu chuyện lồng vào rất nhiều trò chơi tuổi thơ, cùng những chi tiết rất dí dỏm. Trong truyện Ăn táo trả vàng, hai anh em chia của bằng cách oẳn tù tì, cách chia của theo chữ cái trong truyện chữ A và chữ E, hay chuyện hoàng tử chọn vợ bằng hình thức nhảy sạp (Thử giày). Anh chàng Thục Sanh của truyện Thục Sanh - Lý Thanh không còn là một người giỏi võ nghệ như trong truyện Thạch Sanh, mà chỉ là một chàng nặn tò he điệu nghệ, nhờ nặn tò he mà lấy được con quan, nặn ra chằn tinh dọa quan lấy lại tiền cho dân làng…
Với những sáng tạo mạnh về chi tiết, nhân vật, lời văn mượt mà, pha trộn ít nhiều chất dí dỏm, những truyện cổ tích của Nguyên Hương thực sự là một nét mới của văn học thiếu nhi Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vừa qua, bộ sách cổ tích mới của nhà văn Nguyên Hương đã được Hội Xuất bản Việt Nam trao giải vàng tại giải thưởng Sách Việt Nam 2016. Trong những ngày hè này, tập sách là một món quà tinh thần, một liên khúc cổ tích nhiều phép màu, sinh động và thú vị mà bất cứ trẻ em nào khi nhận được đều lấy làm thích thú.
THÀNH NGUYỄN