Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận thêm 8 cây di sản tại Khánh Hòa. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân xứ Trầm Hương trong việc chung sức để bảo tồn, phát huy giá trị của cây di sản.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (BVTNMT) Việt Nam công nhận thêm 8 cây di sản tại Khánh Hòa. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm của người dân xứ Trầm Hương trong việc chung sức để bảo tồn, phát huy giá trị của cây di sản.
Công nhận 8 cây di sản Việt Nam
Theo kỹ sư Trần Giỏi, Hội BVTNMT Khánh Hòa, cây di sản là những cây cổ thụ có hình dáng sinh động và gây ấn tượng sâu sắc, có nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, môi trường, khẳng định tính đa dạng sinh học của vùng đất Khánh Hòa. Trong 8 cây di sản mới được công nhận có 6 cây ở huyện Diên Khánh là: cây dầu rái (còn gọi cây dầu đôi) tại ngã tư Thành hơn 300 năm tuổi, đường kính gốc 2,8m; cây mã tiền 350 năm tuổi, đường kính gốc 1,2m, cao 22m, gắn liền với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Am Chúa (xã Diên Điền); 4 cây giáng hương tại Miễu Bà ấp Bạch Qua, xã Diên Phú khoảng 400 năm tuổi, có kích thước lớn như nhau, trong đó cây lớn nhất có đường kính 1,5m, chiều cao 27m. Hai cây còn lại là: cây sao đen tại đình Trung Dõng (xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh) 800 năm tuổi, đường kính gốc 4m, đạt kỷ lục Việt Nam; cây mun tại Tháp Bà (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) đường kính gốc 1,1m, 500 năm tuổi.
Cây di sản mã tiền tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Am Chúa. |
Ông Phùng Quang Chính, thành viên Hội BVTNMT Việt Nam cho hay, đến nay, cả nước đã công nhận hơn 2.200 cây di sản tại 45 tỉnh, thành. Việc công nhận cây di sản đã vượt qua mục đích đặt ra ban đầu là bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học. Cây di sản không chỉ có ý nghĩa bảo vệ nguồn gen quý hiếm mà còn có giá trị về lịch sử, nhân văn, tâm linh sâu sắc. “Công nhận cây di sản là công nhận chiều dài lịch sử, tầng sâu văn hóa đã thấm đẫm bao biến cố của lịch sử, thời đại. Cây di sản không chỉ có giá trị cao về sinh học, sinh khối, lợi ích khai thác các hoạt chất thiên nhiên quý hiếm mà còn là nơi phát huy giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn du lịch, sinh kế cho cộng đồng”, ông Chính khẳng định.
Cần phát huy giá trị cây di sản
Tiêu chí để được công nhận cây di sản: Cây tự nhiên sống trên 200 năm (nếu cây trồng hơn 100 năm), cao to hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc, đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.
Đến nay, Khánh Hòa có tổng cộng 12 cây di sản gồm: 8 cây được công nhận năm 2016 và 4 cây di sản tại quần đảo Trường Sa, công nhận năm 2014. 4 cây di sản này gồm: 2 cây mù u ở đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn; 1 cây bàng vuông ở đảo Nam Yết và 1 cây phong ba ở đảo Song Tử Tây. Những cây này đều trên 30 năm tuổi và có những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, sinh học và cảnh quan môi trường.
|
Ông Nguyễn Tấn Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Diên An chia sẻ: “Cây dầu đôi được công nhận là cây di sản Việt Nam là niềm vinh dự, tự hào của người dân Diên An, Diên Khánh. Vì thế, chúng tôi sẽ lập kế hoạch giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị của cây di sản; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, môi trường cho thế hệ trẻ”.
Theo các chuyên gia của Hội BVTNMT Việt Nam, cây di sản của Khánh Hòa rất đa dạng, phong phú, nhiều loài đặc hữu chưa có trong danh mục cây di sản Việt Nam như: cây mun, cây sao, cây mã tiền. Vì thế, việc bảo vệ, phát huy các loài đặc hữu này rất quan trọng. Hội BVTNMT Khánh Hòa đang lên kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị cây di sản. Theo đó, hội sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh thực hiện đề tài về chăm sóc, bảo vệ cây, xem đó như là giai đoạn 2 của quá trình công nhận cây di sản.
Cây di sản được công nhận, được gắn biển thể hiện ý nghĩa về mặt pháp lý, là tiền đề để phát huy giá trị cây di sản. Tại Khánh Hòa, du lịch là thế mạnh nên tỉnh cần nghiên cứu đưa cây di sản vào khai thác du lịch, tạo sinh kế cộng đồng, gắn bảo tồn với phát huy giá trị di sản. Có như vậy, giá trị của cây di sản mới được phát huy hiệu quả.
V.L