Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày Sách Việt Nam (21-4) với mong muốn tôn vinh giá trị của sách và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Đã có những địa phương, đơn vị tổ chức ngày Sách Việt Nam rất hiệu quả với việc bán sách giảm giá, ...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày Sách Việt Nam (21-4) với mong muốn tôn vinh giá trị của sách và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Đã có những địa phương, đơn vị tổ chức ngày Sách Việt Nam rất hiệu quả với việc bán sách giảm giá, tổ chức hội sách, mời các tác giả đến giao lưu trò chuyện… Thế nhưng, để phát triển văn hóa đọc cần nhiều hơn thế.
Cuối năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030”. Đề án có các mục tiêu cơ bản: 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại, có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện; 50% thư viện cấp huyện có trụ sở độc lập, có kinh phí đảm bảo cho hoạt động; 30% xã có thư viện cấp xã với vốn tài liệu phong phú; 30% thôn, bản có phòng đọc sách của cộng đồng để việc luân chuyển sách và sử dụng sách hiệu quả.Ngoài ra, 30% gia đình có tủ sách; mức bình quân đạt 0,8 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện cộng đồng; mức hưởng thụ sách báo trên đầu người dân đạt 6 bản/người…
Đại biểu xem sách trong ngày Sách Việt Nam năm 2015 ở Thư viện tỉnh |
Ngay khi dự thảo được đưa ra, nhiều người đã nghi ngờ đến tính khả thi của nó. Bởi những chỉ tiêu quá cao như 30% gia đình có tủ sách, 30% xã có thư viện với vốn tài liệu phong phú là con số khó thành hiện thực chỉ trong vài năm thực hiện đề án. Người viết đã từng đến các địa phương trong tỉnh, nhưng hầu như không có xã nào có thư viện. Hoạt động của các nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng còn rất nghèo nàn và mang nặng tính hình thức, thỉnh thoảng mới tổ chức vài buổi tập huấn cho nông dân.
Để phát triển văn hóa đọc, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng như thư viện, nhà sách… là cần thiết, nhưng quan trọng nhất là phải tạo nên một cộng đồng thích đọc sách, xem việc đọc sách như một nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Điều quan trọng không phải là những con số về các thư viện, mà là việc phát huy giá trị của các thư viện, sách đang có.
Để phát triển văn hóa đọc cần có một giải pháp mang tính đồng bộ, trong đó quan trọng nhất vẫn là tạo thói quen và kỹ năng đọc sách ở thế hệ trẻ, nhất là sinh viên, học sinh trong nhà trường. Thực tế cho thấy, văn hóa đọc vẫn đang lép vế trước sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Lớp trẻ hiện nay rất ít người có thói quen đọc sách, thay vào đó họ dùng thời gian để lướt facebook, đọc tin tức hàng ngày trên các trang mạng.
Theo bà Phan Thị Long Trà - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, sách báo và tủ sách gia đình có vai trò quan trọng trong sự hình thành văn hóa đọc của từng thành viên trong gia đình, dòng họ. Do đó, năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc vận động xây dựng “Tủ sách gia đình”, với mục đích xây dựng và hình thành thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân, thành viên trong gia đình, trước hết là trẻ em. Đặc biệt, trong xu thế hiện nay, trong khi đọc sách, báo in đang bị mai một dần thì việc xây dựng tủ sách gia đình có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao văn hóa đọc. Vì vậy, thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và cùng chung tay xây dựng tủ sách gia đình.
Anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn bày tỏ: “Để phát triển văn hóa đọc, cần đưa tủ sách vào tiêu chí gia đình văn hóa, làng văn hóa/khu phố văn hóa. Việc xây dựng tủ sách gia đình là một cách để định hướng cho mỗi thành viên có sở thích đọc sách, cũng như hiểu được giá trị của sách mang lại, từ đó hình thành nhân cách và sống tốt hơn”.
Những năm gần đây, việc phát triển văn hóa đọc đã được các cấp chính quyền, ngành văn hóa chú trọng hơn trước. Tuy nhiên, việc phát triển văn hóa đọc không chỉ cần những khẩu hiệu, mỗi năm khuấy động một lần bằng ngày Sách Việt Nam, mà hơn hết cần sự ý thức của cả cộng đồng về giá trị của sách, để rồi tự thân mỗi người tự tìm đến sách.
XUÂN THÀNH