05:04, 19/04/2016

Tự truyện và chuyện đánh bóng bản thân

Từ lâu, trào lưu viết sách, sản xuất video âm nhạc, làm phim… (hầu hết mang tính tự truyện) của giới nghệ sĩ đã thịnh hành, hé lộ nhiều góc khuất thú vị trong cuộc sống, nghề nghiệp của nghệ sĩ. Tuy nhiên, không phải tự truyện nào cũng bổ ích, thậm chí nhiều tự truyện rất nhảm nhí, phản cảm.

Từ lâu, trào lưu viết sách, sản xuất video âm nhạc, làm phim… (hầu hết mang tính tự truyện) của giới nghệ sĩ đã thịnh hành, hé lộ nhiều góc khuất thú vị trong cuộc sống, nghề nghiệp của nghệ sĩ. Tuy nhiên, không phải tự truyện nào cũng bổ ích, thậm chí nhiều tự truyện rất nhảm nhí, phản cảm. Bộ phim Vòng eo 56 xuất hiện mới đây là một điển hình của xu hướng này.

 

Một cảnh trong phim Vòng eo 56
Một cảnh trong phim Vòng eo 56


Mạnh tay đầu tư cho tác phẩm mang tính tự truyện của mình với số tiền cả chục tỷ đồng, người mẫu nội y Ngọc Trinh đã làm dấy lên một làn sóng dư luận, xung quanh bộ phim. Doanh thu kỷ lục 15 tỷ đồng sau 5 ngày ra mắt, song Vòng eo 56 ngoài mục đích thanh minh những điều tiếng, thị phi lâu nay của “chính chủ”, không mang giá trị nghệ thuật và tư tưởng nhân văn như “tuyên ngôn” quảng bá (PR) của những người làm phim; chưa nói đến còn ít nhiều cổ xúy một lối sống, quan niệm sống và yêu không mấy tích cực trong lớp trẻ.


Việc ra hồi ký, tự truyện là nhu cầu tự thân của mỗi người. Song, nhiều người trong giới văn hóa - nghệ thuật coi việc xuất bản sách, làm phim... mang tính tự truyện, như một thứ mốt. Tuy nhiên, sách vở, phim ảnh không giống như thời trang, hết cao trào, hết mốt sẽ tự biến mất mà tồn tại lâu dài, lan tỏa rộng rãi. Tự truyện, bảo thân nó là thể loại khó của văn học, điện ảnh. Làm thế nào để thể hiện trung thực cuộc đời mình mà không ảnh hưởng đến những người liên quan; làm sao để độ trung thực của tự truyện không bị sa vào lối hoạt kê, nhảm, không khiến cho “chính chủ” mất điểm trong mắt công chúng? Còn nhớ, cách đây đã lâu, cuốn hồi ký Yêu và sống của NSƯT Lê Vân đã gây nên những dư luận khen chê trái chiều, thậm chí là chỉ trích của một bộ phận lớn bạn đọc khi tác giả công khai chuyện đời tư về cha mẹ mình. Tự truyện của ca sĩ Thanh Thảo lại tô đậm chuyện tình cảm với một diễn viên, người mẫu đã có gia đình... Và mới đây, cuốn hồi ký Một đời giông bão của nghệ sĩ điện ảnh Thương Tín gây không ít sóng gió dư luận khi khơi lại một thời trai trẻ nông nổi, với những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời ông. Bên cạnh đó, không ít người viết sách, ra tự truyện, bỏ tiền tỷ làm video âm nhạc, phim ảnh nhằm mục đích tự đánh bóng, PR, kiếm tìm tên tuổi… Đó là trường hợp cuốn tự truyện của ca sĩ Long Nhật tiết lộ nhiều chi tiết gây sốc về vấn đề giới tính; và mới đây là cuốn sách Lạc giữa thanh xuân kể về chặng đường tham gia showbiz của cô gái trẻ Huyền Anh - thường gọi là Bà Tưng, một cái tên gây bão dư luận vài năm trước; phim Vòng eo 56 của Ngọc Trinh...


Bên cạnh những “cám cảnh” xung quanh trào lưu tự truyện của giới showbiz, vẫn còn những cuốn sách nhiều ý nghĩa và sức lan tỏa, nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc như Bên kia bức tường của ca sĩ Trần Lập với câu chuyện về tuổi thơ vất vả, về thời sinh viên sôi nổi và những bí mật sau ánh hào quang của ban nhạc Bức Tường...


Có thể thấy, nhu cầu tự trải lòng, “gột rửa” tiếng xấu bằng thể loại hồi ký, tự truyện không phải là xấu; song nó chỉ thật sự chính đáng và đạt hiệu quả tích cực nếu người nghệ sĩ biết điểm dừng, hướng đến những giá trị nghệ thuật, đạo đức và nhân văn.


PHƯƠNG LIÊN (Nhân Dân)