10:04, 29/04/2016

Từ bài ca hy vọng đến bài ca thống nhất

Những ngày này, cả nước rộn ràng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những khúc hoan ca reo vui lại vang lên khắp nẻo, nhưng trong tôi lại nhớ về những khúc ca của 21 năm trời đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc ....

Những ngày này, cả nước rộn ràng kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những khúc hoan ca reo vui lại vang lên khắp nẻo, nhưng trong tôi lại nhớ về những khúc ca của 21 năm trời đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc kể từ sau Hiệp định Genève 1954 với nỗi khát khao hy vọng về ngày đoàn viên…


Những bài ca hy vọng


Ngay sau khi đất nước bị chia đôi, giới nhạc sĩ đã có ngay những khúc ca mong ước về ngày đoàn viên. “Lời ca thống nhất” (1955) của nhạc sĩ Trần Quý là một trong những bài hát sớm nhất về chủ đề này: “Nam - Bắc một lòng như sông có một dòng. Non nước này cùng chung núi sông Lạc Hồng… Núi sông nào ngăn cách, lòng Nam - Bắc chẳng thể chia. Tiễn chân đoàn con ra Bắc, lòng mẹ già mong ước, quân thù lùi bước. Đường tranh đấu dài lâu…”.

 

 Lễ thượng cờ bên cầu Hiền Lương  trong lễ kỷ niệm 40 năm  ngày giải phóng miền Nam  thống nhất đất nước
Lễ thượng cờ bên cầu Hiền Lương trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước


Trong một lần đi công tác ở bờ bắc sông Bến Hải, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã chứng kiến người gác đèn biển Cửa Tùng chiều chiều leo lên cột đèn, dõi ánh mắt buồn rười rượi về phía bên kia bờ sông mong nhìn thấy người thân. Trong niềm xúc động đến nghẹn lời, ngay đêm đó, nhạc sĩ đã viết nên ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (lời Đằng Giao) với những lời hát da diết ẩn chứa niềm tin son sắt vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà: “Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Nhắn ai luôn giữ câu nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son”... “Câu hò bên bờ Hiền Lương” là bức thông điệp vẹn nguyên về khát vọng thống nhất đất nước, một mùa xuân dân tộc đoàn viên, đi vào trái tim của triệu triệu con người.


Cùng chung cảm xúc nồng nàn của người con miền Nam tập kết, nhạc sĩ Hoàng Việt đã gửi gắm tình cảm nhớ nhung và chung thủy tới người yêu nơi quê nhà qua ca khúc “Tình ca”: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta, ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba. Em ơi! Nghe chăng lời trái tim vọng ra, rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang, qua núi biếc trập trùng xa xa. Qua bóng mây che mờ quê ta, tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha”. Và niềm tin son sắt vào cuộc đấu tranh thống nhất còn được khẳng định trong đoạn kết của lời 2: “Xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đổ máu. Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly. Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bản tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người”. Chính những bài hát này đã thúc giục bao người ra trận, đôi lứa chấp nhận xa nhau để chiến đấu cho một ngày mai tươi đẹp.


Niềm tin thống nhất


Niềm tin, hy vọng vào ngày thống nhất đất nước không chỉ được thể hiện trong ca từ mà còn được thể hiện ngay cả trên tiêu đề các ca khúc. Tiêu biểu là “Bài ca hy vọng” (1958) của nhạc sĩ Văn Ký. Dù xa cách núi sông, dù đang chiến tranh đạn bom, người dân Việt Nam khi ấy vẫn tin tưởng “gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”, “ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai. Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm, có mùa xuân nào đẹp bằng!”.


Nhắc đến những ca khúc về niềm tin và hy vọng không thể không nhắc đến những bài hát viết về Bác Hồ. Hình tượng cao đẹp của Bác Hồ trong bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (1962) của nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam vượt qua những lúc gian khó nhất: “Trên xóm làng miền Nam, hình ảnh Người như “Tiến quân ca” giục lòng vươn cánh bay xa. Vùng lên giải phóng quê nhà…”. Cũng trong thời kỳ này, rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ cả hai miền Nam - Bắc đã kịp thời động viên, thúc giục những đoàn quân ra trận. Đến đầu năm 1975, trên làn sóng phát thanh đã vang lên bài hát “Lá đỏ” với những ca từ phơi phới niềm tin về ngày toàn thắng: “Đoàn quân vẫn đi vội vã. Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa. Chào em, em gái tiền phương ơi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”.


Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, với dự cảm thời khắc lịch sử đang đến rất gần, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều ca khúc mừng ngày thắng lợi như: “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên). Theo lời kể của nhạc sĩ Hoàng Hà, ông viết “Đất nước trọn niềm vui” trong đêm 26-4-1975 tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội. Ngay sáng hôm sau, trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, nghệ sĩ Trung Kiên đã hát vang: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây, Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui… giải phóng”. 3 ngày sau, Sài Gòn giải phóng, trọn vẹn cả non sông thống nhất rạng rỡ Việt Nam. Trưa 30-4-1975, lá cờ giải phóng đã được phất cao trên nóc dinh Độc Lập. Nói đến những khúc ca khải hoàn không thể không nhắc đến “Bài ca thống nhất” của nhạc sĩ Võ Văn Di. Đó là bài ca của cuộc sum họp toàn dân tộc, không còn sự cách trở, ngăn cách trong lòng người: “Biển trời xuân sang. Bắc Nam sum họp. Một nhà đông vui, tưng bừng... Người Việt Nam, đón xuân về”. Khác với nhiều ca khúc cùng thời, nhạc sĩ Võ Văn Di không chỉ nói về ngày vui thống nhất 30-4 lịch sử mà chỉ lấy sự kiện đó như là sự khởi đầu để đi tới mong ước và khát vọng một đất nước mạnh giàu như nguyện ước của Bác Hồ.


NHẬT LỆ