Cứ vào dịp cuối xuân đầu hạ, mùng 10-3 âm lịch, con cháu lại nườm nượp sính lễ trảy hội đền Hùng. Không chỉ ở quê hương Quốc Tổ (núi Nghĩa Lĩnh, đất Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) mà ở nhiều vùng miền, ...
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”
Câu ca dao ấy đã thấm sâu trong tiềm thức ngàn đời của người dân đất Việt. Cứ vào dịp cuối xuân đầu hạ, mùng 10-3 âm lịch, con cháu lại nườm nượp sính lễ trảy hội đền Hùng. Không chỉ ở quê hương Quốc Tổ (núi Nghĩa Lĩnh, đất Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) mà ở nhiều vùng miền, nơi nào có cư dân Việt nơi ấy có hội đền giỗ Quốc Tổ, con cháu dâng lễ bánh chưng bánh dày ơn nhớ tổ tiên, kể lại công tích của Đức Tổ dựng nền móng đất Việt.
Một số tem về Vua Hùng và thời đại Hùng Vương |
Ngày nay, khu di tích lịch sử đền Hùng gồm có: đền Giếng, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng; một chùa; lăng Hùng Vương; cột miếu cổ… Khu di tích lịch sử đền Hùng có lịch sử rất cổ, việc dựng miếu thờ có từ thời Vua Hùng thứ sáu. Ngày 6-12-2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là đời sống tinh thần của người Việt mà tiêu biểu là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10-3 âm lịch) tại đền Hùng, núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ.
Bưu ảnh Lăng Hùng Vương. |
Từ năm 1960 đến nay, Bưu điện Việt Nam đã phát hành 5 bộ tem gồm 26 mẫu tem, 2 block tem, 3 maxicard và 5 bì thư kỷ niệm về các đề tài: Lăng Hùng Vương (2 tem), Sơn Tinh - Thủy Tinh (8 tem), truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ (6 tem) và bộ tem Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (3 tem, 1 block, 3 maxicard, 1 FDC). Đây là đề tài tem lịch sử của Việt Nam, rất hiếm có trên thế giới về vị thủy tổ của một quốc gia, một niềm tự hào của dân tộc ta để tri ân công đức tổ tiên.
Phác thảo tượng đài Vua Hùng |
PHẠM KHÁNH HỒNG