11:04, 22/04/2016

Phát thanh trong kỷ nguyên số: Thách thức và cơ hội

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, phát thanh từ chỗ là kênh thông tin chính đã bị giảm mạnh, đòi hỏi những người làm phát thanh phải tận dụng Internet như một kênh tiếp cận những thính giả mới; thay đổi cách thức sản xuất nội dung để phù hợp với thính giả trên những thiết bị thế hệ mới.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, phát thanh từ chỗ là kênh thông tin chính đã bị giảm mạnh, đòi hỏi những người làm phát thanh phải tận dụng Internet như một kênh tiếp cận những thính giả mới; thay đổi cách thức sản xuất nội dung để phù hợp với thính giả trên những thiết bị thế hệ mới.


Tận dụng ưu thế của Internet


Trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XII, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã tổ chức 3 hội thảo chuyên đề về nghiệp vụ và kỹ thuật: Phát thanh trong kỷ nguyên bùng nổ truyền thông đa phương tiện; Những yếu tố làm nên một phóng sự phát thanh đặc sắc; Xu hướng công nghệ mới trong phát thanh truyền hình… Theo các đại biểu, để tồn tại trong bối cảnh bùng nổ truyền thông đa phương tiện, phát thanh - với những lợi thế của mình phải phát triển nội dung phù hợp trên công nghệ đa nền tảng. Phát biểu tại hội thảo “Phát thanh trong kỷ nguyên bùng nổ truyền thông đa phương tiện”, ông Nguyễn Thế Kỷ - Giám đốc VOV nhấn mạnh, sự phát triển của công nghệ truyền thông đã tạo cho báo chí một hướng đi mới, đó là tích hợp các phương tiện truyền thông. Đây là xu hướng phát triển mang tính khách quan, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. “Đài VOV cũng như nhiều cơ quan báo, đài khác, muốn trở thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện phải tích hợp các loại hình truyền thông truyền thống, khai thác triệt để thế mạnh, tiềm năng của Internet cũng như các ứng dụng của công nghệ thông tin, nhằm tạo dựng một cơ quan thông tin mạnh có phạm vi ảnh hưởng lớn đối với công chúng”, ông Nguyễn Thế Kỷ khẳng định.

 

Nhà báo Ben William đang trao đổi với các nhà báo làm phát thanh của Việt Nam
Nhà báo Ben William đang trao đổi với các nhà báo làm phát thanh của Việt Nam


Trong khi đó, ông Ben Williams - Giám đốc Công ty Truyền thông Beyon Broadcasting, nhà báo kỳ cựu đến từ  nước Anh chia sẻ: “Phát thanh được coi là “cổng thông tin” về tất cả những vấn đề đang xảy ra trên thế giới, khởi đầu những nội dung được đề cập trên tất cả các loại hình truyền thông khác, tiếp cận dễ dàng nhất tới nhiều đối tượng công chúng. Nếu biết tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin, phát thanh hoàn toàn có thể thu hút sự quan tâm của thính giả”.


Đồng quan điểm với nhà báo Ben Williams, ông Uông Ngọc Dậu - Giám đốc Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp của VOV nhấn mạnh: “Trong xã hội năng động hiện nay, con người di chuyển rất nhiều, và đó là thời gian để phát thanh tận dụng lợi thế. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng Internet đã mở ra một cơ hội để phát thanh tận dụng như một kênh tiếp cận những thính giả mới - nghe trên máy tính hay các thiết bị di động”.


Tăng cường tính tương tác


Nhiều nhà báo cho rằng, để phát thanh phát triển cần tận dụng công nghệ thông tin, tăng cường tính tương tác của các chương trình phát thanh. Ông Vương Quyền, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH) cho rằng: “Chính những khó khăn, thách thức của vấn đề cạnh tranh trong môi trường truyền thông đa phương tiện lại trở thành yếu tố để phát thanh có thể tận dụng, không chỉ để tồn tại mà còn có thể phát triển đa dạng và phong phú. Bên cạnh nhóm thính giả truyền thống, người làm phát thanh hiện nay cần chú trọng nhóm thính giả tiềm năng, đó là những thính giả trẻ sẽ tiếp cận làn sóng phát thanh qua web, điện thoại di động, facebook; xây dựng cơ cấu chương trình theo từng khung giờ, ngày phát sóng phù hợp cho từng loại đối tượng thính giả”.

 

Các nhà báo chia nhóm thảo luận ở hội thảo “Những yếu tố làm nên một phóng sự phát thanh đặc sắc”
Các nhà báo chia nhóm thảo luận ở hội thảo “Những yếu tố làm nên một phóng sự phát thanh đặc sắc”


Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Ben Williams cho rằng, trong thời đại bùng nổ phương tiện như hiện nay, người làm phát thanh phải làm sao để thính giả có cảm nhận rằng họ đang được lắng nghe. Nói cách khác, các chương trình phải thật sự phản ánh được nhu cầu và mối quan tâm của thính giả. Do vậy, cần xây dựng một chiến lược cụ thể để có thể gắn kết với thính giả bằng nhiều hình thức khác nhau như: email, fanpage… và tất nhiên phải sử dụng cả mạng xã hội. Và điều này chính là những yêu cầu mới đối với các nhà sản xuất chương trình phát thanh.


Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chương trình, tận dụng những lợi thế của công nghệ hiện đại để phát thanh đến gần hơn với công chúng, việc xây dựng và phát triển một đội ngũ cộng tác viên thường xuyên và tích cực cũng góp phần không nhỏ tạo nên sức hút của phát thanh. Điển hình như chương trình FM sinh viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa hoàn toàn giao cho các sinh viên chủ động sản xuất, từ khâu lên ý tưởng, kịch bản, tổ chức sản xuất, biên tập và dẫn chương trình. “Với cách làm này, chương trình FM sinh viên đã trở thành diễn đàn chính thống của sinh viên trên địa bàn, mang tính năng động, trẻ trung của những người trẻ, tiết kiệm chi phí sản xuất chương trình”, ông Trần Minh Thảo - Trưởng phòng Biên tập phát thanh Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa chia sẻ.


THÀNH NGUYỄN