Hôm nay (1-4), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ra đi 15 năm. Thời gian ấy đủ để một đứa bé trở thành một người trưởng thành, đủ để một người thanh niên tóc xanh thành hoa râm lấm bụi đường trần.
Hôm nay (1-4), nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ra đi 15 năm. Thời gian ấy đủ để một đứa bé trở thành một người trưởng thành, đủ để một người thanh niên tóc xanh thành hoa râm lấm bụi đường trần. Ngày Trịnh Công Sơn mất tôi còn là chàng sinh viên năm nhất ở xứ Huế, mới bước vào thế giới âm nhạc của ông chưa đỗi bao lâu, cũng chưa hiểu hết những thâm sâu trong cát bụi, tình nhớ, tình sầu… và cũng chưa hiểu hết tầm vóc của người nhạc sĩ tài danh thế kỷ. Từ Huế tôi đã đi đến nhiều vùng miền trong cả nước, ở đâu người ta cũng nghe nhạc Trịnh, âm nhạc của ông thấy ngày càng hiện hữu trong đời sống này. Càng ngày, tôi càng nhận ra sự kỳ diệu, chất keo kết dính trong âm nhạc của ông.
Các nhạc sĩ, nhà văn đã dùng nhiều mỹ từ để ca ngợi âm nhạc nhạc của Trịnh Công Sơn - thế giới của nhạc, thơ ca, hội hoạ trừu tượng, triết lý hoà quyện vào trong nhau. Nhạc sĩ Văn Cao viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Phạm Tuyên gọi Trịnh Công Sơn là “đỉnh cao của âm nhạc giàu chất thơ và triết lý”... Thế nên, một người nghe nhạc bình thường như tôi không dám lạm bàn ở đây. Với tôi, nhạc Trịnh chính là chất keo kết nối bạn bè, kết nối những vòng tay. Suốt mấy chục năm qua, nhạc Trịnh âm thầm kết nối những tâm hồn Việt. Người trẻ nghe Trịnh, người già nghe Trịnh, người Bắc nghe Trịnh – người Nam nghe Trịnh, trong nước nghe Trịnh – ngoài nước nghe Trịnh… dường như không có khoảng cách thế hệ giữa những người nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Về một chừng mực nào đó, nhạc Trịnh giống như "thánh kinh" của người nghe nhạc Việt Nam, bằng chứng là người Việt ai cũng một lần ngân nga “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, hay “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Rồi một mai tôi về làm cát bụi”. Trong những năm qua, tôi đã có thêm rất nhiều bạn bè cũng xuất phát từ niềm đam mê chung: nhạc Trịnh.
Gần một thế kỷ của nền tân nhạc, Việt Nam có nhiều nhạc sĩ tài danh nhưng không ai được yêu mến bằng Trịnh Công Sơn. Vì sao vậy? Cho đến bây giờ hình như ông là người duy nhất có các nhạc phẩm đề cập đến 3 chủ đề lớn: tình yêu – quê hương – thân phận với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhiều người đam mê nhạc thấy mình trong đó. Chia tay người yêu thì hát “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, viếng một người bạn vừa mất “Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây. Đã vui chơi trong cuộc đời này…”. Với họ, nhạc Trịnh đã gần như trở thành một phần máu thịt, đi vào tâm thức từ lúc nào không hay, để đến khi gặp một cảnh ngộ nào đó tự dưng trong lòng vang lên những giai điệu phù hợp như chính tiếng lòng của mình vậy.
Ca sĩ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn trong buổi giao lưu với khán giả Nha Trang năm 2015. |
Sinh thời, Trịnh Công Sơn khiêm tốn tự nhận “"Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này”, và không ít người đã gọi ông là “người hát rong thế kỷ” bởi những giá trị âm nhạc của ông quá đỗi lớn lao. Nhạc Trịnh xoa dịu nỗi đau cho bao người, tiếp thêm niềm tin để mọi người đứng dậy. Hơn hết, âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn hướng người nghe đến những điều thánh thiện như triết lý từ bi của phật pháp, sống không hận thù mà như có lần ông đã bày tỏ trong thiên hồi ức đăng trên tạp chí Sóng Nhạc: “Trong lòng tôi không có một giây phút nào nuôi một lòng oán hận với cuộc đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và có người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn”.
15 năm đã qua, kể từ khi Trịnh Công Sơn mất đi, nhưng những giá trị âm nhạc của ông ngày càng tỏa sáng. Trong tình hình thế giới bất ổn như hiện nay, khi mà khủng bố ngày càng gia tăng, người ta mới thấy thêm ý nghĩa những bài hát kêu gọi con người hòa hợp của Trịnh Công Sơn mới đáng quý đến nhường nào!
THÀNH NGUYỄN