Hơn chục năm nay, tên tuổi Nguyễn Thị Ngọc Hải đã gây sự chú ý đối với người yêu văn học trong cả nước khi bà được nhiều đồng nghiệp và báo giới đánh giá là nhà văn có duyên về ký nhân vật. Minh chứng rõ nét nhất là nhiều tác phẩm của bà khi vừa mới trình làng đã được người đọc đón nhận nồng nhiệt, ...
Hơn chục năm nay, tên tuổi Nguyễn Thị Ngọc Hải đã gây sự chú ý đối với người yêu văn học trong cả nước khi bà được nhiều đồng nghiệp và báo giới đánh giá là nhà văn có duyên về ký nhân vật. Minh chứng rõ nét nhất là nhiều tác phẩm của bà khi vừa mới trình làng đã được người đọc đón nhận nồng nhiệt, như: “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời”, năm 2002; “Đại tướng Mai Chí Thọ - Tướng con dân”, 2005; “Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo”, 2006. Cả 3 tập ký này đều được Nhà xuất bản Công an nhân dân tái bản, trong đó cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” đoạt giải A cuộc vận động viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 1999 - 2002”; giải A văn học 10 năm (1995 - 2005) của Bộ Công an và Hội Nhà văn.
Trong một lần đến Nha Trang, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thú vị.
- Thưa nhà văn, duyên cớ nào đưa bà đến với nghề báo?
- Tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và đã có một thời gian công tác ở Báo Phụ nữ Việt Nam. Nghề báo đã giúp tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều người trong xã hội, sau mỗi cuộc tiếp xúc tôi rất thích chân dung, số phận độc đáo của những người có nhiều đóng góp công sức cho xã hội, đất nước và dân tộc. Sự thích thú đó đã tạo nguồn cảm hứng để tôi tìm tòi, khai thác tư liệu về các nhân vật tiêu biểu, điển hình.
- Vậy là từ nghề báo bà chuyển sang nghiệp văn?
- Nghề báo đã giúp cho tôi có nhiều chất liệu về cuộc sống cần phải chuyển tải bằng văn học, nên từ khi còn làm báo tôi đã viết truyện ngắn, tiểu thuyết và ký.
- Điều gì đã thôi thúc bà hướng tới thể loại ký nhân vật vốn rất công phu, đòi hỏi nhiều công sức và tính xác thực, nhất là việc khai thác và xử lý tư liệu?
- Trong số những nhân vật mà tôi có dịp tiếp xúc khi còn làm báo, có những nhân vật rất đáng kính phục như: vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, người chỉ huy tình báo Trần Quốc Hương, Đại tướng Mai Chí Thọ và nhiều nhân vật khác nữa. Sự hy sinh thầm lặng và phẩm chất anh hùng cách mạng của họ thật cao đẹp, nếu không viết về họ thì quá khứ cao đẹp đó trôi theo dòng chảy thời gian. Ví như chất nhân văn trong nghề tình báo và trong đời sống của ông Phạm Xuân Ẩn đã chạm đến tầm nhân loại, nên thế giới đánh giá ông là nhân vật của thế kỷ XX. Từ suy nghĩ đó, tôi đầu tư cho thể loại này dù vấp phải không ít khó khăn.
- Để cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” ra mắt bạn đọc, bà đã vấp phải những khó khăn nào?
- Quỹ thời gian dành cho cuốn sách này hơn 10 năm, phần lớn vẫn là thời gian khai thác tư liệu. Phải nói rằng tôi vui khi có duyên may nên mới được gặp, được viết về nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. Hai khó khăn lớn nhất là nhân vật không muốn bộc lộ nghề nghiệp đời tư, còn hồ sơ tình báo về ông luôn là một bí mật khép kín của quốc gia nên tôi phải đơn độc tìm kiếm, chứ không có nhiều lợi thế như sau này Giáo sư sử học người Mỹ Larry Berman được phép tiếp cận tài liệu mật của Mỹ và phỏng vấn các nhân vật đang sinh sống ở đất nước họ và hiểu biết khá nhiều về cuộc đời hoạt động của ông Ẩn trước khi viết “Điệp viên hoàn hảo”. Hơn nữa, người viết ký nhân vật phải biết thuyết phục thế nào để họ kể ra những chuyện chưa bao giờ nói với ai, rồi chuyện xử lý tư liệu sao cho trung thực, sinh động…
Tôi không viết ký nhân vật theo kiểu chỉ dựa vào văn bản tài liệu, rồi kể tiểu sử, vụ việc, công trạng, mà thích quan sát nhân vật trực tiếp, từ đó chuyển hóa mềm mại bằng văn phong giản dị, kiệm lời, tạo ra chân dung nhân vật dưới góc nhìn văn hóa - lịch sử với những chi tiết đầy cảm động.
- Bà đã có những cuộc tiếp chuyện với Giáo sư Larry Berman trước và sau khi “Điệp viên hoàn hảo” ra mắt bạn đọc. Trong những cuộc tiếp xúc đó, vị giáo sư này đã cảm nhận điều gì qua cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời”.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải sinh năm 1944. Bà sinh ra, lớn lên và sống nhiều năm ở Hải Dương, Hải Phòng rồi làm việc ở Hà Nội. Hiện nay bà đang sống tại TP. Hồ Chí Minh. Bà từng là phóng viên, Tổng Thư ký tòa soạn, Ủy viên biên tập Báo Phụ Nữ Việt Nam, chuyên viên báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. |
- Thông qua nữ đạo diễn phim tài liệu Lê Phong Lan, giữa năm 2006, tôi gặp Larry Berman, Giáo sư khoa học chính trị Trường Đại học California Davis. Và nhiều lần sang Việt Nam sau đó, Larry vẫn thường gặp tôi với tư cách là người cùng viết về ông Ẩn để trao đổi và chia sẻ về những khó khăn. Trước đó, Larry Berman cũng đã nhờ một Việt kiều dịch cuốn sách của tôi viết về nhà tình báo sang tiếng Anh để đọc đến 3 lần và từ đó triển khai đặt câu hỏi với ông Ẩn. Đương nhiên, mỗi người có góc nhìn và quan điểm riêng, nhưng có một nét chung đáng trân trọng là chúng tôi đều bày tỏ thái độ ngưỡng mộ và kính phục vị tướng Phạm Xuân Ẩn. Và điều khiến tôi thật vui sướng là khi tập sách “Điệp viên hoàn hảo” mới ra bản tiếng Anh, chưa xuất bản ở Việt Nam, Giáo sư Larry Berman đã đến nhà tôi tặng tác phẩm này với lời đề tặng: “Trong tất cả những người viết về ông Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu về tính nhân văn của ông ấy hơn ai hết”.
- Gần đây nhất, bà đã gửi đến bạn đọc chân dung nhân vật nào?
- Ký nhân vật là thể loại tôi đã gắn bó và yêu thích từ nhiều năm qua. Chính vì vậy, ở Trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đà Lạt năm 2009, tôi đã viết được 4 chương tập ký: “Trở lại xứ Kađô”, viết về chân dung ông Ya Duck - một Phó Thủ tướng Fulro nhưng sau khi giác ngộ cách mạng đã trở thành Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng. Khi đến trại sáng tác tổ chức ở thành phố biển Nha Trang năm 2010, tôi hoàn thành bản thảo tập ký này.
- Xin cảm ơn bà!
PHAN THẾ HỮU TOÀN
(Thực hiện)