Tháng Ba về, mùa khe khẽ trở mình. Cái Tết vừa rời đi qua ngõ, để lại dấu vết vương vấn trên những bông đào nở muộn, trên khóm cúc vàng còn tỏa chút hương. Tháng Ba về, cái rét nàng Bân phảng phất trong cơn gió, đọng trên những nụ hoa gạo đỏ chót nơi đầu làng. ...
Tháng Ba về, mùa khe khẽ trở mình. Cái Tết vừa rời đi qua ngõ, để lại dấu vết vương vấn trên những bông đào nở muộn, trên khóm cúc vàng còn tỏa chút hương. Tháng Ba về, cái rét nàng Bân phảng phất trong cơn gió, đọng trên những nụ hoa gạo đỏ chót nơi đầu làng. Những bông hướng dương đua nhau nở rộ đón lấy những ánh mặt trời le lói qua đàm mây bàng bạc.
Ảnh minh họa. |
Tháng Ba về, lũ trẻ ríu rít, gần đến hè, chúng sẽ có khoảng thời gian ít ỏi để nghỉ ngơi sau những giờ học chính, học thêm của cả một năm học. Còn anh chị chúng, lại lưu luyến, khi sắp phải chia xa mái trường của những năm tháng vô tư và trong trẻo. Cái nắm tay vội vàng, nhắc nhau ôn tập thật tốt để tốt nghiệp, để có thêm bước đệm cho tương lai, và không phụ lòng bố mẹ chúng vất vả.
Tháng Ba về, cũng là lúc nhà nông bắt đầu vụ mới. Quê tôi bao người lại tất bật trên những cánh đồng. Gieo lúa, trồng đậu, trỉa bắp… cho kịp mùa vụ trước khi cơn đại hạn tháng Sáu đổ nắng xuống. Tháng Ba về, hẳn bố đang gò lưng với con trâu trên những thửa ruộng lầy lội, những đồi hoang chỉ toàn sỏi, đá. Đôi tay bố đen nhẻm vì bùn, bàn chân dày lên những vết chai, vai áo bạc màu vì sương gió, mái tóc hoa râm vì năm tháng và những nỗi lo toan. Tháng Ba về, hẳn mẹ tôi đang chăm chút những luống hoa loa kèn trắng, để trổ kịp tháng Tư, mang lên chợ phố bán cho những người chơi hoa. Những luống hoa trắng muốt chứa đựng cả niềm hi vọng mẹ gửi gắm vào trong đó. Niềm hi vọng tháng ấy, mùa hoa tươi tốt, đừng sương muối, đừng sâu bọ, để đủ tiền gửi cho hai đứa con học ở Sài Gòn xa xôi. “Năm nay chúng chẳng được về Tết, chúng ở lại Sài Thành phồn hoa, miệt mài đi làm thêm. Thằng cả sắp tốt nghiệp, đi thực tập tốn tiền lắm. Con út lại năm 2, chẳng mấy chốc mà ra trường”.
Cái chẳng mấy chốc của mẹ, của những người dân quê là thế. Với họ, thời gian luôn vội vã, chẳng bao giờ là đủ. Tất bật từ sáng đến đêm, mẹ đi ngủ khi con gà trống ngoài kia báo hiệu canh hai và thức giấc khi những tia nắng vừa chỉ kịp le lói. Thế mà vẫn thiếu trước, hụt sau. Bởi thiên nhiên nơi miền núi ấy chưa bao giờ thôi khắc nghiệt. Sức con người bé nhỏ chẳng thể chống lại cơn đại hạn tháng 6 đất nai nứt nẻ, giếng cạn khô nước; cũng không đỡ được cơn lũ, cơn bão tháng 7, đổ ào ạt trên những đồng lúa đang thì con gái, trên những rừng tràm đang đà phát triển, trên những vườn chuối đang độ cho quả.
Tôi nhớ những ngày còn bé, khi tháng Ba về, lúc ấy dù còn dư âm của Tết, cả nhà lót dạ bằng miếng bánh chưng, bánh ít, rồi tay xách, tay mang cùng nhau ra đồng. Gần thì trưa cả nhà về ăn cơm. Xa thì ở lại, dỡ theo cơm nắm, thứ cơm mẹ nấu rồi gói trong lá chuối xanh, đứa nào phải đi học thì về trước. Nhịp sống thôn quê cứ đều đặn như thế, theo mùa vụ mà sinh hoạt. Lũ trẻ con dần lớn, đi xa dần mái nhà nhỏ bé, xa dần đồng ruộng, bãi ngô. Đứa thì học hành, đứa thì lăn vào đời kiếm sống với bao nỗi lo toan.
Chiều nay, nơi phố thị đông người. Tan tầm, cơ man bao nhiêu xe máy, bao nhiêu ô tô. Tấp vào chợ tạm bên đường, bà cụ thân hình gầy gò, tay đang vẩy nước lên mấy nhành cúc tím đựng trong cái chậu nhỏ. Bà bảo “mấy cây cúc tôi trồng muộn quá, bây giờ mới trổ bông, nên hái đem bán để người ta cúng. Chớ để lâu, trời nắng này nhanh tàn lắm”. Tôi nhìn lại, Nha thành nắng, nắng lắm. Tháng Ba, nơi này, chẳng hề vương vấn cái rét mùa đông như quê tôi. Nhưng tất thảy, cuộc sống người lao động thì nơi nào vẫn thế…..
Cao Nguyễn Hồng Phượng