Những năm qua, nhiều bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn được trình chiếu trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của khán giả.
Những năm qua, nhiều bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn được trình chiếu trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thu hút sự quan tâm của khán giả. Những vấn đề như: chuyện thu hồi đất đai, làn sóng đô thị hóa, sự quan liêu, tha hóa và các tệ nạn mới ở các làng quê vẫn còn nguyên tính thời sự!
Ngày 24-3, bộ phim Gia phả của đất (đạo diễn Trần Quốc Trọng, kịch bản chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hoàng Minh Tường) sẽ được phát sóng trên kênh VTV1. Tuy chưa lên sóng, nhưng nhiều người vẫn tin tưởng Gia phả của đất sẽ hấp dẫn người xem, tiếp nối được mạch phim về nông thôn miền Bắc mà Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (trực thuộc VTV) đã thành công trong nhiều năm qua.
Những năm qua, nhiều bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn được trình chiếu trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thu hút sự quan tâm của khán giả |
Một trong những bộ phim truyền hình đầu tiên về đề tài nông thôn gây được ấn tượng mạnh với khán giả là phim Chuyện làng Nhô (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo, biên kịch Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng của nhà văn Nguyễn Quang Thiều). Bộ phim đã đánh vào những hủ tục còn tồn tại ở làng quê, những lề thói cũ gây cản trở sự phát triển của nông thôn Việt Nam. Câu chuyện có thật ở Hà Nam được nhà văn viết thành tiểu thuyết, rồi lên phim đã phơi bày những vấn đề nổi cộm của làng quê Bắc Bộ đằng sau cái vẻ ngoài yên bình. Phim đã ấn tượng đến mức thành cái tên “Chuyện làng Nhô” được nhiều người dùng để ám chỉ một làng quê nào đó quá nhiều chuyện phức tạp.
Sau Chuyện làng Nhô, nhiều bộ phim về đề tài nông thôn miền Bắc tiếp tục thu hút sự quan tâm của công chúng như: Người thổi tù và hàng tổng, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Bão qua làng, Làng ma 10 năm sau… Tuy mỗi bộ phim có góc nhìn khác nhau, khai thác những câu chuyện phim khác nhau nhưng dễ nhận thấy, trong các bộ phim về đề tài nông thôn vấn đề được đề cập nhiều nhất vẫn là chuyện thu hồi đất đai, làn sóng đô thị hóa, sự quan liêu, tha hóa và các tệ nạn mới… Câu chuyện về Trịnh Khả lợi dụng việc phân chia ruộng đất để kích động sự chống đối, kết bè kéo cánh gây rối ở địa phương trong phim Chuyện làng Nhô dường như chưa bao giờ cũ. Chuyện mâu thuẫn tranh giành ảnh hưởng của hai dòng họ Vũ và Trịnh của Đất và người dường như vẫn còn đâu đó ở các làng quê. Phim Ma làng, Làng ma 10 năm sau là câu chuyện dài về nông thôn từ đêm trước đổi mới đến những năm gần đây. Ở đó có những con người hiền lành chân chất nhưng cũng có những kẻ hám thành tích, luôn tìm cách đầu cơ trục lợi, và không thiếu những thủ đoạn nham hiểm, thừa cơ đục nước béo cò. Những vấn đề mà phim Bão qua làng, Gió làng Kình đề cập như: việc thu hồi đất đai để thực hiện các dự án kinh tế, bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, quá trình đô thị hóa và các hệ lụy dẫn đến tệ nạn, sự tha hóa… vẫn còn rất thời sự.
Tiếp nối mạch phim trên, Gia phả của đất sẽ tái hiện bức tranh nông thôn ở làng quê Bắc Bộ từ những năm sau 1975 đến những năm đầu thế kỷ XXI. Trong cơn chuyển mình từ xã hội bao cấp sang cơ chế thị trường, làng quê có cái tên Thanh Bình nhưng lại không hề yên ả. Trên trang web của VTV, đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ: Gia phả của đất sẽ mang đến cho người xem bức tranh về vùng nông thôn của mô hình duy ý chí, lỗi thời với những tồn tại, thiếu sót và lạc hậu trong cơ chế bao cấp, chịu sự áp đặt của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện và xã. Những nhân vật trong phim không có ai tốt hoàn toàn và cũng không có ai xấu hoàn toàn, trong họ luôn có hai mặt tốt - xấu tồn tại đan xen và luôn phải đấu tranh với điều đó. Mỗi con người góp phần viết nên “gia phả”, vẽ nên bức tranh sinh động về mảnh đất mình đang sống.
Từ những chia sẻ của ê kíp làm phim Gia phả của đất cũng như các phim trước đây, có thể thấy những làng quê chưa bao giờ yên ả. Quá trình đô thị hóa gây tác động sâu rộng tới đời sống nông thôn; làng quê Việt đã và sẽ còn bị xâu xé giữa các giá trị cũ, vốn ổn định dài lâu, với cuộc sống hiện đại, nơi đồng tiền và sự tiêu dùng đang chiếm ưu thế. Các nhà làm phim có quyền khai thác điều này, tuy nhiên không ít khán giả vẫn thèm cảm giác được xem những bộ phim nhẹ nhàng kiểu như Người thổi tù và hàng tổng trước đây!
THÀNH NGUYỄN