09:03, 04/03/2016

Người mẹ - tượng đài bất tử trong âm nhạc Việt

Suốt dặm dài lịch sử dân tộc, hình tượng người mẹ đã tạc vào dáng đứng của Tổ quốc, đã đi vào các tác phẩm âm nhạc một cách tự nhiên, dung dị mà sinh động. Suốt mấy chục năm qua, các thế hệ nhạc sĩ đã kế tiếp nhau xây đắp tượng đài người mẹ Việt Nam bất tử.

...

Suốt dặm dài lịch sử dân tộc, hình tượng người mẹ đã tạc vào dáng đứng của Tổ quốc, đã đi vào các tác phẩm âm nhạc một cách tự nhiên, dung dị mà sinh động. Suốt mấy chục năm qua, các thế hệ nhạc sĩ đã kế tiếp nhau xây đắp tượng đài người mẹ Việt Nam bất tử.

 

Người mẹ luôn xuất hiện trong các tiết mục hát múa ca khúc cách mạng
Người mẹ luôn xuất hiện trong các tiết mục hát múa ca khúc cách mạng


Ở Việt Nam, rất nhiều ca khúc ngợi ca tình mẫu tử, nhưng thành công hơn cả chính là ca khúc “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân. Ông viết ca khúc này như một cách báo hiếu với đấng sinh thành của mình.“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào…”, mỗi lần giai điệu thiết tha, êm đềm ấy vang lên là trong lòng mỗi người lại hiện lên hình bóng của người mẹ hiền. Bao năm mẹ không quản khó nhọc, “thương con thao thức bao đêm trường… Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn”.


Trong cuốn hồi ký “Nhớ”, nhạc sĩ Phạm Duy kể, năm 1948, ông và các thành viên đội văn nghệ đến biểu diễn phục vụ đồng bào kháng chiến ở Gio Linh, Quảng Trị. Ở đây, ông đã nghe được câu chuyện: “Một bà mẹ ở trong làng gần đó có người con đi dân quân bị lính Pháp bắt rồi bị chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy đầu anh dân quân xuống để đem đi chôn. Rút cuộc, bà mẹ lẳng lặng ra chợ lấy đầu con bỏ vào khăn gói mang về. Nghe xong câu chuyện, tôi nhờ một anh dân quân đưa tôi tới làng đó để gặp bà mẹ. Đây là người đàn bà với bộ mặt khắc khổ nhiều nếp nhăn, nhưng đối với tôi thì bà đẹp như một vị thánh”. Đêm đó, trên cái giường nứa giữa cánh rừng không tên trên chiến khu Quảng Trị, nhạc sĩ Phạm Duy đã rưng rưng nước mắt viết nên những câu ca đầu tiên của “Bà mẹ Gio Linh”: “Mẹ già cuốc đất trồng khoai. Nuôi con đánh giặc đêm ngày. Cho dù áo rách sờn vai. Cơm ăn bát vơi bát… Mẹ già tưới nước trồng rau. Nghe tin xóm làng kêu gào. Quân thù đã bắt được con. Đem ra giữa chợ cắt đầu. Nghẹn ngào không nói một câu. Mang khăn gói đi lấy đầu. Đường về thôn xóm buồn teo…”. Bài hát đã gợi nên những trang sử đau thương của dân tộc nhưng cũng chính là khúc tráng ca về một tình mẹ bao la. Kể lại một câu chuyện đau thương, nhưng bài hát không hề bi lụy bởi nhạc sĩ đã kết lại bài ca với ý tưởng: sau khi hy sinh người con duy nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hàng trăm người con nuôi là các anh bộ đội.


Trong lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam, hình tượng người mẹ đã trở thành tượng đài bất tử. Đó là chân dung người phụ nữ đằng đẵng chờ chồng, một mình ròng rã nuôi con suốt hơn 20 năm trường trong ca khúc “Mẹ” của nhạc sĩ Phan Long. Hay người mẹ chiến sĩ bất chấp đạn bom “đứng dưới mưa, che đàn con nằm ngủ, canh từng bước chân thù” trong ca khúc “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và hơn hết, những người mẹ Việt đã hiến dâng những người con của mình cho Tổ quốc, trong đó có bao người đi mãi không về. “Nước mắt mẹ không còn. Vì khóc những đứa con. Lần lượt ra đi, đi mãi mãi…”, ca khúc Người mẹ của tôi của nhạc sĩ Xuân Hồng đã nói lên tất cả nỗi đau, sự hi sinh cao cả và thầm lặng của người mẹ Việt Nam… Không chỉ ca ngợi người mẹ, nhạc sĩ còn nói thay tấm lòng tri ân của những người Việt hôm nay với các bà mẹ qua điệp từ: “xin”, “chia sớt nỗi buồn”, “soi lại bóng hình con”, “hôn lên đôi mắt mỏi mòn”, “cảm ơn người - người mẹ của tôi”.


Năm 1994, Nhà nước có pháp lệnh phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, cũng trong năm đó, nhạc sĩ An Thuyên đã dựng nên một tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng bằng âm nhạc. “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng…”. Những lời hát trầm hùng ấy đã khởi đầu cho chân dung cao quý của người mẹ Việt đời đời “dâng hiến giống nòi”, “sống giữa gian lao, vì đất nước hi sinh cả cuộc đời”. Người mẹ ấy mái tóc đã bạc phơ vì bao năm “chờ mong mỏi mòn”, bởi “từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại”. Trong niềm biết ơn vô hạn, nhạc sĩ An Thuyên đã khẳng định, dù những người con của mẹ không về nhưng mẹ không cô đơn bởi “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non. Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài. Núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền…”.  


Trên đất nước đã có nhiều tượng đài về các mẹ, nhưng không tượng đài nào đủ sức ghi hết công ơn của mẹ Việt Nam anh hùng. Và bài viết này như một lần nữa thành kính tưởng nhớ công ơn người mẹ Việt.


THÀNH NGUYỄN